Nếu ngừng nhà máy đạm để sản xuất điện, lượng phân bón có đảm bảo?

(PLO)- Tập đoàn Điện lực Việt Nam đề nghị cho ngừng toàn bộ nhà máy đạm Cà Mau và đạm Phú Mỹ để nhường khí cho sản xuất điện từ nay cho đến hết tháng 5, 6.
0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam

Trước nguy cơ thiếu điện, Tập đoàn Điện lực Việt Nam đã có văn bản gửi Tập đoàn Dầu khí Việt Nam (PVN), Tổng công ty Phân bón và Hóa chất Dầu khí - CTCP, Công ty CP Phân bón Dầu khí Cà Mau, đề nghị ưu tiên nhường khí cho sản xuất điện các tháng cao điểm mùa khô, tháng 5, 6.

Trong đó, EVN đề nghị trước mắt xem xét cho ngừng toàn bộ nhà máy đạm Cà Mau và đạm Phú Mỹ để nhường khí cho sản xuất điện từ nay cho đến hết tháng 5, 6.

Nếu dừng hoạt động hai nhà máy này liệu rằng có ảnh hưởng đến sản lượng phân bón cung cấp cho sản xuất trồng trọt trong nước hay không là vấn đề được nhiều người quan tâm.

Trả lời PLO tại buổi cung cấp thông tin ngày 21-5 của Bộ NN&PTNT, ông Hoàng Trung, Cục trưởng Cục Bảo vệ thực vật, cho biết thẩm quyền việc này không thuộc Bộ NN&PTNT, mà là Bộ Công Thương. Tuy nhiên, Cục sẽ xin ý kiến của Bộ trưởng có ý kiến.

Ông Trung cũng cho biết, trong năm 2022, công suất của hai nhà máy này rất lớn, mỗi nhà máy có công suất trên 900.000 tấn và mỗi nhà máy tồn kho năm 2022 khoảng 200.000 tấn. Trong khi đó, tổng lượng phân đạm xuất khẩu năm 2022 là 798.000 tấn.

Nhiều nơi tại TP.HCM tiết giảm điện chiếu sáng để tiết kiệm điện. Ảnh: PLO

Nhiều nơi tại TP.HCM tiết giảm điện chiếu sáng để tiết kiệm điện. Ảnh: PLO

“Thẩm quyền đồng ý hay không không phải Bộ NN&PTNT. Nhưng nếu điện thiếu nghiêm trọng mà cần thiết phải dừng sản xuất phân bón, đơn vị sẽ có báo cáo với lãnh đạo Bộ, nhưng với số liệu trên thì lượng phân bón, đặc biệt là phân đạm để cung cấp cho sản xuất nông nghiệp hoàn toàn đầy đủ” - ông Trung nói.

Thông tin từ Tập đoàn Điện lực Việt Nam cho biết, thời gian vừa qua, tình trạng nắng nóng, hạn hán, thiếu nước đã làm cho các hồ thủy điện ảnh hưởng nghiêm trọng.

Riêng tháng 4 và đầu tháng 5 nước về các hồ chỉ đạt dưới 50% trung bình nhiều năm (TBNN), một số hồ chỉ đạt 20% so với TBNN, gây thiếu hụt nguồn nước nghiêm trọng cho các hồ thủy điện.

Đến cuối tháng 4, sản lượng điện quy đổi còn lại trong các hồ thủy điện toàn hệ thống thấp hơn 1,6 tỷ kWh so với kế hoạch đã được Bộ Công Thương phê duyệt và thấp hơn 4,1 tỷ kWh so với cùng kỳ năm 2022.

Trong khi đó, nhu cầu sử dụng điện đang có xu hướng tăng cao, đặc biệt vào cao điểm mùa nắng nóng (tháng 5, 6, 7). Áp lực cung ứng điện đã, đang và sẽ tiếp tục đặt nặng lên các nhà máy nhiệt điện than, khí…

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm