Sẵn sàng ứng phó nguy cơ thiếu điện cho mùa khô

(PLO)- EVN đã nhiều lần nhắc tới việc tiết kiệm điện thông qua quản lý nhu cầu sử dụng, đây là giải pháp hay mà nhiều nước đã làm được.
0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam

Thời gian gần đây, ngành điện có nhiều thông báo về việc mức độ tiêu thụ điện năng trong ngày liên tiếp lập kỷ lục mới.

Đơn cử như tại TP.HCM ngày 21-4, sản lượng điện tiêu thụ đạt 93,53 triệu kWh/ngày; đến ngày 6-5 là 94,802 triệu kWh, tăng gần 400.000 kWh so với đỉnh trước đó. Những ngày gần đây, một số khu vực tại TP.HCM người dân phản ánh tình trạng bị cúp điện và bày tỏ lo lắng về nguy cơ thiếu điện trong mùa hè.

Nguy cơ thiếu điện đã hiện hữu

Trao đổi với báo Pháp Luật TP.HCM, ông Trần Viết Ngãi, Chủ tịch Hiệp hội Năng lượng Việt Nam, cho biết nguy cơ thiếu điện đã hiện hữu. Đây là hệ quả của việc mấy chục năm không đầu tư, xây dựng thêm nhà máy điện mới nào.

Ngành điện đang thực hiện bảo trì đồng loạt để đảm bảo an toàn cung ứng điện trước thời điểm giao mùa. Ảnh: ĐÀO TRANG

Ngành điện đang thực hiện bảo trì đồng loạt để đảm bảo an toàn cung ứng điện trước thời điểm giao mùa. Ảnh: ĐÀO TRANG

Tại cuộc họp với các bộ, ngành để bàn giải pháp bảo đảm nhu cầu điện cho sản xuất, kinh doanh và tiêu dùng vào chiều 18-5, Thủ tướng Phạm Minh Chính nhấn mạnh: “Tổng công suất các nguồn điện của hệ thống điện quốc gia hoàn toàn có thể đáp ứng tổng nhu cầu, không thiếu hụt trong dài hạn. Tuy nhiên, về ngắn hạn, việc cung ứng điện có thể thiếu hụt cục bộ từ nay tới 25-5”.

Chuyên gia năng lượng, nguyên Cục trưởng Cục An toàn kỹ thuật và môi trường (Bộ Công Thương) Ngô Đức Lâm cho rằng hiện nay chưa đến mức phải công bố tình trạng khẩn cấp về thiếu điện bởi việc này chỉ xảy ra cục bộ ở một số địa phương.

Tuy nhiên, vẫn phải cẩn trọng vì đây mới là giai đoạn đầu mùa hè. Từ nay đến hết tháng 5 có khả năng có nơi bị thiếu điện. Nói về giải pháp ngăn thiếu điện trong giai đoạn trước mắt, ông Lâm cho rằng cần huy động các nhà máy năng lượng tái tạo chuyển tiếp. Hiện nhiều nhà máy điện tái tạo đã làm xong nhưng chưa được đưa vào vận hành vì vướng mắc về quy chế, giá chưa thống nhất.

“Nhà nước nên đàm phán theo giá tạm tính với các dự án điện gió, điện mặt trời đã hoàn thành đầu tư xây dựng và có thể phát điện ngay lên hệ thống điện quốc gia. Trong quá trình vận hành sẽ tiếp tục giải quyết các thủ tục để tiến tới thống nhất với nhau” - ông Lâm nói.

Để đảm bảo cung ứng đủ điện cho phát triển kinh tế - xã hội, Bộ Công Thương yêu cầu EVN khẩn trương đàm phán để huy động các nhà máy điện đã sẵn sàng đảm bảo pháp lý để bổ sung vào hệ thống. Cập nhật mới nhất đến ngày 18-5, bộ đã thống nhất giá tạm thời của tám nhà máy điện gió, điện mặt trời đã được EVN và các chủ đầu tư các dự án chuyển tiếp thống nhất. Tám nhà máy trong danh sách các dự án chuyển tiếp đã có giá tạm thời, khi đáp ứng đầy đủ các quy định thì sẽ được huy động nối lưới.

Ông TRẦN VIỆT HÒA, Cục trưởng Cục Điều tiết điện lực
(Bộ Công Thương)

Tiết kiệm điện vẫn là ưu tiên số 1

Theo ông Lâm, ngoài việc kêu gọi người dân tiết kiệm điện thì trước hết phải yêu cầu các xí nghiệp nhà nước tiết kiệm. “Với những biện pháp như vậy khả dĩ sẽ ứng phó được đến hết tháng 5” - ông Lâm nhận định.

Đồng quan điểm, chuyên gia năng lượng Nguyễn Mạnh Hiến, nguyên Viện trưởng Viện Năng lượng, cũng cho rằng tiết kiệm điện là giải pháp quan trọng. Giải pháp nữa là điều chỉnh phụ tải (DR), quản lý nhu cầu điện (DSM). Tức là tập hợp các giải pháp kỹ thuật - công nghệ - kinh tế - xã hội nhằm quản lý thời điểm, thời gian sử dụng hoặc sản lượng tiêu thụ điện từ phía khách hàng.

Bổ sung thêm, ông Hiến cho biết ở Đà Nẵng, TP.HCM, nhiều người dân đã sử dụng điện mặt trời mái nhà để tiêu thụ tại chỗ, không bán lên lưới. Nếu triển khai rộng được mô hình này sẽ giảm được áp lực lên hệ thống điện.

Bên cạnh đó, Thủ tướng Phạm Minh Chính cũng yêu cầu Tập đoàn Than - Khoáng sản Việt Nam và Tổng công ty Đông Bắc cung cấp đầy đủ than cho các nhà máy nhiệt điện sử dụng than trong nước. Các nhà máy điện sử dụng than nhập khẩu triển khai các biện pháp như vay, mượn, mua lại, ứng trước… than của các nhà máy khác.

Theo tinh thần cuộc họp ngày 18-5, Thủ tướng giao nhiệm vụ cho Tập đoàn Dầu khí quốc gia phải bảo đảm cung cấp khí, dầu cho các nhà máy nhiệt điện chạy khí và dầu. Với thủy điện phải khai thác tối đa nguồn thủy điện cho đến thời điểm phù hợp. Song song đó, Thủ tướng chỉ đạo tiến hành đàm phán theo giá tạm tính với các dự án điện gió, điện mặt trời đã hoàn thành đầu tư xây dựng và có thể phát điện ngay lên hệ thống điện quốc gia.•

EVN ưu tiên khí cho sản xuất điện đến hết tháng 5

Cách đây vài ngày, Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) cũng có văn bản đề nghị Tập đoàn Dầu khí Việt Nam (PVN), Tổng công ty Phân bón và hóa chất dầu khí, Công ty CP Phân bón dầu khí Cà Mau hỗ trợ, ưu tiên nhường khí cho sản xuất điện trong hai tháng cao điểm mùa khô (tháng 5 và 6). Trong đó, EVN đề nghị trước mắt xem xét cho ngừng toàn bộ hai nhà máy đạm Cà Mau và đạm Phú Mỹ để nhường khí cho sản xuất điện từ nay đến hết tháng 5.

TP.HCM: Cắt điện là do sửa chữa hệ thống

Thời gian gần đây, nhiều người dân ở một số quận, huyện trên địa bàn TP đã phản ánh việc nhận được thông báo cắt điện của Tổng công ty Điện lực TP.HCM (EVNHCMC). Ngày 19-5, ông Bùi Trung Kiên, Phó Tổng giám đốc Tổng công ty Điện lực TP.HCM (EVNHCMC), cho biết do TP đang bước vào giai đoạn giao mùa, ngành điện phát hiện ra một số điểm có nguy cơ sự cố nên phải cắt điện để xử lý các điểm khiếm khuyết trên mạng lưới nhằm đảm bảo cung ứng điện trong mùa mưa. Do hệ thống cáp ngầm nên thời gian sửa chữa kéo dài. Tuy nhiên, đến cuối ngày 18-5, việc sửa chữa này đã cơ bản hoàn tất.

Đến nay ngành điện đã tương tác với khách hàng thông qua rất nhiều kênh như tin nhắn SMS, Zalo hoặc app chăm sóc khách hàng của ngành điện...

Hiện nay, lịch cắt điện do sự cố, theo kế hoạch cũng như thông tin tiêu thụ điện, hóa đơn… đều được ngành điện cập nhật đầy đủ trên app của điện lực địa phương. Người dân có thể tải app để chủ động theo dõi các thông tin và điều tiết mức dùng điện của gia đình. ĐÀO TRANG

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm