Bộ Tư lệnh Công binh đưa lực lượng tinh nhuệ vào hiện trường vụ sập cầu Phong Châu

(PLO)- Lực lượng công binh tinh nhuệ từng cứu hộ, cứu nạn vụ sập mỏ đá tại thủy điện bản Vẽ, vụ sập cầu Cần Thơ, vụ sập hầm thủy điện Đạ Dâng và giúp nước bạn Thổ Nhĩ Kỳ bị động đất năm ngoái… nay được điều động tới hiện trường vụ sập cầu Phong Châu.

Như PLO đã đưa tin, 14 giờ chiều nay, 4-10, phà dã chiến của Binh chủng Công binh sẽ bắt đầu hoạt động, tạm thời đáp ứng nhu cầu đi lại cơ bản của người dân hai bờ sông Hồng, đoạn cầu Phong Châu bị sập, trong lúc cầu phao dã chiến chưa thể hoạt động trở lại do tốc độ dòng chảy đang quá cao.

Đến thời điểm này, đã có những người dân đầu tiên, cùng xe đạp, xe máy được qua sông bằng phà. Theo thông báo của Công an tỉnh Phú Thọ - đơn vị địa phương đang phối hợp tổ chức việc đi lại qua khu vực Phong Châu, với hình thức vượt sông bằng phà dã chiến, chỉ có người và xe thô sơ là được đáp ứng. Còn ô tô phải đi đường vòng qua các cầu khác.

Những người dân đầu tiên vượt sông Hồng đoạn gần cầu Phong Châu bằng phà dã chiến của quân đội. Mỗi chuyến phà như vậy đều phải có các chiến sĩ công binh với áo phao đầy đủ đi cùng, sẵn sàng cho tình huống khẩn cấp. Ảnh: CTV

Để chuẩn bị cho việc mở tuyến phà này, trong sáng nay, Thiếu tướng Trần Trung Hòa - Tư lệnh Binh chủng Công binh cùng đầu mối các đơn vị chức năng binh chủng và lãnh đạo tỉnh Phú Thọ đã đến hiện trường vụ sập cầu Phong Châu và khu vực triển khai cầu phao dã chiến.

Ngoài việc kiểm tra Lữ đoàn Công binh vượt sông 249 triển khai phà dã chiến tạm thời phục vụ nhu cầu đi lại của người dân hai bờ sông Hồng, Thiếu tướng Trần Trung Hòa còn cùng với các đơn vị quân đội đang làm nhiệm vụ xem xét bổ sung phương án cứu hộ cứu nạn.

Thiếu tướng Trần Trung Hòa - Tư lệnh Binh chủng Công binh cùng cán bộ tỉnh Phú Thọ khảo sát hiện trường vụ sập cầu Phong Châu. Ảnh: CTV

Hiện trường vụ sập cầu Phong Châu, tỉnh Phú Thọ, là một khoảng rộng giữa sông Hồng, với nhiều kết cấu thép vặn xoắn, cùng bê tông và các phương tiện giao thông bị chìm dưới mặt nước. Trải qua một tháng, với dòng chảy mạnh của đợt lũ lớn trên sông Hồng sau bão số 3, rất nhiều vật liệu khác từ trên nguồn đã đổ về, mắc kẹt ở dải sắt thép đó.

Tại đây, từ hôm 1-10, 30 người nhái của Lữ đoàn Đặc công hải quân 126 với 15 bộ máy lặn thở đồng bộ, 3 máy nén khí cơ động, 2 xuồng cao su, 1 buồng tăng giảm áp cá nhân, 3 bộ thông tin thủy âm đồng bộ và các trang bị bảo đảm khác đang khảo sát hiện trường dưới nước và tìm kiếm những nạn nhân vụ sập cầu còn mất tích.

Qua khảo sát, đánh giá tình hình, lãnh đạo Bộ Tư lệnh Công binh đến hôm nay đã thống nhất với Bộ Tư lệnh Hải quân điều thêm 9 cán bộ chiến sĩ cùng 17 bộ trang hiện đại, thuộc Tiểu đoàn Công binh 93 hiện trường vụ sập cầu Phong Châu.

Các cán bộ, chiến sĩ của Lữ đoàn Công binh 93 kiểm tra trang bị, phương tiện chuẩn bị cho hoạt động cứu hộ quốc tế trong thảm họa động đất Thổ Nhĩ Kỳ, tháng 2-2023. Ảnh: Bộ Quốc phòng.

Đây là lực lượng kiêm nhiệm của Binh chủng Công binh, chuyên nhiệm vụ khắc phục hậu quả sụp đổ công trình, cứu hộ cứu nạn. Tiểu đoàn thiện chiến này từng tham gia cứu hộ, cứu nạn trong vụ sập mỏ đá tại công trường thủy điện bản Vẽ, huyện Tương Dương, Nghệ An và vụ sập nhịp dẫn cầu Cần Thơ - đều xảy ra năm 2007; tham gia giải cứu những công dân mắc kẹt trong vụ sập hầm thủy điện Đạ Dâng, tỉnh Lâm Đồng, năm 2014; và gần đây nhất được Bộ Quốc phòng cử đi hỗ trợ Thổ Nhĩ Kỳ trong thảm họa động đất đầu năm 2023.

Các cán bộ, chiến sĩ công binh tinh nhuệ cùng trang bị kèm theo sẽ phối thuộc với lực lượng đặc công người nhái hải quân để triển khai các nhiệm vụ mà Bộ Quốc phòng giao.

Hoạt động của công binh Việt Nam tại hiện trường thảm họa động đất Thổ Nhĩ Kỳ. Ảnh: TTXVN

Đây là một nội dung được Bộ trưởng Quốc phòng Phan Văn Giang nhắc đến tại buổi giao ban tháng 9, được tổ chức trực tuyến sáng qua, 9-10, với một điểm cầu là Phong Châu, tỉnh Phú Thọ. Theo đó, Bộ trưởng Phan Văn Giang lưu ý các đơn vị làm nhiệm vụ cứu hộ, cứu nạn, khắc phục hậu quả thiên tai do bão số 3 gây ra phải tự túc bảo đảm các nhu cầu ăn, ở cho cán bộ, chiến sĩ; sử dụng các thiết bị, máy móc của quân đội để giúp đỡ nhân dân. Tuyệt đối không sử dụng các nguồn do các tổ chức, cá nhân hỗ trợ, ủng hộ mà dành các nguồn hỗ trợ đó cho việc tái thiết các cơ sở hạ tầng phục vụ người dân tại nơi xảy ra thiên tai.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm

Đọc nhiều
Tiện ích
Tin mới