Như PLO đã đăng tải, nhiều ý kiến bày tỏ Nghị định 38/2021 (hiệu lực từ ngày 1-6) có nhiều nội dung không phù hợp thực tiễn, cản trở báo chí thu hút quảng cáo.
Trả lời PLO, ông Lê Thanh Liêm, Vụ trưởng Vụ Pháp chế, Bộ VH-TT&DL, đơn vị xây dựng nghị định, cho biết: Điểm c khoản 1 Nghị định 38 quy định xử phạt các cơ quan báo chí nếu quảng cáo nền tảng xuyên biên giới mà không thông qua tổ chức, cá nhân kinh doanh dịch vụ quảng cáo Việt Nam.
Theo đó sẽ xử lý tất cả các tổ chức, cá nhân không thực hiện đúng trách nhiệm thực hiện quảng cáo nhưng không thông qua người kinh doanh quảng cáo tại Việt Nam như quy định tại khoản 2 Điều 13 Nghị định 181/2013.
Về nội dung quy định nhắm đến việc các báo điện tử sử dụng dịch vụ quảng cáo xuyên biên giới mà không thông qua các công ty quảng cáo nội địa, ông Liêm cho biết: hành vi vi phạm hành chính được xây dựng trên cơ sở pháp luật về nội dung (Điều 13, 14 và 15 Nghị định 181/2013).
Nghị định 38/2021 không nhắm đến chủ thể nào cụ thể mà tất cả các chủ thể có hành vi vi phạm đều bị xử phạt.
Cụ thể, theo điểm c khoản 1 Điều 38 của nghị định thì chủ thể được xác định bao gồm tổ chức, cá nhân Việt Nam có hàng hóa, dịch vụ muốn quảng cáo trên trang thông tin điện tử của tổ chức, cá nhân nước ngoài kinh doanh dịch vụ quảng cáo xuyên biên giới và tổ chức, cá nhân nước ngoài có trang thông tin điện tử của kinh doanh dịch vụ quảng cáo xuyên biên giới không thực hiện đúng quy định.
Quảng cáo trên báo chí, nhất là báo điện tử sẽ bị ảnh hưởng vì Nghị định 38/2021. Ảnh: HOÀNG GIANG
Về ý kiến khoản 1 Điều 38 Nghị định 38 quy định về xử phạt các cơ quan báo chí với hành vi không thông báo, không báo cáo của cơ quan báo chí khi có hoạt động quảng cáo xuyên biên giới, ông Liêm giải thích: Điểm a khoản 1 Điều 38 Nghị định được xây dựng trên cơ sở quy định tại khoản 2 Điều 14 Nghị định 181/2013.
“Trước khi thực hiện quảng cáo 15 ngày, chủ trang thông tin điện tử của tổ chức, cá nhân nước ngoài kinh doanh dịch vụ quảng cáo xuyên biên giới tại Việt Nam phải thông báo bằng văn bản cho Bộ VH-TT&DL về các nội dung tên, địa chỉ của người kinh doanh dịch vụ quảng cáo Việt Nam được ủy quyền thực hiện dịch vụ quảng cáo”.
Điểm b khoản 1 Điều 38 Nghị định 38 được xây dựng trên cơ sở quy định tại điểm c khoản 2 Điều 15 Nghị định 181/2013.
Điểm này quy định trách nhiệm của người kinh doanh dịch vụ quảng cáo khi thực hiện các hợp đồng dịch vụ quảng cáo trên trang thông tin điện tử của tổ chức, cá nhân nước ngoài kinh doanh dịch vụ quảng cáo xuyên biên giới tại Việt Nam phải báo cáo định kỳ 6 tháng/lần cho Sở VHTTDL nơi người kinh doanh dịch vụ quảng cáo đặt trụ sở chính.
"Như vậy, đối với hai hành vi vi phạm nêu trên, chủ thể bị xử lý được xác định khá rõ ràng"- ông Liêm nói.
Tiếp đó, điểm h khoản 3 Điều 40 Nghị định 38 quy định: “Chiếu toàn bộ nội dung phim để quảng cáo khi chưa có giấy phép phổ biến phim của cơ quan quản lý nhà nước có thẩm quyền hoặc chưa có quyết định phát sóng của người đứng đầu đài truyền hình, đài phát thanh - truyền hình”.
Theo ông Liêm, hành vi quy định tại khoản 3 Điều 8 Nghị định 38 được xây dựng trên cơ sở khoản 3 Điều 33 và khoản 1 Điều 35 Luật Điện ảnh áp dụng cho các chủ thể tham gia phổ biến phim.
Các quy định này sẽ đảm bảo việc quản lý hoạt động phổ biến phim được chặt chẽ, tránh trường hợp lấy mục đích quảng cảo để phổ biến phim mà thiếu giấy phép phổ biến phim hoặc quyết định phát sóng của của người đứng đầu đài truyền hình, đài phát thanh - truyền hình.
Việc xác định hành vi vi phạm sẽ căn cứ vào việc phân tích, đánh giá chứng cứ trong từng trường hợp cụ thể của cơ quan có thẩm quyền xử phạt.