Bộ Y tế đề xuất ban hành nghị quyết cấm sử dụng thuốc lá điện tử, thuốc lá nung nóng

(PLO)-Bộ Y tế đã trình Chính phủ xem xét và trình Quốc hội ban hành Nghị quyết cấm sản xuất kinh doanh, sử dụng các sản phẩm thuốc lá điện tử, thuốc lá nung nóng. 

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nam miền Nam

Ngày 17-10 tại TP.HCM, Bộ Thông tin và Truyền thông tổ chức hội nghị tập huấn nâng cao năng lực truyền thông về phòng chống tác hại thuốc lá (PCTHTL).

Học sinh lớp 8, lớp 9 dùng thuốc lá điện tử chiếm tỉ lệ cao nhất

Bà Nguyễn Thị Thu Hương, Quỹ PCTHTL-Bộ Y tế cho biết, sau khi có Luật PCTHTL, sự hỗ trợ của Quỹ PCTHTL các bộ ngành địa phương tham gia công tác này tích cực.

Do đó, việc giảm sử dụng thuốc lá đạt được kết quả đáng ghi nhận. Năm 2015 tỉ lệ sử dụng thuốc lá tại Việt Nam từ 22,5% đến năm 2023 giảm còn 20,2%.

Trong nhóm 13-15 tuổi, năm 2014 tỉ lệ sử dụng thuốc lá điếu 2,5% đến năm 2022 giảm còn 1,9%.

“Việc giảm tỉ lệ hút thuốc lá điếu, đặc biệt trong giới trẻ là kết quả rất đáng khích lệ bảo đảm tính bền vững của chương trình PCTHTL. Tuy nhiên, chúng ta đang đối mặt với sự xuất hiện các sản phẩm TLĐT, TLNN”-bà Hương nói.

Theo bà Hương, các tập đoàn thuốc lá đa quốc gia thường truyền thông là có trách nhiệm với cộng đồng nhưng thay vì khuyên mọi người bỏ thuốc lá điếu, họ đưa ra thông điệp để khuyến khích người dùng chọn TLĐT, TLNN lá giúp giảm tác hại, giúp cai nghiện thuốc lá điếu nhưng thực sự không phải vậy.

Các tập đoàn thuốc lá đa quốc gia nhắm vào giới trẻ Việt Nam. Các sản phẩm thuốc lá mới này có những thiết kế bắt mắt, hương vị phù hợp, những tiện ích theo “trend” giới trẻ…

Vì vậy, tỉ lệ dùng TLĐT, TLNN trong giới trẻ Việt Nam tăng nhanh chóng từ 3,5% năm 2022 lên 8,0% năm 2023.

Đáng chú ý, năm 2023 khảo sát học sinh từ lớp 6 đến lớp 12 ở 11 tỉnh thành cho thấy tỉ lệ học sinh lớp 8, 9 dùng TLĐT, TLNN cao nhất lần lượt 9,1% và 10,4%.

Đây là nhóm độ tuổi mong muốn có những trải nghiệm mới, là nhóm dễ bị các tập đoàn thuốc lá đa quốc gia dùng lập luận không đúng để mở rộng thị trường tiêu thụ.

“Những kết quả Việt Nam đã đạt được trong giảm tỉ lệ dùng thuốc lá điếu gần 10 năm qua có nguy cơ bị phá bỏ bởi việc gia tăng sử dụng TLĐT đang nhắm vào giới trẻ. Nguy cơ là cả giới trẻ nghiện nicotin trong sản phẩm thuốc lá mới"-bà Hương nói.

thuốc lá điện tử.jpg
Quản lý thị trường TP.HCM phát hiện nhiều vụ vi phạm thuốc lá điện tử. Ảnh: Cục QLTT TP.HCM

Cấm việc sử dụng thuốc lá mới trước khi trở nên quá phổ biến

Bà Hương cho biết, Tổ chức Y tế thế giới đã khẳng định không có bằng chứng nào chứng minh TLĐT, TLNN ít gây hại hơn thuốc lá điếu thông thường.

TLĐT, TLNN đều chứa nicotine là chất gây nghiện cao, gây hại đến sức khỏe, đặc biệt là sự phát triển não bộ ở trẻ em, thanh thiếu niên, có các hoá chất độc hại và gây ung thư.

Bên cạnh đó, qua tổng hợp báo cáo của gần 700 cơ sở khám, chữa bệnh tại Việt Nam, riêng năm 2023 có hơn 1.200 ca nhập viện điều trị các triệu chứng ngộ độc do sử dụng TLĐT, TLNN.

Vì vậy, không có lý do gì khẳng định đây là sản phẩm ít gây hại hơn cho sức khỏe.

“Hiện nay các sản phẩm thuốc lá mới biến thiên đa dạng và rất nhanh. Thật sự có những sản phẩm chúng tôi không biết là TLĐT hay TLNN. Nếu chúng ta mất cảnh giác cho phép vào Việt Nam sẽ phải đi theo để kiểm soát, là gánh nặng không thể giải quyết được ”-bà Hương nói.

Theo đại diện Bộ Y tế, trong khu vực Asean đã có năm nước cấm hoàn toàn thuốc lá điện tử là Thái Lan, Campuchia, Singapore, Lào, Brunei.

Vì vậy, không có lý do gì Việt Nam chần chừ ngăn cấm sản phẩm độc hại này trước khi việc sử dụng TLĐT, TLNN trở nên quá phổ biến, việc ngăn chặn không khả thi giống như thuốc lá điếu trước đây.

Tác giả

Theo bà Hương, Bộ Y tế đã trình Chính phủ xem xét và trình Quốc hội ban hành Nghị quyết cấm sản xuất kinh doanh và sử dụng các sản phẩm TLĐT, TLNN.

Nếu cấm sản xuất, kinh doanh người dân vẫn dùng và khi việc sử dụng quá phổ biến, việc ban hành Nghị quyết hay các quy định chỉ là hình thức.

Tại Việt Nam, sử dụng thuốc lá gây ra 85.500 ca tử vong mỗi năm.

Năm 2020,Việt Nam tiêu thụ thuốc lá ước tính 9.000 tỉ đồng.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm