Vùng rừng vùng biên xã Tri Lễ, huyện Quế Phong (Nghệ An) đang bị bốn công ty đưa máy móc đến bới tung để lấy quặng sắt. Việc khai thác ồ ạt tại đây làm ảnh hưởng nghiêm trọng môi trường khu dự trữ sinh quyển miền Tây Nghệ An (UNESCO công nhận từ tháng 9-2007) và làm người dân lo sợ sạt lở núi vì khu vực khai thác nằm lơ lửng trên đầu khu dân cư.
“Sống trong sợ hãi”
Người dân xã Tri Lễ cho biết từ khi các công ty đưa máy móc lên đào núi rừng lấy quặng thì dòng sông Nậm Quàng (huyện Quế Phong) cũng đổi màu ngầu đục. Rừng trên Núi Mặt Kiến bị đốn hạ để máy móc đào mỏ và làm đường chở quặng về xuôi. Những khu đất, đá thải đổ ra chất đống ngay lưng chừng núi có nguy cơ sạt lở vùi lấp nhà dân bất cứ lúc nào. Xe tải nặng chở quặng làm bụi bay mù mịt. Hai năm trước, đất đá thải gặp mưa to đã trôi cuốn một căn nhà và làm một người dân ở bản Lằm, xã Tri Lễ bị thương.
Ông Lô Văn Tuấn, trưởng bản Lằm, nói: “Thỉnh thoảng lại có những tảng đá, đất từ trên mỏ đó lăn xuống, may mà nó chưa trúng người và nhà dân. Cái lo lớn nhất của dân bản ở đây là hàng ngàn khối đất đá đang “treo” lơ lửng ở lưng chừng núi, nếu có trận mưa lớn thì nguy cơ đổ ụp xuống gần 30 nhà dân ở chân núi là rất cao”.
Từng đống đất đá thải từ khai thác quặng nằm lưng chừng núi xã Tri Lễ có nguy cơ vùi đất nông nghiệp và nhà dân phía dưới. Ảnh: Đ.LAM
Phía trên lưng chừng núi một đống chất thải đang lớn dần, đe dọa sinh mạng của hơn 300 học sinh, thầy cô Trường Tiểu học Tri Lễ 1.
Ông Lương Tiến Hành (xã Tri Lễ) phản ánh: “Từ vụ mùa năm 2011 đến nay, bà con liên tục mất mùa do nước trên khu vực khai thác quặng chảy xuống vùi lấp và ô nhiễm làm lúa chết. Tui đã gửi đơn lên xã và huyện để nhờ can thiệp”. Ngoài diện tích nông nghiệp thì nguồn nước sông suối ở xã Tri Lễ cùng bị ô nhiễm, cạn dần, ảnh hưởng đến đời sống người dân.
Anh Ngân Văn Quý nói: Không chỉ gây ô nhiễm, đường dân sinh cũng bị những chiếc xe tải chở quặng làm hư hỏng nặng. Đất rừng của dân bản bị người ta khai thác, hưởng lợi, còn dân thì… hứng hậu quả!
Ảnh hưởng an ninh biên giới
Hiện một số công ty đang thương lượng bà con dân tộc Mông ở khu tái định cư Minh Châu mua lại đất vườn, đất nông nghiệp để làm bãi tuyển quặng. Đây là khu tái định cư của 150 hộ đồng bào Mông di cư sang Lào vừa hồi hương. Đã có ba hộ nhượng lại đất để một công ty đưa máy móc vào chuẩn bị tuyển quặng. Điều đáng lo là khu vực đang thi công nằm cạnh Khe Chọt, nơi cung cấp nguồn nước sinh hoạt và sản xuất của ba bản phía dưới nguồn.
Theo ông Lô Xuân Thu, Chủ tịch UBND xã Tri Lễ, hiện trên địa bàn xã có tới bốn công ty được UBND tỉnh Nghệ An cấp phép khai thác khoáng sản trên diện tích 110 ha trong tổng số gần 800 ha đất rừng của toàn xã. “Nguy cơ ô nhiễm môi trường, ô nhiễm nguồn nước thì đã rõ rồi nhưng cái đáng lo nhất hiện nay là địa điểm được cấp phép khai thác quặng lại ở phía trên khu dân cư. Hàng ngàn khối đất đá được họ đào xới tấp ở lưng chừng núi trong khi mùa mưa đã đến, nguy cơ bị sạt lở đất đá rất cao. Các doanh nghiệp đã được tỉnh cấp phép, chính quyền xã không ngăn được” - ông Thu nói.
Mới đây, ông Lữ Đình Thi, Chủ tịch UBND huyện Quế Phong, cho biết: “Sắp tới, UBND huyện sẽ phối hợp với HĐND kiểm tra, giám sát tình hình khai thác và đảm bảo môi trường của các công ty khai thác khoáng sản tại xã Tri Lễ. Đúng là cách khai thác khoáng sản như hiện nay ở xã Tri Lễ thì nguy cơ sạt lở, lũ ống, lũ quét và ảnh hưởng đến các công trình hồ đập. Do đó các ngành chức năng cần xem xét lại quy trình khai thác hoặc cho đóng cửa mỏ. Hiện cần tổ chức tái định cư cho người dân sống trong vùng nguy cơ bị sạt lở. Chúng tôi cũng kiến nghị với Sở TN&MT tăng cường kiểm tra, dừng cấp phép khai thác quặng các công ty không đảm bảo an toàn”.
Còn anh Lương Văn Cường, công an viên ở bản Lằm, xã Tri Lễ, lo lắng: “Sắp tới, công nhân sẽ vào Tri Lễ khai thác, tuyển quặng dễ kéo theo nhiều tệ nạn xã hội khác, làm ảnh hưởng an ninh biên giới”.
ĐẮC LAM - ANH HOÀNG