Các quan chức Mỹ và các nhà phân tích quân sự cho rằng bom chùm mà Mỹ gửi cho Kiev có thể không hữu dụng ngay trong việc giúp ích Ukraine giành lợi thế phản công, theo tờ The New York Times.
Bom chùm hữu ích…
Tổng thống Mỹ Joe Biden đã từng cho rằng việc không cung cấp đủ vũ khí cho Ukraine trong khi nước này đang phải đối mặt với tình trạng thiếu đạn dược nghiêm trọng sẽ khiến Ukraine không thể phòng thủ trước Nga.
Theo ông Biden, việc gửi bom chùm cho Kiev là một giải pháp tạm thời giúp Ukraine đứng vững cho đến khi việc sản xuất các loại đạn pháo thông thường được đẩy mạnh sản xuất.
Theo The New York Times, quyết định này của Mỹ giúp quân đội Ukraine có thêm thời gian để thăm dò các điểm yếu của hệ thống phòng thủ của Nga, bắn phá lực lượng pháo binh Nga nào tấn công lực lượng tiến công của Ukraine và chọc thủng các bãi mìn dày đặc, phá xe tăng Nga, các rào cản khác cũng như tiêu diệt quân phòng thủ Nga.
Lính Ukraine cầm một quả bom chùm đã bị vô hiệu hóa trong khu trưng bày các mảnh tên lửa do quân Nga sử dụng tại tỉnh Kharkiv hồi tháng 11-2022. Ảnh: REUTERS |
Ông Mark F. Cancian - cựu chiến lược gia vũ khí của Nhà Trắng và hiện là cố vấn cấp cao tại Trung tâm Nghiên cứu Chiến lược và Quốc tế có trụ sở ở Washington D.C (Mỹ), cho rằng đạn chùm sẽ không chỉ giúp Ukraine có đủ đạn để tiếp tục khai hỏa ở cường độ cao mà còn tỏ ra hiệu quả hơn trong việc chống lại các mục tiêu Nga như bộ binh, pháo binh và các đoàn xe quân sự.
…nhưng ảnh hưởng khiêm tốn
Chuyên gia cấp cao Jack Watling của Viện Dịch vụ Thống nhất Hoàng gia có trụ sở ở London (Anh) cho rằng quy mô ảnh hưởng của bom chùm trên chiến trường sẽ rất khiêm tốn, theo The New York Times.
“Nó sẽ làm cho pháo binh Ukraine trở nên nguy hiểm hơn một chút. Tuy nhiên, người ta sẽ cảm nhận được tác động thực sự vào cuối năm khi Ukraine được hỗ trợ thêm nhiều đạn dược, hơn là khi Ukraine nhận được bom chùm vào lúc này” - ông Watling nói.
Ông Rob Lee - cựu sĩ quan Thủy quân lục chiến Mỹ và cũng là chuyên gia về quân sự Nga của Viện Nghiên cứu Chính sách Đối ngoại có trụ sở ở TP Philadelphia (Mỹ) nói rằng ông không nghĩ bom chùm sẽ có nhiều tác động trên chiến trường ngay tức khắc.
Tương tự, chuyên gia Mark F. Cancian cho rằng không có một loại vũ khí hay đạn dược nào mang lại chiến thắng. Chiến thắng của Ukraine sẽ là kết quả của quá trình viện trợ vũ khí, đạn dược, huấn luyện lính Ukraine của phương Tây và quyết tâm của người Ukraine.
Tuần trước, Thứ trưởng Bộ Quốc phòng Mỹ phụ trách chính sách Colin H. Kahl cũng đã thừa nhận rằng không có một loại vũ khí nào là chìa khóa then chốt để tăng cường sức mạnh nhưng bom chùm sẽ cho phép Ukraine “duy trì cuộc chiến pháo binh trong tương lai gần”.
Mỹ lo ngại lối đánh "ngựa quen đường cũ" của Ukraine
Bom chùm Mỹ đã tới Ukraine càng dấy lên lo ngại Ukraine sẽ càng theo lối đánh quen thuộc kiểu Liên Xô là dùng pháo binh làm chủ lực.
Ông Amael Kotlarski - Quản lý nhóm vũ khí tại công ty tình báo quốc phòng Janes (Mỹ) cho rằng "có vẻ như Ukraine đang quay trở lại cuộc đấu pháo", theo tờ The New York Times.
Các quan chức cấp cao Mỹ trong những tuần gần đây đã bày tỏ thất vọng rằng một số chỉ huy Ukraine đã trở lại với lối đánh dùng pháo binh kiểu Liên Xô này thay vì theo các chiến thuật phương Tây, đặc biệt là phối hợp vũ trang, để gây sức ép lớn hơn nhằm chọc thủng hàng phòng thủ Nga.
Chiến thuật phối hợp vũ trang là tiến hành tấn công đồng bộ, kết hợp lực lượng bộ binh, thiết giáp và pháo binh mà 9 lữ đoàn Ukraine đã được các cố vấn Mỹ và phương Tây huấn luyện trong những tháng gần đây.
Các quan chức phương Tây cho rằng chiến thuật phối hợp vũ trang này hiệu quả hơn so với chiến lược tốn kém là dùng pháo binh nhằm bào mòn quân Nga nhưng cũng làm cạn kiệt kho đạn dược của chính Ukraine.
Các quan chức Mỹ đang hy vọng 9 lữ đoàn, tức là khoảng 36.000 quân, sẽ cho thấy rằng cách đánh của Mỹ - sử dụng vũ khí tổng hợp, chiến thuật đồng bộ... sẽ có thể thắng Nga.
Thứ trưởng Mỹ Kahl nói rằng lối đánh của Mỹ sẽ đẩy lực lượng Ukraine ra khỏi vùng an toàn của mình một chút vì điều này bắt buộc sử dụng hỏa lực và tính cơ động theo phong cách của lực lượng NATO thay vì tác chiến theo phong cách Liên Xô như Ukraine đã từng được huấn luyện bấy lâu.