Lần hiếm hoi Triều Tiên dự họp HĐBA, bảo vệ vụ phóng ICBM Hwasong-18

(PLO)- Ông Kim Song - Đại sứ Triều Tiên tại Liên Hợp Quốc có lần hiếm hoi họp Hội đồng Bảo an, bảo vệ việc Triều Tiên phóng ICBM Hwasong-18.
0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam

Ngày 12-7, Triều Tiên đã thử tên lửa đạn đạo liên lục địa (ICBM) Hwasong-18, theo tin từ hãng thông tấn trung ương Triều Tiên KCNA. Tên lửa bay được 1.001 km và đạt độ cao tối đa 6.648 km.

Ngày 13-7, Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc (HĐBA LHQ) họp thảo luận về vụ phóng tên lửa này của Triều Tiên. Tại cuộc họp, các nước tham gia đã có nhiều quan điểm khác nhau về vấn đề hạt nhân của Triều Tiên.

Triều Tiên lên án cuộc họp; Nga, Trung Quốc kêu gọi giảm leo thang

Ông Kim Song - Đại sứ Triều Tiên tại LHQ - là một trong những đại biểu tham dự cuộc họp. Theo hãng tin Reuters, đây là lần hiếm hoi đại diện Triều Tiên tham dự cuộc họp của HĐBA bàn về chương trình hạt nhân của nước này. Lần gần nhất đại diện Triều Tiên tham gia một cuộc họp như vậy là vào tháng 12-2017.

Hình ảnh vụ thử tên lửa đạn đạo liên lục địa Hwasong-18 được Hãng thông tấn Trung ương Triều Tiên KCNA công bố ngày 13-7. Ảnh: KCNA

Hình ảnh vụ thử tên lửa đạn đạo liên lục địa Hwasong-18 được Hãng thông tấn Trung ương Triều Tiên KCNA công bố ngày 13-7. Ảnh: KCNA

Tại cuộc họp, Đại sứ Kim Song cho rằng việc Triều Tiên phóng ICBM là một hành động thực hiện quyền tự vệ của nước này, “nhằm ngăn chặn các động thái quân sự nguy hiểm của các thế lực thù địch và bảo vệ an ninh của đất nước chúng tôi”.

“Thực thi quyền tự vệ là quyền hợp pháp của một quốc gia có chủ quyền mà không ai có thể phủ nhận được. Vì quyền này được Hiến chương LHQ và luật pháp quốc tế công nhận” - ông Kim nói.

Ông Kim cũng cho hay Triều Tiên “lên án việc triệu tập cuộc họp HĐBA”.

Ông Kim Song - Đại sứ Triều Tiên tại Liên Hợp Quốc trong cuộc họp HĐBA ngày 13-7. Ảnh: AP

Ông Kim Song - Đại sứ Triều Tiên tại Liên Hợp Quốc trong cuộc họp HĐBA ngày 13-7. Ảnh: AP

Tại cuộc họp, ông Trương Quân - đại sứ Trung Quốc (TQ) tại LHQ - cho biết TQ cam kết ủng hộ phi hạt nhân hóa bán đảo Triều Tiên, duy trì hòa bình và ổn định trên bán đảo, giải quyết vấn đề chính trị thông qua đối thoại. Ngoài ra, ông Trương cũng bày tỏ lo ngại về các cuộc tập trận diễn ra tại bán đảo Triều Tiên, Tân Hoa xã đưa tin.

"Trung Quốc đã lưu ý về vụ phóng gần đây của Triều Tiên. Ngoài ra, chúng tôi cũng lo ngại về áp lực quân sự gia tăng và việc một quốc gia liên tục triển khai vũ khí chiến lược để thực hiện các hoạt động quân sự trên bán đảo Triều Tiên" - ông Trương nói.

Đại sứ TQ cũng cho rằng: "Mỹ và các quốc gia khác từ lâu đã coi Triều Tiên là một mối đe dọa an ninh và thường gây áp lực. Điều này đã đặt Triều Tiên trước mối đe dọa an ninh to lớn và áp lực hiện hữu. Những lo ngại về an ninh chính đáng của Triều Tiên chưa bao giờ được giải quyết".

Trong cuộc họp, Phó Đại sứ Nga tại LHQ Anna Evstigneeva nhấn mạnh: “Cuộc họp này được triệu tập vì liên quan đến vụ phóng tên lửa, nhưng hành động của Mỹ, Hàn Quốc và Nhật cũng đáng chú ý. Các nước này tiếp tục tăng quy mô các cuộc tập trận khu vực và hợp tác quân sự”.

Bà Evstigneeva cho rằng hầu hết sự kiện gần đây đều nhấn mạnh sự cần thiết phải giảm leo thang ngay lập tức.

Mỹ, Nhật, Hàn Quốc lên án việc Triều Tiên phóng ICBM

Trong cuộc họp ngày 13-7, Phó đại diện thường trực Mỹ tại LHQ Jeffrey DeLaurentis nói: “Bằng những từ ngữ mạnh mẽ nhất có thể, Mỹ lên án vụ phóng ICBM ngày 12-7 của Triều Tiên. Điều này thật đáng báo động. Tuy nhiên, chúng tôi hầu như không ngạc nhiên khi thấy HĐBA tổ chức thêm cuộc họp để phản ứng trước vụ phóng ICBM bất hợp pháp của Triều Tiên”.

"Thật đáng báo động vì Triều Tiên đã phóng 20 tên lửa đạn đạo vào năm 2023, trong đó có 4 ICBM" - ông DeLaurentis nhấn mạnh.

"Hôm nay, chúng tôi kêu gọi tất cả thành viên HĐBA cùng tham gia tố cáo hành vi trái pháp luật của Triều Tiên, thực hiện đầy đủ tất cả nghị quyết của HĐBA nhằm hạn chế việc Triều Tiên có kinh phí phục vụ cho các chương trình tên lửa đạn đạo và vũ khí hủy diệt hàng loạt" - ông DeLaurentis nói thêm.

Đại sứ Hàn Quốc tại Liên Hợp Quốc Hwang Joon-kook. Ảnh: AP

Đại sứ Hàn Quốc tại Liên Hợp Quốc Hwang Joon-kook. Ảnh: AP

Bà Shino Mitsuko - phó đại diện thường trực của Nhật tại LHQ - đã lên án vụ phóng tên lửa vì nó "gây nguy hiểm cho tàu thuyền, khiến máy bay gặp rủi ro lớn và khiến người dân Nhật lo sợ".

Bà Mitsuko cũng cảnh báo rằng tầm bắn ước tính của tên lửa lần này có thể vượt quá 15.000 km. Bà cho rằng toàn bộ châu Á, châu Âu, Bắc Mỹ, châu Phi và thậm chí một phần Nam Mỹ sẽ nằm trong phạm vi hoạt động của hệ thống hoạt động của tên lửa này.

Theo tờ Korea JoongAng Daily, Đại sứ Hàn Quốc tại LHQ Hwang Joon-kook nói "rất đáng lo ngại" khi HĐBA họp liên tục mà không có kết quả cụ thể nào. Ông Hwang cho rằng Triều Tiên đạt được lợi ích thông qua việc tiếp tục trốn tránh các lệnh trừng phạt.

Đại sứ Hwang cho biết Triều Tiên đã phóng hơn 90 tên lửa đạn đạo kể từ đầu năm 2022. Theo ông, tính trung bình, điều này có nghĩa là Triều Tiên họ đã vi phạm các nghị quyết của HĐBA hơn 1 lần/tuần. Ông Hwang cũng cảnh báo các vụ phóng sẽ tạo điều kiện để Triều Tiên phát triển công nghệ hạt nhân ngày càng tinh vi hơn.

Ngày 14-7, bà Kim Yo-jong - em gái của lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un - cảnh báo rằng Triều Tiên sẽ tiếp tục phát triển khả năng hạt nhân, trừ khi Mỹ từ bỏ “chính sách thù địch” với nước này.

“Bây giờ, nếu Mỹ không từ bỏ chính sách thù địch, Triều Tiên sẽ tiếp tục thúc đẩy xây dựng khả năng răn đe hạt nhân áp đảo nhất" - Hãng thông tấn trung ương Triều Tiên KCNA dẫn lời bà Kim.

Nói về vụ phóng tên lửa hôm 12-7, bà Kim Yo-jong cũng cho rằng vụ phóng là “một hành động tự vệ để bảo vệ bán đảo Triều Tiên và khu vực châu Á - Thái Bình Dương khỏi thảm họa chiến tranh hạt nhân".

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm