Nếu thịt bị bơm nước sạch thì chỉ tổn hại về kinh tế và chất lượng món ăn, còn nếu thịt bị bơm nước bẩn hay bị tiêm thuốc an thần sẽ gây nguy hại đến sức khỏe.
Về ảnh hưởng khi sử dụng loại thịt tiêm thuốc an thần, Prozil là tên biệt dược của Acepromazine từng là một dược chất được dùng làm thuốc chống loạn thần, trị bệnh tâm thần phân liệt cho người. Hóa chất Acepromazine trong thuốc an thần có thể gây ức chế thần kinh trung ương, dùng trong thời gian dài có thể dẫn đến trầm cảm. Khi ăn phải loại thịt bị bơm thuốc an thần, chất này sẽ xâm nhập vào cơ thể gây ra nhiều nguy cơ bệnh tật như rối loạn tiêu hóa, ảnh hưởng đến thần kinh, tim mạch, run chân tay, thay đổi huyết áp, nhức đầu và chóng mặt. Đặc biệt, với trẻ em, người già và những người có tiền sử về bệnh tim mạch, gan, thận càng nguy hiểm hơn.
Các thương lái thường bơm nước kết hợp với tiêm thuốc an thần nên khi bắt gặp các loại thịt ướt, các thớ thịt căng mọng nước thì có khả năng lớn thịt chứa tồn dư của thuốc.
Nhiều người vì lợi nhuận mà bất chấp bơm nước và hóa chất vào gà. Ảnh: Internet
Theo chị Hà Phương T., một chủ cửa hàng bán thịt gà, cho hay: “Nếu gà bị bơm nước dưới phần cánh thường có một chấm nhỏ. Thường có vết phồng ra, xung quanh vết phòng có màu đen. Dưới da thịt gà bơm nước dùng tay ấn vào sẽ có cảm giác trơn hơn so với bình thường”.
Một khách hàng ở Tân Bình cho biết “thông thường khi mua gà tôi hay ấn vào vùng ức, bụng gà, vịt, nếu có bơm nước, màng da sẽ bị rách, nước chảy ra, ít khi tôi chọn những con gà mập quá vì sợ bị bơm nước và hóa chất”.
Gà bơm nước và hóa chất bán tràn lan trên thị trường. Ảnh: Internet
Theo một số chuyên gia khuyến cáo, khi chọn mua thịt gà, đặc biệt là thịt làm sẵn thì nên chú ý phần da, da gà sạch thường mỏng, mịn, không có vết bầm hay tụ máu, khi ấn tay vào cảm thấy căng, có sự đàn hồi.
Ngoài ra, thịt gà sạch cũng có mỡ màu vàng tươi, đúng màu đặc trưng của mỡ gà, còn phần thịt gà trông tươi, ngửi không có mùi hôi hoặc mùi thuốc kháng sinh.
Theo luật sư Nguyễn Đức Chánh, Đoàn Luật sư TP.HCM: Trong trường hợp các thương lái chỉ bơm những tạp chất không ảnh hưởng tới an toàn thực phẩm và những hậu quả xấu đối với sức khỏe người tiêu dùng thì sẽ bị xử phạt hành chính theo quy định tại điểm b khoản 2 Điều 17 Nghị định 178/2013 của Chính phủ. Theo đó, các thương lái sẽ bị phạt tiền bằng 100%-120% tổng giá trị thực phẩm vi phạm tại thời điểm thực hiện hành vi đó nhưng số tiền phạt tối đa không vượt quá 100.000.000 đồng.
Cũng theo luật sư Chánh, đối với trường hợp thịt gà bị tiêm hóa chất sẽ có nhiều mức xử phạt vi phạm hành chính theo Điều 7 Nghị định 178/2013 của Chính phủ. Thứ nhất, hành vi tiêm hóa chất được phép sử dụng trong hoạt động sản xuất, chế biến thực phẩm nhưng vượt quá hoặc không có thời hạn sử dụng bị phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 20.000.000 đồng. Thứ hai, hành vi sử dụng hóa chất trong có trong danh mục được phép sử dụng hoặc không rõ nguồn gốc để chế biến và sản xuất thực phẩm sẽ bị phạt tiền từ 20.000.000 đến 40.000.000 đồng. Thứ ba, đối với hành vi sử dụng hóa chất bị cấm sử dụng trong sản xuất và chế biến thực phẩm bị phạt tiền từ 70.000.000 đến 100.000.000 đồng.
Ngoài ra, các thương lái còn có thể chịu thêm những hình thức xử phạt bổ sung như bị đình chỉ hoạt động sản xuất, chế biến với thời hạn ít nhất là hai tháng, nhiều nhất là 12 tháng, tùy theo từng hành vi cụ thể. Đồng thời, phải áp dụng biện pháp khắc phục hậu quả là tiêu hủy tang vật để đảm bảo những sản phẩm đó không còn xuất hiện trên thị trường làm ảnh hưởng tới sức khỏe người tiêu dùng.