Bốn kiến nghị để đảm bảo quyền bào chữa

Theo Thông tư 70-2011 của bộ trưởng Bộ Công an, điều tra viên phải giải thích cho người bị bắt quyền có luật sư và cho phép người nhà của họ được yêu cầu luật sư. Nhưng trên thực tế, có bao nhiêu điều tra viên thực hiện đầy đủ trách nhiệm này, có bao nhiêu vụ án mà luật sư được ngồi nghe điều tra viên lấy lời khai từ buổi làm việc đầu tiên? Bởi thế mới có chuyện hàng loạt oan án đã xảy ra như vụ Nguyễn Thanh Chấn (Bắc Giang), vụ Nguyễn Minh Hùng (Tây Ninh), vụ “Vườn điều” (Bình Thuận)... Chúng ta dễ dàng thấy một vấn đề rất cơ bản đó là vai trò của luật sư trong các vụ án này không được coi trọng, cả từ giai đoạn điều tra đến giai đoạn xét xử. Hậu quả của những vụ án oan đó không chỉ dừng lại ở số tiền bồi thường oan mà còn cả những hệ lụy phát sinh…

Để đảm bảo quyền bào chữa của nghi can, đảm bảo nguyên tắc pháp quyền, đã đến lúc các cơ quan có thẩm quyền phải ban hành các quy định về các vấn đề sau:

Thứ nhất, thể chế hóa quyền im lặng của nghi can: Ngay từ lúc đầu, người bị tạm giữ, tạm giam phải được cơ quan tố tụng giải thích rõ là “ông (bà) có quyền giữ im lặng và không có nghĩa vụ khai báo điều gì trước khi người bào chữa có mặt”. Nếu nghi can không yêu cầu luật sư hoặc chưa mời luật sư thì cơ quan tố tụng phải mời người từ các trung tâm trợ giúp pháp lý nhà nước.

Thứ hai, thể chế hóa thái độ và quy tắc ứng xử của cơ quan tố tụng. Một trong các thủ tục đầu tiên là cho nghi can ký vào biên bản, trong đó ghi rõ quyền và nghĩa vụ của nghi can trong quá trình tố tụng cũng như trách nhiệm phát sinh trong trường hợp nghi can khai báo mà không có người bào chữa. Nên cho nghi can được gọi điện thoại gặp người thân để trao đổi việc bị tạm giữ, tạm giam và thống nhất việc mời người bào chữa.

Thứ ba, nâng cao vị thế của luật sư, quyền hành nghề của luật sư cần phải được tôn trọng triệt để. Chỉ cần nghi can hoặc người nhà của họ ký giấy mời luật sư thì đương nhiên luật sư đó được tham dự ngay lập tức các buổi làm việc của cơ quan điều tra với thân chủ. Luật sư tham gia án hình sự là quyền hành nghề, không cần phải xin giấy chứng nhận người bào chữa như hiện nay.

Thứ tư, phải có chế tài những người tiến hành tố tụng cản trở quyền bào chữa của nghi can, quyền hành nghề của luật sư. Cần phải quy định nếu không có chữ ký của luật sư từ những bản cung đầu tiên thì đương nhiên tất cả lời khai phải bị vô hiệu và hủy bỏ. Song song đó, cần phải xử lý nghiêm vi phạm của người tiến hành tố tụng như buộc xin lỗi, bồi thường (nếu để xảy ra thiệt hại) và thay cán bộ khác ngay lập tức.

Luật sư ĐINH VĂN THẢO

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm