Bữa ăn học đường: Chọn đúng nhà cung cấp

Hôm nay (15-9), UBND quận 2 sẽ tổ chức họp báo thông tin liên quan sự việc nhiều học sinh Trường Tiểu học Bình Trưng Đông, quận 2 nghi bị ngộ độc thực phẩm phải nhập viện trong những ngày qua.

Đang chờ kết quả xét nghiệm

Ngày 14-9, Phòng GD&ĐT quận 2 đã có báo cáo nhanh về sự việc xảy ra tại Trường Tiểu học Bình Trưng Đông, quận 2.

Theo đó, tối thứ Bảy (12-9), nhà trường tiếp nhận thông tin từ bảo mẫu, giáo viên chủ nhiệm lớp 1/7 về việc một số em có triệu chứng sốt, ói, tiêu chảy. Hiệu trưởng đã trực tiếp gọi điện thoại hỏi thăm tình hình sức khỏe, vận động cha mẹ học sinh đưa trẻ đến thăm khám tại BV quận 2. Thống kê có 98 em (tám em lớp 1, sáu em lớp 2, tám em lớp 3, một em lớp 4) bị một trong các triệu chứng sốt, ói, tiêu chảy, đau bụng.

Theo nhà trường, nguồn thức ăn của các em do một công ty có địa chỉ tại thị trấn Hóc Môn ký hợp đồng cung cấp, trong đó bánh ngọt do công ty này ký hợp đồng với một hộ kinh doanh ở quận 12 cung cấp. Hai đơn vị này có đầy đủ chứng nhận vệ sinh an toàn thực phẩm do Ban quản lý an toàn thực phẩm TP và UBND quận 12 cấp.

Theo Phòng GD&ĐT, ngay sau khi sự việc xảy ra, các cơ quan chức năng đã niêm phong và lấy các mẫu thức ăn vào buổi sáng, trưa, xế và nước lọc, nước chế biến thực phẩm, nước uống đóng bình để phục vụ công tác xét nghiệm. 

Do thời điểm xảy ra bất thường đối với các em sau khi dùng bữa tại trường là hơn một ngày nên hiện tại tổ công tác đang chờ kết quả xét nghiệm (khoảng 10 ngày). Dự kiến nguyên nhân có thể theo hai hướng là ngộ độc thực phẩm hoặc dịch bệnh học đường.

Học sinh Trường Tiểu học Triệu Thị Trinh, quận 10 trong một bữa ăn trưa. Ảnh: NTCC

Ba hình thức cung cấp bữa ăn trưa cho học sinh

Sau sự việc học sinh Trường Tiểu học Bình Trưng Đông phải nhập viện hàng loạt nghi do bị ngộ độc, vấn đề an toàn thực phẩm trong bữa ăn học đường lại được đặt ra.

Hiện có ba hình thức đang được các trường áp dụng trong việc tổ chức bữa ăn bán trú cho học sinh: Nhân viên cấp dưỡng của trường nấu ăn trực tiếp; trường hợp đồng công ty bên ngoài nấu ăn tại trường; trường hợp đồng công ty cung cấp suất ăn phục vụ học sinh.

Hiệu trưởng Trường Tiểu học Triệu Thị Trinh, quận 10 cho hay nhà trường có bếp ăn đạt tiêu chuẩn nên trường ký hợp đồng với một công ty tới nấu ăn tại trường. Họ vừa là đơn vị chế biến đồng thời là đơn vị cung cấp nguồn thực phẩm.

“Nấu ăn tại trường sẽ giúp trường quản lý được chất lượng bữa ăn. Nhà trường có thể vào kiểm tra thức ăn bất cứ lúc nào. Còn việc đặt suất ăn công nghiệp, trường khó có thể kiểm soát được đồ ăn trong quá trình vận chuyển. Chính nhà trường sẽ xây dựng thực đơn trong một tháng. Sau đó trường sẽ làm việc với công ty để thống nhất về khẩu phần dinh dưỡng theo dự án bữa ăn học đường” - vị này nói.

Khâu tiếp phẩm cũng rất quan trọng. Trường có 14 bảo mẫu, mỗi ngày sau khi bếp nấu ăn xong đều có hai bảo mẫu trực kiểm tra và thử đồ ăn trước khi chia thức ăn cho các lớp. Mỗi ngày bảo mẫu sẽ ghi nhận xét chất lượng, cân lượng vào sổ nhật ký về thức ăn hôm nay để gửi cho đơn vị xem và rút kinh nghiệm.

Ngoài ra, ban đại diện cha mẹ học sinh trường giám sát bếp ăn theo định kỳ và đột xuất. Họ có quyền kiểm tra bữa ăn bất cứ lúc nào. Tuy nhiên, khi đến trường họ cần phải báo với giáo viên chủ nhiệm để nhà trường nắm.

Chi phí cho bữa ăn trưa và xế của một học sinh trong một ngày là 35.000 đồng. Bữa xế của các em phần lớn là sữa và một vài loại bánh. Những đơn vị cung cấp đều là những doanh nghiệp có uy tín và đảm bảo chất lượng.

Trong khi đó, tại Trường Tiểu học Trần Quang Khải, quận Gò Vấp, bà Nguyễn Thị Kim Phượng, Hiệu trưởng nhà trường, cho biết trường thực hiện bếp ăn một chiều. Theo đó, nguyên liệu đầu vào (phục vụ cho chế biến, nấu món ăn) đến khâu sơ chế, lưu trữ, nấu nướng, soạn chia, thu dọn phải tuân theo một chiều, các thực phẩm sống và thực phẩm chín không được lẫn lộn.

Bà Phượng cho hay do trường có hai cơ sở nên bếp ăn của trường được đặt ở cơ sở 2. Bữa ăn do nhà trường tự mua thực phẩm và chế biến. “Trong quá trình thực hiện, khâu tiếp phẩm giữ vai trò rất quan trọng. Khâu này sẽ gồm cấp dưỡng, nhân viên y tế và một thành viên ban giám hiệu thực hiện. Họ sẽ kiểm tra số lượng, chất lượng của thực phẩm. Nếu thấy sản phẩm nào không đạt yêu cầu thì sẽ ngưng nhận hàng, yêu cầu cung cấp hàng mới” - bà Phượng nhấn mạnh.

Cũng theo bà Phượng, sau khâu tiếp phẩm sẽ là khâu sơ chế. Tất cả thịt, cá, hải sản hay rau củ đều được ngâm trong nước muối khoảng 15 phút. Bộ phận chế biến sẽ gồm một cấp dưỡng và tám bảo mẫu. Các món ăn được chế biến theo thực đơn đã có sẵn. Một bữa ăn trưa và xế tại trường trong một ngày có giá 28.000 đồng. Ngoài ra, trường còn phục vụ ăn sáng với giá 12.000 đồng.

52 học sinh, giáo viên nhập viện

Tính đến 18 giờ 30 ngày 14-9, ông Trần Văn Khanh, Giám đốc BV quận 2, cho biết có 52 học sinh, giáo viên trường nhập viện tại bệnh viện. Trong đó có 29 ca có triệu chứng ói, sốt, tiêu chảy nghi ngộ độc thực phẩm (trong đó có một cô giáo, một bảo mẫu và một em có triệu chứng tương tự người nhà tự đưa cháu nhập viện BV Nhi đồng 2). 23 ca rối loạn tiêu hóa nhẹ. Hiện đã xuất viện 13 ca. Sức khỏe các cháu ổn, bớt sốt, bớt tiêu chảy. 

TRẦN NGỌC 

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm