Theo thông tin từ Quỹ nhi đồng Liên Hiệp Quốc (UNICEF), gần một nửa số ca tử vong ở trẻ dưới năm tuổi trên toàn thế giới xuất phát từ suy dinh dưỡng.
Nguy cơ suy dinh dưỡng và béo phì
Dinh dưỡng cho trẻ luôn là mối quan tâm hàng đầu ở mọi quốc gia. Thống kê từ UNICEF cho thấy năm 2016, 22,9% trẻ dưới năm tuổi tăng trưởng còi cọc với 155 triệu em bị ảnh hưởng. Mặc dù so với năm 2000, con số này đã có xu hướng giảm nhưng vẫn ở mức cao.
Không chỉ suy dinh dưỡng, tình trạng trẻ béo phì cũng là một trong những vấn đề khiến các nước “đau đầu”. Nếu như năm 2000 có 30 triệu trẻ bị béo phì thì con số này đã lên đến 41 triệu vào năm 2016. Nghiên cứu của UNICEF cho thấy số trẻ béo phì có xu hướng tiếp tục gia tăng. Vì vậy đảm bảo sự cân bằng dinh dưỡng cho trẻ là thách thức rất lớn mà các quốc gia đang phải đối mặt. Từ Anh, Pháp, Mỹ đến các nước châu Á, không chỉ chính phủ, tổ chức, chuyên gia dinh dưỡng... mà cả ngành giáo dục cũng chung tay thực hiện nhiều sáng kiến nhằm mang lại bữa ăn đầy đủ dinh dưỡng cho trẻ. Thậm chí chương trình International School Meals Day (tạm gọi là Ngày quốc tế bữa ăn học đường) được thành lập nhằm tăng sự nhận biết, nâng cao tầm quan trọng của bữa ăn học đường.
Tại Việt Nam, chúng ta phải thừa nhận thực trạng đang diễn ra là áp lực học hành của con trẻ. Một mặt các em phải đáp ứng đủ khối lượng bài vở ở trường. Mặt khác, quỹ thời gian dành cho các hoạt động giải trí, thậm chí ăn uống đầy đủ cũng bị thu hẹp dần. Điều đó khiến trẻ có thể rơi vào hai nhóm nguy cơ tương tự là suy dinh dưỡng và béo phì.
Theo thông tin từ Viện Dinh dưỡng quốc gia, tình trạng suy dinh dưỡng còn phổ biến ở trẻ em khu vực nông thôn. Trong khi đó, thừa cân béo phì ngày càng gia tăng ở khu vực TP. Năm 2012, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành quyết định Phê duyệt chiến lược quốc gia về dinh dưỡng giai đoạn 2011-2020 và tầm nhìn đến năm 2030. Theo đó, đến năm 2030, cả nước phấn đấu giảm suy dinh dưỡng trẻ em xuống dưới mức có ý nghĩa sức khỏe cộng đồng (suy dinh dưỡng thể thấp còi dưới 20% và suy dinh dưỡng thể nhẹ cân dưới 10%). Đồng thời từng bước giám sát thực phẩm tiêu thụ hằng ngày để bữa ăn cân đối và hợp lý về dinh dưỡng; bảo đảm an toàn vệ sinh thực phẩm, đáp ứng nhu cầu dinh dưỡng; góp phần nâng cao chất lượng cuộc sống người dân, nhất là trẻ em tuổi học đường.
Một tiết học trong chương trình 3 phút thay đổi nhận thức thuộc dự án Bữa ăn học đường tại Trường Tiểu học Trưng Trắc, TP.HCM. Ảnh: CT
Dự án Bữa ăn học đường
Ở bất kỳ quốc gia nào, nhu cầu cao nhất của trẻ là đảm bảo bữa ăn dinh dưỡng hằng ngày. Nhất là với các trẻ học bán trú, bữa ăn ở trường là rất quan trọng giúp chúng duy trì năng lượng trong suốt quá trình học tập và vận động. Sự mất cân bằng trong dinh dưỡng hoặc chế độ ăn nghèo nàn khiến trẻ gặp khó khăn trong việc tập trung thu nhận kiến thức và thậm chí ảnh hưởng đến quá trình phát triển của các em.
Vì vậy từ năm 2012, Công ty Ajinomoto Việt Nam đề xuất dự án Bữa ăn học đường nhằm cung cấp thực đơn đầy đủ dinh dưỡng cho các em học sinh. Bên cạnh đó, dự án đã xây dựng mô hình bếp ăn bán trú, hỗ trợ các trường xây dựng khẩu phần ăn, thực đơn đảm bảo dinh dưỡng, loại bỏ các nguy cơ ảnh hưởng đến sức khỏe. Trong khuôn khổ của dự án, chương trình “3 phút thay đổi nhận thức” đã được phát triển nhằm cung cấp thông tin dinh dưỡng đến học sinh, từ đó tạo thói quen ăn uống đa dạng cho các em.
TS Trương Đình Bắc, Phó Cục trưởng Cục Y tế dự phòng, đánh giá cao Ajinomoto Việt Nam đã cùng Bộ GD&ĐT, Bộ Y tế triển khai dự án cũng như hỗ trợ hiệu quả hoạt động này. Đồng thời ông nhận định phần mềm Xây dựng thực đơn cân bằng dinh dưỡng đã hỗ trợ các trường tạo thực đơn cân bằng dinh dưỡng cho các bữa ăn hợp khẩu vị, bộ thực đơn đa dạng, phong phú về thực phẩm, phù hợp với từng vùng miền, thuận lợi cho các trường tiểu học có bán trú thực hiện. |
TS Ngũ Duy Anh, Vụ trưởng Vụ Công tác HSSV, Bộ GD&ĐT, khẳng định cái được đầu tiên của Bữa ăn học đường là thay đổi nhận thức của các nhà trường, của ngành GD&ĐT, phụ huynh, cán bộ, giáo viên về việc cung cấp bữa ăn cho học sinh, kế đến là nâng cao tầm quan trọng trong việc thiết kế bữa ăn dinh dưỡng cho trẻ em. TS Ngũ Duy Anh cho biết thêm: “Dự án Bữa ăn học đường là một dự án mới và rất có ý nghĩa cho xã hội, góp phần giải quyết các vấn đề của ngành giáo dục trong công tác tổ chức bữa ăn bán trú hiện nay”.
Xây dựng ngân hàng thực đơn chuẩn
Nằm trong khuôn khổ dự án Bữa ăn học đường, đầu năm 2017, Bộ GD&ĐT ra quyết định phê duyệt phần mềm Xây dựng thực đơn cân bằng dinh dưỡng. Đối tượng áp dụng là các trường có tổ chức bữa ăn bán trú trên toàn quốc.
Với sự tư vấn chuyên môn của Viện Dinh dưỡng quốc gia - Bộ Y tế, bộ thực đơn hướng tới mục tiêu cân bằng dinh dưỡng. Các bữa ăn không chỉ đa dạng, ngon miệng mà còn hỗ trợ công tác quản lý bữa ăn bán trú. Đúng như tên gọi, phần mềm cung cấp cho nhà trường ngân hàng thực đơn phong phú gồm 120 thực đơn sẵn có, trên 360 món ăn không lặp lại cho bữa trưa. Thực đơn này được tính toán đảm bảo cân bằng dinh dưỡng theo nhu cầu lứa tuổi, đa dạng và ngon miệng; được phân chia theo ba khu vực Bắc, Trung và Nam.
Khi phần mềm được phê duyệt, các trường học ở nhiều địa phương như TP.HCM, Đồng Nai, Đồng Tháp, Lạng Sơn, Hải Dương... nhanh chóng áp dụng. Mới đây, Sở GD&ĐT tỉnh Bình Dương đã tổ chức hội nghị triển khai phần mềm này dành cho 93 trường tiểu học có tổ chức bữa ăn bán trú trên toàn địa bàn tỉnh. Tại hội nghị, đại diện Sở GD&ĐT tỉnh Bình Dương cho biết trong thời gian qua, do hạn chế nhân lực có chuyên môn dinh dưỡng, thiếu kinh nghiệm xây dựng thực đơn sao cho vừa đáp ứng nhu cầu dinh dưỡng, vừa phù hợp chi phí hằng tháng nên công tác tổ chức bữa ăn cho học sinh các trường tiểu học bán trú trên toàn quốc và địa bàn tỉnh còn gặp rất nhiều khó khăn. Việc triển khai phần mềm sẽ giúp đảm bảo dinh dưỡng đầy đủ cho các em. Được biết, đây cũng là một trong những nội dung của đợt tập huấn hè năm nay.
Với ý nghĩa thiết thực, dự án đã lan tỏa đến nhiều địa phương lớn trên cả nước. Cụ thể tại TP.HCM, dự án triển khai ở 245 trường với trên 220.000 học sinh. Tại Đà Nẵng là 96 trường với 53.000 học sinh. Tại Hải Phòng có 100 trường với 50.000 học sinh tham gia.
Không chỉ nhân rộng về số lượng, dự án còn đạt chất lượng với kết quả đáng khích lệ. Năm 2016, Bộ GD&ĐT tổ chức khảo sát tình hình bữa ăn bán trú tại 63 tỉnh, thành. Theo đó, trong 3.692 trường học có bán trú thì 95% trường có bếp ăn tập trung với số học sinh trên 2,6 triệu được hưởng lợi từ chương trình. Kết quả khảo sát tại Đà Nẵng, TP.HCM cho thấy 81,5% ý kiến đánh giá thực đơn do dự án cung cấp kết hợp đa dạng thực phẩm; 93,6% đánh giá thực đơn cân bằng về dinh dưỡng. |