Ngày 19-5, Sở GD&ĐT tỉnh Đồng Tháp phối hợp với Công ty Ajinomoto Việt Nam tổ chức hội nghị triển khai “Phần mềm xây dựng thực đơn cân bằng dinh dưỡng” dành cho hơn 40 trường tiểu học có tổ chức bữa ăn bán trú trên toàn địa bàn tỉnh.
Tham gia hội nghị có TS Ngũ Duy Anh, Vụ trưởng Vụ Công tác học sinh, sinh viên, Bộ GD&ĐT; ông Nguyễn Văn Trung, Phó Giám đốc Công ty Ajinomoto Việt Nam, cùng hơn 100 thầy cô, bếp trưởng, cán bộ phụ trách công tác bán trú của các huyện, thị, thành.
Ăn ngon, bổ với 120 thực đơn, trên 360 món
“Phần mềm xây dựng thực đơn cân bằng dinh dưỡng” được Bộ GD&ĐT, Bộ Y tế phối hợp cùng Công ty Ajinomoto Việt Nam triển khai thực hiện từ tháng 12-2016.
Đây là phần mềm cung cấp cho các trường tiểu học bán trú một ngân hàng thực đơn phong phú, gồm 120 thực đơn sẵn có với trên 360 món ăn không lặp lại cho bữa trưa, đã được cân bằng dinh dưỡng theo nhu cầu lứa tuổi, đa dạng và ngon miệng; được phân chia theo ba khu vực miền Bắc, Trung và Nam.
Các thực đơn trong phần mềm trên đã trải qua nhiều quá trình từ khảo sát, phân tích, phát triển công thức, thực nghiệm đến điều chỉnh kỹ càng, sau đó được thông qua bởi hội đồng thẩm định của Viện Dinh dưỡng Quốc gia, Bộ Y tế và hội đồng đánh giá của Bộ GD&ĐT.
Ứng dụng phần mềm này, các trường có thể tạo thực đơn mới bằng cách kết hợp các món ăn có sẵn trong ngân hàng thực đơn hoặc bằng các nguyên liệu tự chọn phù hợp với từng địa phương; tính toán giá trị dinh dưỡng của các thực đơn sao cho ngon, bổ, đủ dinh dưỡng, lại phù hợp với chi phí bữa ăn của học sinh. Ví dụ, nhà trường có thể thay thế nguyên liệu, chẳng hạn dùng cải xanh, rau dền… để thay thế bông cải, vừa phù hợp với túi tiền vừa có thể linh động trong điều kiện của từng địa phương.
Học sinh vô cùng thích thú với các món ăn.
Theo TS Ngũ Duy Anh, Vụ trưởng Vụ Công tác học sinh, sinh viên, Bộ GD&ĐT, “Phần mềm xây dựng thực đơn cân bằng dinh dưỡng” không chỉ trang bị kiến thức dinh dưỡng cho nhà trường mà trên cơ sở phần mềm này có thể tuyên truyền cho các bậc phụ huynh, nghiên cứu thực đơn sử dụng cho con em ở nhà, từ đó có dinh dưỡng hợp lý và phát triển cân đối.
Chẳng hạn, nhiều phụ huynh ở các TP lớn rất cưng chiều con nên con cái thích ăn gì thì đáp ứng ngay, khiến trẻ dễ bị thừa cân, béo phì. PGS-TS Nguyễn Thị Lâm, nguyên Phó Viện trưởng Viện Dinh dưỡng Quốc gia, cho biết: “Các thực đơn được xây dựng từ phần mềm đảm bảo chất lượng bữa ăn, xây dựng thói quen ăn uống khoa học, góp phần kiểm soát tình trạng thừa cân, béo phì, suy dinh dưỡng, thiếu vi chất trong học sinh và đảm bảo cho sự phát triển toàn diện của trẻ”.
Về phía nhà trường, các trường cũng có “điểm tựa” để tính toán thực đơn dễ dàng hơn, hợp lý hơn và kinh tế hơn. Bà Nguyễn Thúy Hà, Phó Giám đốc Sở GD&ĐT tỉnh Đồng Tháp, cho biết hiện tại tỉnh có 41 trường tổ chức bữa ăn bán trú, tuy nhiên đều gặp khó khăn, lúng túng trong việc xây dựng bữa ăn. Sau khi được hướng dẫn sử dụng phần mềm, nhiều giáo viên cảm thấy rất hứng thú, không còn phải lo lắng mỗi ngày phải suy nghĩ cho học sinh ăn gì, chất nào cần thiết cho các em…
Bộ Y tế đánh giá cao nỗ lực của Ajinomoto Việt Nam
Tại hội nghị, vẫn có những băn khoăn nếu áp dụng phần mềm mà chi phí bữa ăn cao hơn so với mức mà phụ huynh đóng thì phải làm sao. Ông Nguyễn Văn Trung, Phó Giám đốc Công ty Ajinomoto Việt Nam, chia sẻ có nhiều cách để cân đối dinh dưỡng song song với cân đối túi tiền, như thay thế nguyên liệu cho bữa ăn, tùy vào giá cả thị trường, điều kiện cung ứng của địa phương. Phần mềm cho phép các trường tự tạo thực đơn trên những tính toán về dinh dưỡng phù hợp.
Ông Trung còn cho biết thêm, sau hội nghị giới thiệu khái quát về phần mềm, Công ty Ajinomoto Việt Nam sẽ cử nhân viên của công ty trực tiếp đến các trường để hướng dẫn cặn kẽ một lần nữa. Cùng với đó, công ty sẽ tư vấn cho các trường cách bố trí, vận hành bếp ăn làm sao cho hiệu quả và nâng cao năng suất lao động.
“Chúng tôi thực hiện dự án này ngoài việc mong muốn mang lại bữa ăn dinh dưỡng cho trẻ em Việt Nam còn muốn chia sẻ sự nhọc nhằn với các cô, các chị làm bếp. Họ ngày ngày chăm lo bữa ăn cho con em của rất nhiều người nhưng đôi khi chính con em của các bạn không hề nhắc đến việc sẽ tặng một bông hoa nhỏ cho các cô, các chị vào những ngày kỷ niệm” - ông Trung chia sẻ.
Bên ngoài hội nghị, từ thực tiễn là trường học có quá trình tiên phong áp dụng “Phần mềm xây dựng thực đơn cân bằng dinh dưỡng”, thầy Nguyễn Văn Trí, Hiệu trưởng Trường Tiểu học Trưng Trắc, TP.HCM, hào hứng: “Thông qua bữa ăn, học sinh được ăn đa dạng nhiều loại thực phẩm hơn, đặc biệt là các loại rau củ. Nhờ đó có nhiều em trước đây chỉ biết ăn trứng, thịt; không biết ăn cá hay rau thì giờ đã biết ăn đa dạng thực phẩm, từ đó tác động đến thói quen ăn uống của các em, giúp các em có thói quen ăn uống lành mạnh hơn”.
Còn TS Trương Đình Bắc, Phó Cục trưởng Cục Y tế dự phòng, Bộ Y tế, thì nhận định: ““Phần mềm xây dựng thực đơn cân bằng dinh dưỡng” thuộc dự án Bữa ăn học đường đã xây dựng được các bữa ăn hợp khẩu vị, bộ thực đơn đa dạng và phong phú về thực phẩm, phù hợp với từng vùng miền, thuận lợi cho các trường tiểu học có bán trú thực hiện. Chúng tôi đánh giá cao Công ty Ajinomoto Việt Nam đã cùng Bộ GD&ĐT và Bộ Y tế triển khai dự án cũng như hỗ trợ hiệu quả hoạt động này”.
Dự án Bữa ăn học đường là một dự án mới và rất có ý nghĩa cho xã hội, góp phần giải quyết các vấn đề của ngành giáo dục trong công tác tổ chức bữa ăn bán trú hiện nay. TS NGŨ DUY ANH, Vụ trưởng Vụ Công tác học sinh, |