Ngày 16-1, Bộ GD&ĐT đã ban hành Quyết định 196/QĐ-BGDĐT về việc phê duyệt phần mềm xây dựng thực đơn cân bằng dinh dưỡng. Phần mềm áp dụng với các trường tiểu học bán trú nhằm đảm bảo thực đơn cân bằng dinh dưỡng cho các bữa ăn tại trường. Đặc biệt, phần mềm cung cấp hoàn toàn miễn phí trên website www.buaanhocduong.com.vn.
Quản lý bữa ăn khoa học
Chiến lược quốc gia về dinh dưỡng giai đoạn 2011- 2020 và tầm nhìn đến năm 2030 của Thủ tướng Chính phủ đã đề ra mục tiêu đến năm 2020 bữa ăn của người dân cần được cải thiện về số lượng, cân đối hơn về chất lượng, bảo đảm an toàn vệ sinh, suy dinh dưỡng; đặc biệt thể thấp còi được giảm mạnh. Song song đó là kiểm soát có hiệu quả tình trạng thừa cân béo phì, góp phần hạn chế các bệnh mạn tính không lây liên quan đến dinh dưỡng.
Trong đề án tổng thể phát triển thể lực, tầm vóc người Việt Nam giai đoạn 2011- 2030, mục tiêu cụ thể là phát triển thể lực, tầm vóc người Việt Nam trong 20 năm tới. Đề án đưa ra năm chương trình cụ thể, trong đó có vấn đề về chăm sóc dinh dưỡng kết hợp với chăm sóc sức khỏe. Một số nội dung chủ yếu là nghiên cứu đề xuất chuẩn thực đơn dinh dưỡng hằng ngày phù hợp với các đối tượng của đề án; thí điểm hướng dẫn, thực hiện chế độ chăm sóc dinh dưỡng đối với học sinh (HS) mẫu giáo, tiểu học, THCS, THPT.
Tại Việt Nam, mô hình học bán trú được xem là phù hợp trong điều kiện kinh tế, xã hội phát triển nhanh chóng. Thế nhưng nỗi lo thường trực của các ông bố, bà mẹ vẫn là liệu con mình có bữa ăn trưa đàng hoàng và đủ chất hay không.
Trong buổi ra mắt phần mềm xây dựng thực đơn cân bằng dinh dưỡng thuộc dự án Bữa ăn học đường tại tỉnh Bình Dương mới đây, lãnh đạo Bộ GD&ĐT cho biết thời gian qua do hạn chế về kiến thức dinh dưỡng, thiếu kinh nghiệm xây dựng thực đơn sao cho vừa đáp ứng nhu cầu dinh dưỡng vừa phù hợp chi phí hằng tháng, công tác tổ chức bữa ăn cho HS các trường tiểu học bán trú trên toàn quốc nói chung còn gặp rất nhiều khó khăn. Phần lớn các trường tiểu học bán trú đang sử dụng dụng cụ đơn giản trong quá trình chuẩn bị, sơ chế nguyên liệu, từ đó thời gian nấu ăn bị kéo dài. Khi phần mềm được triển khai đã mở lối cho các trường nhằm cung cấp, xây dựng thực đơn dinh dưỡng, đa dạng, hỗ trợ hiệu quả công tác quản lý bữa ăn bán trú theo hướng khoa học hơn.
Cán bộ phụ trách dinh dưỡng Trường Tiểu học Nguyễn Phan Vinh (Đà Nẵng) đang thực hành trên phần mềm xây dựng thực đơn. Ảnh: CTV
Bữa cơm dinh dưỡng của các em học sinh bán trú. Ảnh: CTV
Đáp ứng các tiêu chuẩn dinh dưỡng
Truy cập website www. buaanhocduong.com.vn, các trường có thể tiếp cận ngân hàng gồm 120 thực đơn sẵn có với trên 360 món ăn không lặp lại cho bữa trưa, đặc biệt là đầy đủ yêu cầu món chính, món mặn, món canh, món xào, tráng miệng. Các bữa ăn được cân bằng dinh dưỡng theo nhu cầu lứa tuổi, đa dạng, ngon miệng, phù hợp khẩu vị theo khu vực miền Bắc, Trung, Nam.
Nếu các em HS miền Bắc được thưởng thức món cơm với sườn kho cà chua, thịt gà kho khoai môn, canh khoai sọ rau muống nấu thịt bò, khoai tây xào thịt... thì các em HS miền Nam, miền Trung có món thịt kho thơm, thịt gà kho sả, thịt cốt lết hon mè, chả cá kho rau củ… cùng món tráng miệng như dưa hấu, chuối, thanh long… Trường có thể chọn phần công thức nấu để hoàn chỉnh món ăn, thậm chí là tạo thực đơn từ món ăn, nguyên liệu, thay nguyên liệu khác cho phù hợp với tình hình cụ thể. Phần mềm sẽ giúp kiểm tra chính xác lượng dinh dưỡng của thực đơn đầu vào cũng như tính toán nguyên liệu để phù hợp chi phí.
Tuân thủ đúng khuyến cáo
Ông Trương Đình Bắc, Phó Cục trưởng Cục Y tế dự phòng, Bộ Y tế, chia sẻ nếu các bà nội trợ chế biến bữa ăn cho gia đình khoảng 5-6 người đã là khó thì việc chế biến cho tập thể từ vài trăm đến vài ngàn HS là vất vả hơn. Chính vì thế khi tính toán, sử dụng sản phẩm của từng địa phương thì phần mềm dựa trên cơ sở khoa học để giúp cán bộ xây dựng thực đơn hằng ngày, hằng tuần được nhanh chóng, đảm bảo chế độ dinh dưỡng cân đối, đầy đủ cho các em. Việc áp dụng công nghệ tính toán là vô cùng quan trọng, giúp giảm nhẹ gánh nặng cho cán bộ xây dựng thực đơn. Ông nói thêm trước đây việc tính toán bữa ăn bằng thủ công rất khó khăn thì nay phần mềm sẽ thể hiện toàn bộ khuyến cáo dinh dưỡng cần thiết cho các em như đạm, vitamin, khoáng chất… Trường chỉ cần tuân thủ theo đúng khuyến cáo của chuyên môn.
Để ứng dụng thuần thục tại đơn vị, cán bộ chuyên trách của trường phải trải qua khóa tập huấn cùng ban quản lý dự án. Song song đó là đảm bảo việc tuân thủ các yêu cầu khắt khe về an toàn thực phẩm trong suốt quá trình chế biến. Ông Trương Đình Bắc cho biết: “Thực phẩm, suất ăn trong nhà trường phải tuân thủ quy định của Bộ Y tế và phải đảm bảo an toàn thực phẩm. Các trường học nếu tổ chức, cung cấp bữa ăn cho HS phải sắp xếp nguyên liệu, kho chứa… theo quy định. Quy trình sản xuất, chế biến thức ăn phải theo quy trình một chiều, không chồng chéo, đảm bảo sử dụng nguồn nước sạch, vật dụng chế biến phải vệ sinh. Người chế biến phải được tập huấn, có kiến thức, không mang mầm bệnh lây lan cho HS”. Đây là một trong những yếu tố vừa giúp đảm bảo an toàn thực phẩm vừa nâng cao chất lượng bữa ăn. Qua đó các em có thể học hành và phát triển sức khỏe một cách toàn diện.
Theo Công ty Ajinomoto Việt Nam, đơn vị khởi xướng phần mềm xây dựng thực đơn cân bằng dinh dưỡng, cho biết phần mềm được phát triển dựa trên hai tiêu chí. Đó là đảm bảo tính khoa học và khả thi. Cụ thể, phần mềm đáp ứng các tiêu chuẩn dinh dưỡng dành cho lứa tuổi tiểu học theo bảng nhu cầu năng lượng khuyến nghị cho người Việt Nam được Bộ Y tế ban hành năm 2015. Thực đơn có trên 10 loại thực phẩm (không kể gia vị), sử dụng phong phú nguồn cung cấp chất đạm động vật, thực vật, kết hợp nhiều loại rau củ quả khác nhau; hạn chế sử dụng thực phẩm đóng gói và chế biến sẵn… Muối được giới hạn ở mức cao nhất là 2 g/HS/ bữa trưa và giới hạn đường là dưới 6 g/HS/bữa trưa. __________________________________ Phần mềm xây dựng thực đơn cân bằng dinh dưỡng được xây dựng dựa trên nhu cầu thực tế của nhà trường rất cần phải có một công cụ hỗ trợ cán bộ phụ trách bán trú trong công tác lên thực đơn hằng ngày cho HS tiểu học, đảm bảo những thực đơn này vừa cân đối về dinh dưỡng vừa đa dạng và ngon miệng mà không yêu cầu người sử dụng phải có kiến thức quá chuyên sâu về dinh dưỡng. Phần mềm là công cụ phù hợp với xu thế phát triển của thời đại, giải quyết được bài toán về thời gian để toàn bộ các trường trên cả nước đều có thể cùng triển khai dự án Bữa ăn học đường một cách đồng bộ và sớm nhất. Bên cạnh đó, phần mềm còn là một giải pháp toàn diện với rất nhiều ưu điểm: Cung cấp cho các trường một ngân hàng nhiều thực đơn đa dạng với những món ăn được nghiên cứu và phát triển chuyên sâu, không chỉ cân đối về dinh dưỡng, đa dạng thực phẩm mà còn phù hợp với khẩu vị HS từng khu vực; hỗ trợ nhà trường tự xây dựng những thực đơn phù hợp tiêu chuẩn dinh dưỡng, kinh phí với các bước hướng dẫn cụ thể mà không đòi hỏi người sử dụng phải có chuyên môn sâu về dinh dưỡng. |