Người Việt sẵn sàng chi tiền khủng để đi du lịch kết hợp với chăm sóc sức khỏe. Đó là thông tin nổi bật tại diễn đàn về du lịch kết hợp chăm sóc sức khỏe (wellness) lần đầu tiên được tổ chức tại TP.HCM vào ngày 25-4.
Tăng trưởng rất nhanh
Bà Nguyễn Thị Ánh Hoa, Phó Giám đốc Sở Du lịch TP.HCM, cho rằng mô hình du lịch kết hợp chăm sóc sức khỏe còn khá mới mẻ tại Việt Nam. Mô hình du lịch này nhằm mang đến cho khách du lịch những trải nghiệm chăm sóc sức khỏe và cân bằng cảm xúc trong tâm hồn thông qua các dịch vụ chăm sóc sức khỏe như thiền, yoga, spa trị liệu, massage hằng ngày...
Tính đến năm 2018, du lịch kết hợp chăm sóc sức khỏe đã có mặt ở hơn 100 quốc gia và Việt Nam được đánh giá là một trong những quốc gia có tiềm năng phát triển mạnh mẽ xu hướng mới này.
“Du lịch kết hợp chăm sóc sức khỏe sẽ tiếp tục tăng trưởng khi càng ngày con người càng có xu hướng quan tâm đến sức khỏe, tiếp nhận ý tưởng “giữ gìn sức khỏe như một động lực chính cho quyết định đi du lịch của mình” - bà Hoa phân tích.
Phó giám đốc Sở Du lịch TP.HCM cũng nhìn nhận: Với các nguồn lợi sẵn có về thiên thời - địa lợi - nhân hòa, đây chính là thời điểm đẹp để các công ty du lịch Việt Nam tập trung phát triển yếu tố du lịch kết hợp chăm sóc sức khỏe trong tất cả dịch vụ dành cho khách hàng.
Đồng quan điểm, ông Mauro Gasparotti, Giám đốc Savills Hotels châu Á - Thái Bình Dương, nhấn mạnh du lịch kết hợp chăm sóc sức khỏe có doanh thu cả trăm tỉ USD/ năm. “Với mong muốn khỏe hơn, trẻ hơn, đẹp hơn và có cuộc sống thoải mái hơn nên xu hướng chăm sóc bản thân ngày càng nhiều hơn. Nhờ đó tốc độ tăng trưởng của du lịch kết hợp chăm sóc sức khỏe tăng trưởng gấp hai lần mức trung bình so với toàn ngành du lịch nói chung” - ông Mauro Gasparotti nói.
Đáng chú ý, đối tượng đi du lịch theo mô hình này chi trả nhiều hơn so với khách thông thường. Việt Nam là một trong những quốc gia có tốc độ tăng trưởng du lịch kết hợp chăm sóc sức khỏe cao với 25% mỗi năm và mức chi tiêu cao của khách cao hơn 51% so với trải nghiệm du lịch thông thường.
“Theo thống kê, 10% đối tượng du khách chủ yếu để trị liệu sức khỏe tinh thần; 90% còn lại du lịch có kết hợp các yếu tố này. Vì vậy, các nhà đầu tư khách sạn, khu nghỉ dưỡng nên chú ý và có thể tích hợp các yếu tố này trong các dự án bất động sản nghỉ dưỡng tương lai” - ông Mauro Gasparotti khuyến nghị.
Du lịch kết hợp với các liệu pháp trị liệu cơ thể và tinh thần trở thành xu hướng của du khách trong thời gian tới. Ảnh: TL
Hái ra tiền nhờ dịch vụ nhỏ
Xu hướng du lịch chăm sóc sức khỏe được xem là cơ hội đầu tư giàu tiềm năng nhưng đáng tiếc lại chưa được định hướng bài bản cũng như khai thác hiệu quả tại Việt Nam. Vì sao vậy? Bà Châu Thị Hoàng Mai, Tổng Giám đốc Alba Spa Hotel và Alba Hotel, cho rằng khó khăn hiện nay chính là kiến thức và tiêu chuẩn. Hiện tại Việt Nam đã có tiêu chuẩn khách sạn một sao, hai sao, ba sao… nhưng lại chưa có tiêu chuẩn cho “wellness hotel” hay “wellness resort” nào cả.
Mặt khác, trong ngành dịch vụ du lịch bình thường thì lâu nay nhân sự cũng là vấn đề nhưng với du lịch sức khỏe thì vấn đề này lại càng khó khăn hơn. “Loại hình du lịch này cần kiến thức chuyên sâu, sự am hiểu không chỉ đơn thuần là cách đặt khăn bàn sao cho phù hợp, cách đặt muỗng, nĩa sao cho đúng… mà thiên về cảm nhận của khách. Yếu tố này do con người mang lại, tức phải hiểu mới làm được” - bà Mai nêu thực tế.
Cùng nhận định trên, bà Thúy Đỗ, nhà sáng lập Wellness Vietnam, nhìn nhận: Hiện nay tại Việt Nam chưa có nhiều resort, khách sạn về du lịch sức khỏe. Chỉ có vài resort cao cấp làm dịch vụ này nhưng với giá rất cao.
Chẳng hạn, giá một chương trình du lịch kết hợp chăm sóc sức khỏe ở một resort sáu sao tại miền Trung lên đến 3.000 USD/đêm. Trong khi nhiều khách cho biết họ chỉ có thể chi tiêu 200-250 USD/ngày.
Bà Thúy cũng chỉ ra cái khó khi phát triển du lịch sức khỏe ở Việt Nam là các công ty du lịch cũng không hiểu lắm về mô hình này. Thường họ chỉ đưa khách vào những khách sạn có spa, massage…, mọi thứ còn lại để khách sạn lo hết.
Bà Nguyễn Thanh Bình, Phó Vụ trưởng Vụ Khách sạn (Tổng cục Du lịch), khẳng định du lịch kết hợp chăm sóc sức khỏe đáp ứng nhu cầu thị trường và phù hợp với định hướng phát triển du lịch Việt Nam trong thời gian tới.
Ngoài thế mạnh về thiên nhiên trong lành, có một số sản phẩm thảo dược mà chỉ Việt Nam mới có, nếu nhà đầu tư biết tận dụng tài nguyên cây cỏ làm ra dược liệu… sẽ tạo sự khác biệt, sẽ hấp dẫn du khách. Ví dụ, tại Hòa Bình có homestay chỉ là nhà sàn đơn sơ, cung cấp dịch vụ ngâm chân bằng thảo dược cho du khách nhưng một tháng đón 200.000 lượt khách quốc tế.
“Khi nghe thông tin trên, tôi rất giật mình. Rõ ràng khi đơn vị du lịch quan tâm đến cái nhỏ nhất và cung cấp trải nghiệm cho du khách thì sẽ thành công” - bà Bình nói.
Hấp dẫn thị trường hơn 900 tỉ USD Theo báo cáo của Global Wellness Institute (GWI), thị trường du lịch kết hợp chăm sóc sức khỏe đạt mức 639 tỉ USD vào năm 2017 và con số đó sẽ không chỉ dừng lại ở đó. Khách du lịch từ khắp nơi trên thế giới đã thực hiện 830 triệu chuyến nghỉ dưỡng trong năm 2017. Cũng theo dự đoán của GWI, mô hình mới mẻ này sẽ tiếp tục tăng trưởng với tốc độ trung bình hằng năm là 7,5% và đến năm 2022 có thể đạt mức 919 tỉ USD, chiếm 18% tỉ trọng thị trường du lịch toàn thế giới. Với mô hình du lịch này, du khách được thải độc, thanh lọc cơ thể với chế độ ăn uống riêng để trẻ hóa cơ thể. Thậm chí còn có các chuyên gia áp dụng liệu trình chăm sóc riêng biệt. Theo chuyên trang du lịch Wego và TrustYou, Hà Nội và Hội An là hai TP được đánh giá cao với các yếu tố phù hợp mong muốn du lịch kết hợp chăm sóc sức khỏe của du khách, lọt vào tốp 10 TP du lịch tốt nhất về dịch vụ này tại châu Á. |