Khoảng 50 sinh viên Trường ĐH Tài nguyên và Môi trường TP.HCM đã có chuyến tham quan Khu liên hợp xử lý chất thải Đa Phước, thuộc Công ty TNHH Xử lý chất thải Việt Nam (VWS).
Học và hành đi đôi
Lý thuyết đi đôi với thực tế luôn là cách học được đề cao. Vì nhiều lợi ích của phương pháp học này mang lại mà VWS luôn chào đón các bạn sinh viên đến tìm hiểu thông tin phục vụ cho việc học tập của mình.
Buổi tham quan rất thú vị khi các bạn được gặp gỡ trực tiếp các chuyên gia nước ngoài đang làm việc trực tiếp tại khu liên hợp, tìm hiểu chi tiết về kết cấu bãi chôn lấp rác để đảm bảo môi trường xung quanh, nhà máy phân loại rác tái chế, nhà máy sản xuất phân compost, nhà máy xử lý nước thải...
Ông David Duong, TGĐ VWS chia sẻ quy trình thu gom xử lý rác cho sinh viên
Đặc biệt, các bạn rất ngỡ ngàng, phấn khích khi thực tế rất khác với những gì mình tưởng tượng và ưu ái gọi khu liên hợp này là “resort thu nhỏ”. Bởi lẽ một nơi được xem là bãi chôn lấp chất thải lại mà lại rất sạch sẽ, xanh mượt, có vườn thú mini, khu vực trồng nhiều loại rau, cây ăn trái, ao sen, cây xanh tạo bóng mát xen lẫn các nhà máy... và có cả những chiếc xe kéo gỗ đậm chất miền quê dân dã.
Sinh viên tham quan dây chuyền xử lý nước rỉ rác của VWS
Xuất thân từ ngành học môi trường, anh Nguyễn Trung Hiếu, Cán bộ Quản lý vận hành nhà máy xử lý nước của khu liên hợp, chia sẻ đó là tín hiệu tốt khi sinh viên ngày nay, với sự hỗ trợ về công nghệ, các bạn có thể tìm hiểu rất nhiều thông tin trên mạng và ngày càng quan tâm đến ngành học của mình. Anh Hiếu nói “Mình biết cái gì sẽ hướng dẫn đầy đủ cho các bạn cái đó, để làm sao các bạn dễ hình dung và có thể tiếp cận thực tế một cách linh hoạt hơn”. Chính sự cởi mở từ ban giám đốc đến toàn bộ nhân viên của VWS mà các bạn sinh viên cũng “nhiệt tình” đặt khá nhiều câu hỏi với sự tương tác cao. Nội dung không chỉ xoáy sâu vào chuyên môn mà còn cả cách vận hành, xây dựng nhà máy, xử lý sự cố sao cho thân thiện với môi trường.
Truyền cảm hứng nghề nghiệp
Đi theo đoàn tham quan của các bạn sinh viên, thầy Nguyễn Đình Tuấn, Nguyên hiệu trưởng Trường ĐH Tài nguyên và môi trường TP.HCM, giảng viên thỉnh giảng một số trường ĐH khác, cho biết đây là nhóm sinh viên năm bốn, chuẩn bị ra trường nên việc tham quan thực tế là rất phù hợp. “Chúng tôi luôn muốn sinh viên ngoài kiến thức về lý thuyết sẽ có kiến thức thực tế cho nên chúng tôi luôn chọn những đơn vị có công nghệ kỹ thuật tiên tiến để các em tham quan. Hiện nay theo đánh giá của tôi trong các khu chôn lấp chất thải thì Khu liên hợp Đa Phước có thể nói là một trong những khu hàng đầu”. Thông qua đó, các em sẽ biết “học là như vậy còn thực tế là như thế nào”. Đồng thời sinh viên có thể tiếp cận những công nghệ đang áp dụng trên thực tế mà sách vở chưa kịp cập nhật.
Trải nghiệm thực tế sẽ giúp sinh viên học tập tốt hơn
Không chỉ là nơi để tham quan, các bạn sinh viên còn được truyền cảm hứng nghề nghiệp, khơi gợi lòng yêu môi trường và sự đóng góp cho đất nước.
Ông Kevin Moore, Giám đốc điều hành VWS, nhắn nhủ “Công nghệ kỹ thuật cũng giống như một điểm sáng, luôn thay đổi và đi qua một cách nhanh chóng... Dù công nghệ có thay đổi thế nào đi chăng nữa thì sau này nó cũng biến thành rác thải. Hôm nay công nghệ này là điều kỳ diệu nhưng ngày mai nó có thể lỗi thời”. Dù sống ở quốc gia nào đi chăng nữa thì ai cũng có nhu cầu về rác thải. Và, việc của chúng ta là tạo nên “chiếc hộp thần kỳ” để có thể tái chế, xử lý tất cả các loại rác. Đó cũng là nhiệm vụ quan trọng của các thế hệ tương lai.