Trong hai ngày 15 và 16-10, Bộ Công an phối hợp với Chương trình Phát triển Liên Hiệp Quốc (UNDP) tổ chức Hội thảo tham vấn về vấn đề hồ sơ bảo vệ Báo cáo và Phiên bảo vệ giả định về Công ước Chống tra tấn cho Đoàn Việt Nam.
Quang cảnh Hội thảo
Đây là hội thảo nhằm chuẩn bị cho việc bảo vệ Báo cáo Quốc gia lần thứ Nhất của Việt Nam về thực thi Công ước của Liên Hiệp Quốc về chống tra tấn và các hình thức đối xử hoặc trừng phạt tàn bạo, vô nhân đạo hoặc hạ nhục con người (Công ước Chống tra tấn) trước Ủy ban Chống tra tấn của Liên Hiệp Quốc tại Geneva, Thụy Sĩ vào tháng 11-2018,
Phát biểu tại Hội thảo, Trung tướng Nguyễn Ngọc Anh, Cục trưởng Cục Pháp chế và cải cách hành chính, tư pháp Bộ Công an, cho biết ngày 28-4-2017, Báo cáo Quốc gia đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt trước khi đệ trình lên Ủy ban chống tra tấn của Liên Hiệp Quốc.
Trung tướng Nguyễn Ngọc Anh mong muốn thông qua các hoạt động tại Phiên bảo vệ giả định, các thành viên Đoàn công tác sẽ được trải nghiệm các tình huống dự kiến diễn ra tại Phiên bảo vệ chính thức.
Báo cáo khẳng định những thành tựu mà Việt Nam đạt được trong hơn 70 năm xây dựng và phát triển đất nước, đặc biệt trong lĩnh vực bảo vệ quyền con người cùng với tình hình chính trị ổn định và những chính sách, định hướng phát triển kinh tế-xã hội phù hợp là tiền đề và thuận lợi cho Việt Nam trong quá trình triển khai, thực thi Công ước. Tuy nhiên, Việt Nam vẫn còn một số khó khăn cần khắc phục để thực thi có hiệu quả công ước trong thời gian tới.
Cụ thể, hệ thống văn bản pháp luật về quyền con người chưa đồng bộ. Trình độ pháp luật, nghiệp vụ của nhân viên công vụ chưa đồng đều nên họ có thể hiểu chưa đúng, chưa đầy đủ về các nghĩa vụ và trách nhiệm của cá nhân. Vì vậy, việc cá nhân lạm quyền khi thực thi công vụ vẫn có thể xảy ra. Điều này gây khó khăn nhất định cho các cơ quan có thẩm quyền trong việc quản lý và đào tạo cán bộ.
Nguồn lực để thực hiện các mục tiêu phát triển bền vững, bảo đảm tăng trưởng kinh tế, phát triển xã hội, bảo vệ môi trường, giảm thiểu khác biệt giữa các vùng, miền còn hạn chế. Bên cạnh đó, Công ước chống tra tấn có nội dung liên quan đến nhiều lĩnh vực của đời sống xã hội, có nhiều nội dung khó, phức tạp. Vì vậy, việc triển khai phải tiến hành theo từng giai đoạn, phù hợp với tình hình, điều kiện thực tế của Việt Nam.
Tại Hội thảo, bà Caitlin Wiesen, Giám đốc Quốc gia UNDP Việt Nam, cho biết Báo cáo lần này có ý nghĩa rất quan trọng vì đây là báo cáo đầu tiên của Việt Nam, giúp nhìn lại những việc đã làm được, tiếp thu những ý kiến đóng góp của các quốc gia thành viên khác cũng như những khuyến nghị của Ủy ban để cải thiện quá trình thực hiện Công ước trong thời gian tới.
Còn ông Geogre Tugushi, nguyên thành viên Ủy ban chống tra tấn của Liên Hợp Quốc, đánh giá Báo cáo của Việt Nam là một trong số những báo cáo đầu tiên có chất lượng tốt, trong khi rất nhiều quốc gia thành viên gặp khó khăn trong thực hiện báo cáo này. Bên cạnh những kết quả đã đạt được, Báo cáo của Việt Nam thừa nhận còn nhiều vấn đề khó khăn mà Chính phủ Việt Nam sẽ tiếp tục cố gắng vượt qua để tuân thủ theo các điều khoản của công ước, điều này sẽ được đánh giá cao trong phiên bảo vệ tại ủy ban.
Báo cáo của Việt Nam đã được gửi đến Ủy ban chống tra tấn của Liên Hiệp Quốc để ủy ban xem xét và đăng công khai lên website của Văn phòng Cao ủy Nhân quyền Liên Hiệp Quốc. Đây là Báo cáo quốc gia về thực thi một trong chín công ước cốt lõi, cơ bản của Liên Hiệp Quốc, có nội dung quan trọng, liên quan trực tiếp đến công tác công an, thể hiện chính sách và pháp luật của Nhà nước ta trong chống tra tấn và các hình thức đối xử hoặc trừng phạt tàn bạo, vô nhân đạo hoặc hạ nhục con người. |