Theo báo cáo của Bộ NN&PTNT, xuất khẩu cà phê cả nước năm 2016 đạt 1,8 triệu tấn, giá trị gần 3,4 tỉ USD, tăng 34% về khối lượng và tăng 26% về giá trị so với năm 2015. Đức và Mỹ tiếp tục là hai thị trường tiêu thụ cà phê lớn nhất của Việt Nam với thị phần lần lượt là 15% và 13%.
Điều đáng chú ý là lượng xuất khẩu các sản phẩm cà phê chế biến (cà phê rang xay, hòa tan…) ngày càng nhiều. Cụ thể, trong năm nay xuất khẩu cà phê chế biến có thể đạt khoảng 350 triệu USD. Nhiều sản phẩm cà phê chế biến của Việt Nam được bạn hàng và thị trường thế giới ưa chuộng như G7 của Trung Nguyên đã đáp ứng được yêu cầu của đế chế bán lẻ toàn cầu Walmart và đang được bán trong hệ thống Siêu thị Walmart tại Chile, Brazil, Mexico và Trung Quốc. Vinacafe xuất khẩu trên 2.000 tấn cà phê hòa tan/năm đến 70 quốc gia và vùng lãnh thổ trên toàn thế giới.
Việt Nam đã ký các hiệp định thương mại tự do (FTA) với EU, Liên minh Kinh tế Á-Âu, Hàn Quốc… cũng tạo cơ hội đẩy mạnh xuất khẩu cà phê chế biến. Vì trước đây các sản phẩm cà phê chế biến phải chịu mức thuế cao 15%-20%, rất khó cạnh tranh được với các nước khác. Nhưng với những hiệp định thương mại tự do trên, cà phê chế biến của Việt Nam xuất khẩu sang các thị trường trên chỉ còn phải chịu thuế 0%-5%, vì vậy xuất khẩu vào các thị trường đã ký FTA sẽ trở nên dễ dàng, thuận lợi hơn.
Mục tiêu đến năm 2020 Việt Nam có từ 25% sản lượng cà phê nhân trở lên được chế biến thành các sản phẩm cà phê phục vụ trực tiếp cho tiêu dùng. Trong đó, sản lượng cà phê rang xay là 50.000 tấn/năm, cà phê hòa tan đạt 255.000 tấn/năm.