Sau những thông tin dồn dập về việc cá chết dạt vào bờ biển, một bộ phận người dân ngần ngại với cá, ngư dân, những người gắn liền với việc tiêu thụ cá biển, không khỏi hoang mang, lo lắng. “Hành động ra tận bến cá ăn cá biển vừa đánh bắt về của lãnh đạo các bộ, ngành và địa phương tại Đà Nẵng, Quảng Bình, Hà Tĩnh đã khiến chúng tôi yên tâm hơn. Nó vừa động viên, khích lệ tinh thần ngư dân, vừa khẳng định nguồn hải sản tươi sống được đánh bắt an toàn” - chị Hoàng Thị Oanh, du khách từ TP.HCM đến Đà Nẵng, nói.
“Được thu mua cá, yên tâm rồi!”
Nói thật là lúc tàu lênh đênh trên biển, mọi người đều chung tâm trạng hoang mang, lo lắng vì sợ mang hải sản về không ai mua. Chi phí mỗi chuyến đi biển lên đến hàng trăm triệu đồng gồm ngư cụ, nước đá, xăng dầu, thực phẩm... Hằng tháng trời vất vả mà sản phẩm làm ra không bán được thì đau lắm. Chỉ cần hai chuyến như vậy là có khi chúng tôi phải bán tàu để trả nợ.
Tàu vừa cập bến ở Quảng Bình, cá được kiểm nghiệm chất lượng và thu mua ngay tại chỗ. Ảnh: VIẾT LONG
Bản thân ngư dân cũng lo cho sức khỏe của người tiêu dùng nhưng vùng đánh bắt của chúng tôi rất xa bờ, nếu cơ quan chức năng kiểm duyệt, đánh giá chất lượng con cá, con mực câu được thì chúng tôi đỡ lo. Chỉ sợ vì tin đồn mà người mua quay lưng với hải sản, lúc đó tội cho ngư dân. Nay chính quyền đứng ra thu mua hải sản cho dân, đồng thời tổ chức kiểm nghiệm chất lượng ngay khi tàu mới vào bờ, vậy là đỡ lo rồi!
Ngư dân TRẦN VĂN BAN (Quảng Bình)
Hành động hơn ngàn lời nói
Mấy ngày qua, những thông tin về cá nhiễm độc đã làm chúng tôi lao đao vì không thể bán được cá. Người tiêu dùng không tin cũng có cái lý của họ, bởi họ không thể đem sức khỏe của gia đình mình ra “thử nghiệm”, nhất là những ngày đầu có những thông tin lẫn đồn thổi rất trái ngược nhau về nguyên nhân cá chết. Ngoài ra, lãnh đạo các cơ quan chức năng cũng chỉ nói mà không có một cam kết hay hành động nào để chứng minh cho lời nói của mình thì dân sao tin được. Chỉ khi các ngành cùng lãnh đạo địa phương thể hiện bằng hành động cụ thể và đưa ra cam kết thì người dân mới tin và quay lại dùng cá.
Chủ tàu LÊ THỊ HƯƠNG, phường Nại Hiên Đông, quận Sơn Trà (Đà Nẵng)
Không còn ngại ăn cá
Trước đây khi có thông tin về hiện tượng cá chết và mạng xã hội đưa ra đủ tin đồn khiến gia đình rất hoang mang và đành từ bỏ món cá. Người ta nói nào là cá nhiễm độc, ăn vào sẽ chết và mang bệnh nên rất sợ. Tuy nhiên, sau khi chứng kiến cảnh lãnh đạo TP Đà Nẵng không chỉ nói mà trực tiếp ăn cá, tắm biển, chúng tôi rất yên tâm. Bây giờ gia đình đã quay lại dùng cá. Mình đi chợ mua những con cá tươi sống được đánh bắt xa bờ ăn thì không còn lo ngại. Tôi cũng động viên người thân ăn hải sản, cứ mua ở chợ, ở nơi có uy tín là yên tâm.
Chị NGUYỄN THỊ LỆ, phường Nại Hiên Đông, quận Sơn Trà (Đà Nẵng)
mang lại niềm tin cho ngư dân
Trong lúc khó khăn nhất, chúng tôi đã nhận được sự hỗ trợ, giúp đỡ kịp thời của Chính phủ rồi chính quyền địa phương, hứa đứng ra thu mua hải sản cho ngư dân. Chính sách này cũng mang lại niềm tin cho ngư dân. Nếu được các ngân hàng giãn nợ hoặc cho vay ưu đãi để phục hồi các chuyến biển thua lỗ vừa qua thì quá tốt.
Ngư dân NGUYỄN VĂN THẾ, huyện Thuận An, Thừa Thiên-Huế
Chiều 30-4, Chủ tịch UBND TP Đà Nẵng Huỳnh Đức Thơ đã đề nghị các cán bộ, nhân viên tòa nhà trung tâm hành chính sử dụng cá biển trong các thực đơn bữa trưa. Đích thân ông Thơ sẽ ở lại dùng bữa cùng cấp dưới. |