Các Bộ trưởng Ngoại giao ASEAN quan ngại sâu sắc về căng thẳng biển Đông

Các Bộ trưởng Ngoại giao ASEAN quan ngại sâu sắc về căng thẳng biển Đông ảnh 1Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Ngoại giao Việt Nam Phạm Bình Minh (thứ 5, từ trái sang) chụp ảnh cùng các Ngoại trưởng ASEAN và Ngoại trưởng Trung Quốc Vương Nghị (thứ 6, trái) tại Hội nghị ASEAN-Trung Quốc. (Nguồn: THX/TTXVN)

Đó là các vấn đề như Cộng đồng ASEAN với ba trụ cột chính; tầm nhìn Cộng đồng ASEAN sau năm 2015; thúc đẩy các nguyên tắc, quy định và giá trị của ASEAN; vai trò trung tâm của ASEAN; thu hẹp khoảng cách phát triển và thúc đẩy hội nhập khu vực; cải cách hiệu quả các thể chế ASEAN; quan hệ giữa ASEAN với các đối tác bên ngoài; cũng như các vấn đề khu vực và quốc tế cùng quan tâm, trong đó vấn đề Biển Đông tiếp tục được nêu bật.

Các Bộ trưởng ngoại giao ASEAN bày tỏ quan ngại sâu sắc về những diễn biến gần đây làm gia tăng căng thẳng ở Biển Đông và khẳng định lại tầm quan trọng của việc duy trì hòa bình, ổn định, an ninh biển cũng như tự do hàng hải và hàng không ở Biển Đông. 

Các Bộ trưởng khẳng định lại các cam kết đối với những nguyên tắc nêu trong Tuyên bố Nguyên tắc 6 điểm về Biển Đông năm 2012 của các Bộ trưởng ngoại giao ASEAN, Tuyên bố chung năm 2012 của Hội nghị Cấp cao ASEAN-Trung Quốc lần thứ 15 về Kỷ niệm 10 năm Tuyên bố Ứng xử của các bên ở Biển Đông (DOC), và Tuyên bố ngày 10/5/2014 của các Bộ trưởng Ngoại giao ASEAN về những diễn biến gần đây trên Biển Đông.

Thông cáo chung "thúc giục các bên liên quan thực hiện kiềm chế và tránh các hành động gây phức tạp tình hình và làm phương hại đến hòa bình, ổn định và an ninh ở Biển Đông; giải quyết tranh chấp thông qua các biện pháp hòa bình, không đe dọa hoặc sử dụng vũ lực, bao gồm đối thoại thân thiện, tham vấn và thương lượng, phù hợp với các nguyên tắc được công nhận của luật pháp quốc tế, trong đó có Công ước Liên hợp quốc về Luật biển 1982 (UNCLOS)."

Các Bộ trưởng nhấn mạnh hơn nữa "tầm quan trọng về cam kết chung của các nước thành viên ASEAN và Trung Quốc đối với hòa bình, ổn định, an ninh hàng hải, tin cậy lẫn nhau trong khu vực, và sự cần thiết tạo lập các điều kiện thuận lợi cho việc giải quyết hòa bình các tranh chấp."

ASEAN nhất trí tăng cường tham vấn với Trung Quốc về các biện pháp và cơ chế nhằm đảm bảo cũng như tăng cường hơn nữa việc thực hiện đầy đủ và hiệu quả DOC một cách tổng thể, nhất là Điều 4 và Điều 5, cũng như đàm phán thực chất để sớm đạt được Bộ quy tắc ứng xử ở Biển Đông (COC).

Các quan chức cấp cao (SOM) đã được giao triển khai nội dung công tác này.

Thông cáo cũng ghi nhận Báo cáo tiến độ về thực hiện Tuyên bố DOC trình Hội nghị Bộ trưởng Ngoại giao ASEAN-Trung Quốc và giao các quan chức làm việc với phía Trung Quốc hoàn tất về các mục tiêu và cấu trúc cũng như cụ thể hóa các thành phần của COC, bao gồm các thành tố cụ thể nhằm thúc đẩy tin cậy và lòng tin, ngăn chặn sự số, quản lý sự cố khi xảy ra.

Bên cạnh đó, các Bộ trưởng ngoại giao cũng nhấn mạnh "tầm quan trọng của việc duy trì đà tham vấn và khẩn trương làm việc nhằm sớm đạt được COC, tiếp theo những kết quả mang tính xây dựng của Hội nghị SOM ASEAN-Trung Quốc lần thứ 7 về thực hiện DOC ngày 21/4 tại Pattaya, Thái Lan, và cuộc họp Nhóm công tác chung ASEAN-Trung Quốc lần thứ 10 và 11 về thực hiện DOC ngày 18/3/2014 tại Singapore và ngày 25/6/2014 tại Bali, Indonesia.

Ngoài ra, các Bộ trưởng Ngoại giao cũng trông đợi nhiều thảo luận thực chất hơn nữa tại Hội nghị SOM về DOC lần thứ 8 và cuộc họp Nhóm công tác chung về DOC thứ 12 cùng được tổ chức vào tháng 10/2014 tại Bangkok, Thái Lan.

Các Bộ trưởng Ngoại giao ASEAN cũng ghi nhận tài liệu về Kế hoạch Hành động 3 bước (TAP) do Philippines giới thiệu và các đề xuất khác liên quan Điều 5 đã được các Bộ trưởng Ngoại giao ASEAN đưa ra về vấn đề Biển Đông./.

Theo Vietnam+

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm