Các bộ trưởng, trưởng ngành ít tiếp công dân nhất

(PLO)- Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến với báo cáo của Chính phủ về công tác tiếp công dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo về hành chính năm 2024, sáng 26-9.

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam

Sáng 26-9, tiếp tục phiên họp thứ 37, Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến với báo cáo của Chính phủ về công tác tiếp công dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo về hành chính năm 2024.

Tại báo cáo gửi tới Quốc hội, Chính phủ đánh giá trong công tác tiếp công dân, người đứng đầu các cấp, các ngành đã nêu cao tinh thần, trách nhiệm trong công tác lãnh đạo, chỉ đạo tổ chức tiếp công dân và thực hiện ngày càng tốt hơn trách nhiệm tiếp công dân theo quy định.

Năm 2024, chủ tịch tỉnh đã tiếp trên 5.800 lượt công dân

Theo Chính phủ, Thủ trưởng các cơ quan hành chính nhà nước các cấp duy trì thực hiện nghiêm việc tiếp công dân định kỳ, đã tổ chức nhiều cuộc kiểm tra, làm việc với người đứng đầu các cơ quan, đơn vị và tăng cường tiếp xúc, đối thoại với công dân. Qua đó, kịp thời chỉ đạo, tháo gỡ những khó khăn vướng mắc trong giải quyết khiếu nại, tố cáo, đặc biệt là các vụ việc đông người, phức tạp.

Các bộ trưởng, trưởng ngành ít tiếp công dân nhất
Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến với báo cáo của Chính phủ về công tác tiếp công dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo về hành chính năm 2024. Ảnh: PHẠM THẮNG

Theo báo cáo, năm 2024, có gần 256.000 lượt người đến cơ quan hành chính nhà nước khiếu nại, tố cáo, kiến nghị, phản ánh. Tổng số người được tiếp là hơn 280.500 người về gần 206.400 vụ việc, có 2.024 đoàn đông người.

Đáng chú ý, Thanh tra Chính phủ chủ trì, phối hợp với các cơ quan chức năng thực hiện tốt công tác tiếp công dân thường xuyên tại Trụ sở Tiếp công dân Trung ương ở Hà Nội và TP.HCM. Cụ thể, đã tiếp trên 3.740 lượt với gần 8.630 người đến trình bày về hơn 3.100 vụ việc, có 245 đoàn đông người.

Các bộ, ngành đã tiếp gần 45.500 lượt, với trên 48.200 người được tiếp về gần 28.340 vụ việc, có 91 đoàn đông người .

Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang Bộ thực hiện tiếp công dân 157 ngày (đạt 92% số ngày tiếp theo quy định), với 220 lượt công dân được tiếp; trong đó, trực tiếp tiếp công dân 93 ngày (59%), ủy quyền 64 ngày (41%).

Chủ tịch UBND cấp tỉnh thực hiện tiếp công dân 567 ngày (đạt 97% số ngày tiếp theo quy định) với trên 5.800 lượt công dân được tiếp, trong đó trực tiếp tiếp công dân 467 ngày (82%), ủy quyền 100 ngày (18%)…

Chủ tịch UBND cấp huyện thực hiện tiếp công dân gần 13.140 ngày (đạt 95% số ngày tiếp theo quy định), với gần 28.250 lượt công dân được tiếp, trong đó trực tiếp tiếp công dân gần 11.100 ngày (84%), ủy quyền gần 2.050 ngày (16%).

Chủ tịch UBND cấp xã thực hiện tiếp công dân gần 318.400 ngày (đạt 84% số ngày tiếp theo quy định), với gần 60.650 lượt công dân được tiếp; trong đó trực tiếp tiếp công dân gần 293.000 ngày (92%), ủy quyền tiếp công dân hơn 25.500 ngày (8%).

Chủ tịch xã “chăm” tiếp công dân hơn chủ tịch tỉnh

Thẩm tra nội dung này, Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Hoàng Thanh Tùng nhận xét báo cáo của Chính phủ chưa đầy đủ, mới phản ánh được kết quả thực hiện của 45/63 địa phương. Điều này dẫn đến khó đánh giá sát được tình hình công tác tiếp công dân và giải quyết khiếu nại, tố cáo năm 2024.

Thường trực Ủy ban Pháp luật đánh giá số đoàn đông người năm 2024 có thể không tăng, tuy nhiên số đoàn đông người đến Thanh tra Chính phủ lại tăng rất mạnh (so với năm 2023 có 107 đoàn, bằng 229%). Trong khi đó, số đoàn đông người đến các Bộ, ngành lại giảm mạnh (so với năm 2023 có 202 đoàn, giảm 55%).

“Đề nghị Chính phủ làm rõ nguyên nhân của tình hình này để có giải pháp phù hợp xử lý, khắc phục” - ông Hoàng Thanh Tùng nói.

Chu-nhiem-Uy-ban-Phap-luat-Hoang-Thanh-Tung26-9.jpg
Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Hoàng Thanh Tùng. Ảnh: PHẠM THẮNG

Mặt khác, Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật cho rằng Chính phủ nhận định người đứng đầu các cấp, các ngành thực hiện ngày càng tốt hơn trách nhiệm tiếp công dân theo quy định... Tuy nhiên, số liệu trong Báo cáo cho thấy tình trạng thủ trưởng cơ quan ủy quyền tiếp công dân tại Bộ, ngành, địa phương vẫn còn nhiều.

Cơ quan thẩm tra cho rằng báo cáo Chính phủ chưa chỉ ra cụ thể Bộ, ngành, địa phương, người đứng đầu cơ quan, địa phương chưa thực hiện nghiêm quy định về trách nhiệm tiếp công dân; chưa đề cao trách nhiệm trong việc thực hiện tiếp xúc, đối thoại trực tiếp với Nhân dân, nhất là để giải quyết những vụ việc, vấn đề nổi cộm, bức xúc…

Trong khi đó, Đề cương xây dựng Báo cáo đã yêu cầu việc này để làm rõ trách nhiệm và có giải pháp khắc phục.

Đánh giá việc trực tiếp tiếp công dân của Thủ trưởng cơ quan hành chính nhà nước, Thường trực cơ quan thẩm tra cho rằng Chủ tịch UBND cấp xã “thực hiện tốt nhất”, trực tiếp tiếp 92%, ủy quyền tiếp 8%.

Các thứ tự lần lượt tiếp theo là chủ tịch UBND cấp huyện và chủ tịch UBND cấp tỉnh. Thực hiện thấp nhất là bộ trưởng, thủ trưởng cơ quan ngang bộ, chỉ trực tiếp tiếp 59%, còn lại ủy quyền 41%.

“Tình trạng ủy quyền tiếp công dân tại bộ, ngành, địa phương vẫn còn nhiều”- cơ quan thẩm tra nhận định.

Khiếu nại, tố cáo tiềm ẩn khả năng diễn biến phức tạp trong năm 2025

Tại báo cáo gửi Quốc hội, Chính phủ dự báo năm 2025, tình hình khiếu nại, tố cáo tiếp tục tiềm ẩn khả năng diễn biến phức tạp. Một trong những lý do, theo Chính phủ, đây là năm tập trung tổ chức Đại hội Đảng các cấp, tiến tới Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XIV,

Chính phủ cũng nhận định khiếu nại, tố cáo hành chính liên quan đến đất đai tiếp tục chiếm tỉ lệ lớn, nhất là ở các địa phương đã và đang thực hiện các dự án đầu tư công lớn, có tốc độ đô thị hóa cao, có nhiều dự án đầu tư liên quan đến thu hồi, bồi thường giải phóng mặt bằng.

Cạnh đó là những khiếu kiện liên quan đến các lĩnh vực tài chính, ngân hàng, bất động sản, đất nông lâm trường, chế độ chính sách xã hội, lao động, việc làm và liên quan đến nhân sự đại hội các cấp...

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm