Chánh Thanh tra TP.HCM Trần Văn Bảy: Ai tiếp công dân 'cho có' thì phải kỷ luật nghiêm

(PLO)- Chánh Thanh tra TP.HCM Trần Văn Bảy cho biết qua các báo cáo, chưa có trường hợp nào bị kỷ luật về việc tiếp công dân không nghiêm túc, không thực chất, làm cho có.

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam

Chiều 14-6, Học viện Cán bộ TP.HCM, Đảng ủy Khối Dân – Chính - Đảng TP.HCM đã tổ chức hội thảo khoa học nâng cao hiệu quả thực hiện dân chủ cơ sở ở cơ quan, đơn vị.

tiep-cong-dan-2.JPG
Toàn cảnh hội thảo về dân chủ cơ sở tại Học viện Cán bộ TP.HCM. Ảnh: L.THOA

Tiếp công dân bằng thư mời gây nặng nề

Tại hội thảo, Chánh Thanh tra TP.HCM Trần Văn Bảy nhìn nhận “dân chủ cơ sở” là thuật ngữ quen thuộc nhưng khi theo dõi, soi rọi vào công việc của từng cá nhân, tổ chức gắn với chức năng nhiệm vụ thì thấy rằng cần phải quan tâm nhiều hơn để dân chủ cơ sở thực chất hơn, đi vào thực tiễn cuộc sống hơn.

Ông Trần Văn Bảy cho rằng công tác tiếp công dân và giải quyết đơn thư khiếu nại đúng quy định là việc rất quan trọng của tất cả cơ quan, đơn vị.

Tại Thanh tra TP, thông qua công tác tiếp dân đã nắm toàn bộ tình tiết, diễn biến vụ việc để nhận định, đánh giá chứng cứ một cách khách quan, toàn diện. Qua đó giúp đề xuất, kiến nghị cơ quan có thẩm quyền giải quyết khiếu nại hợp tình, hợp lý, hạn chế khiếu kiện, khiếu nại kéo dài.

Chánh Thanh tra TP.HCM Trần Văn Bảy: Ai tiếp công dân 'cho có' thì phải kỷ luật nghiêm
Chánh Thanh tra TP.HCM Trần Văn Bảy đề nghị phải linh hoạt hình thức tiếp công dân. Ảnh: L.THOA

Ông Bảy nhìn nhận việc bố trí lịch tiếp công dân tưởng chừng là việc đơn giản nhưng nhiều người đứng đầu địa phương đã bày tỏ những băn khoăn.

Từ thực tiễn từng công tác ở địa phương, đối diện với hàng loạt vụ khiếu kiện, khiếu nại đông người, ông Trần Văn Bảy cho biết theo quy trình phải bố trí lịch tiếp công dân định kỳ, công khai cho người dân biết để đăng ký, phát hành thư mời người dân.

Song, “đùng một cái”, người đứng đầu nhận thư mời họp của cấp trên nên phải làm văn bản hoãn lịch tiếp công dân. “Một số người dân thông cảm nhưng nhiều trường hợp người dân bức xúc cho rằng chính quyền đang né tránh” – Chánh Thanh tra TP.HCM Trần Văn Bảy nói.

Chính vì vậy ông đề nghị trong một tuần nên dành một buổi không triệu tập họp đối với người đứng đầu cấp ủy, chính quyền, cơ quan tham mưu. Điều này sẽ giúp những người đứng đầu có thời gian xuống dân gặp gỡ, đối thoại, nắm tình hình và đặc biệt là tiếp công dân.

Ông Trần Văn Bảy cũng đề nghị cơ quan, đơn vị quan tâm bồi dưỡng kiến thức kỹ năng tiếp công dân, nhất là đối với người đứng đầu, người quy hoạch đứng đầu.

“Tôi được biết một số ít trường hợp người đứng đầu phân công cho cấp phó tiếp dân, giải quyết đơn mà không trực tiếp làm. Đó là vi phạm pháp luật, chưa thực hiện đầy đủ trách nhiệm của người đứng đầu” - ông Bảy nêu và cho rằng cần linh hoạt trong các hình thức tiếp công dân bởi đôi khi tiếp dân bằng hình thức khác linh hoạt hơn lại hiệu quả hơn nhiều.

“Hiện nay chúng ta tiếp dân phải bằng thư mời, rất nặng nề, hai bên cảnh giác cao, rất căng thẳng” – ông Bảy nói.

Ông kể có lần ông đề nghị xuống dân vào ban đêm nhưng công an khuyên không nên. Vậy nhưng tôi nghĩ mình xuống là giải quyết công việc cho dân thì không có gì phải sợ.

Chánh Thanh tra Trần Văn Bảy cho biết qua các báo cáo của các đoàn thanh tra, kiểm tra có chỉ ra chỗ này chỗ kia thiếu sót về công tác tiếp công dân nhưng chưa có trường hợp nào bị kỷ luật về việc tiếp công dân.

“Chúng ta phải hết sức rõ ràng, ai làm tốt phải tôn vinh, khen thưởng, ai làm không nghiêm túc, không thực chất, làm cho có, không thực lòng với dân thì phải có biện pháp kỷ luật nghiêm minh” – ông Bảy nhấn mạnh và cho biết có trường hợp được nhắc nhở, chủ yếu phê bình, kiểm điểm chứ chưa có biện pháp cảnh tỉnh.

tiep-cong-dan-3.jpg
Chánh Thanh tra TP.HCM Trần Văn Bảy đề nghị ai không tiếp dân thực lòng thì phải được xử lý nghiêm. Ảnh minh họa: THUẬN VĂN

Nhận thức sai nên thực hành sai

Ths Đặng Thị Duy Tư, Phó Trưởng khoa Nhà nước và Pháp luật, Học viện Cán bộ TP.HCM, cho rằng việc thực hiện dân chủ cơ sở hiện nay vẫn bất cập.

Theo bà Tư, một số cá nhân, đơn vị thực hành sai dân chủ, coi dân chủ là phương tiện để đạt đến tập trung, độc đoán, độc tài và thể hiện uy quyền, lạm quyền, không muốn lắng nghe cấp dưới.

Bà nhìn nhận do nhận thức dân chủ sai dẫn đến thực hiện sai; người đứng đầu chưa nêu gương dân chủ còn cán bộ, công chức chưa có kỹ năng thực hành dân chủ.

Ths Đặng Thị Duy Tư đề nghị phải nâng cao trách nhiệm của người đứng đầu trong thực hiện dân chủ cơ sở. Trong đó, phải thực hành phong cách lãnh đạo khoa học, dân chủ, thực sự là hạt nhân đoàn kết, quy tụ, tạo động lực và phát huy trí tuệ tổ chức.

Cán bộ, công chức phải có trách nhiệm bàn và quyết định, tham gia ý kiến trước khi người đứng đầu quyết định. Các hội nghị phải là diễn đàn phát huy dân chủ trực tiếp của cán bộ.

“Phải thực hiện đúng nguyên tắc tập trung dân chủ, loại trừ hiện tượng dân chủ hình thức; chống hiện tượng lợi dụng tập trung dân chủ để độc đoán, chuyên quyền, phe cánh, bè phái, gây mất đoàn kết nội bộ…” – Ths Tư đề xuất.

Đáng chú ý, Phó Trưởng khoa Nhà nước và Pháp luật khẳng định phải lựa chọn được người có phẩm chất, năng lực tốt, bản lĩnh và không ngại va chạm vào Ban Thanh tra nhân dân…

PGS.TS NGUYỄN TẤN PHÁT Giám đốc Học viện Cán bộ TP.HCM:

Dân chủ làm hạn chế tham nhũng, tiêu cực

Khi dân chủ cơ sở được mở rộng và thực thi đầy đủ sẽ là điều kiện quan trọng để tạo nên sự đồng thuận, góp phần xây dựng môi trường làm việc dân chủ, tạo động lực phát triển cho cơ quan, đơn vị.

Thực hiện dân chủ cơ sở còn phát huy được tính năng động, sáng tạo của đội ngũ cán bộ, công chức. Điều này cũng đòi hỏi cơ quan, đơn vị phải công khai, minh bạch nhiều nội dung, sẽ góp phần quan trọng trong việc hạn chế tham nhũng, tiêu cực.

***

Ông LÊ NGUYỄN HỒNG QUANG, Trưởng Ban Tổ chức Ủy ban MTTQ Việt Nam TP.HCM:

Lấy ý kiến hài lòng của dân chưa khách quan

Thời gian qua, Ủy ban MTTQ Việt Nam TP.HCM đã phối hợp với Sở Nội vụ khảo sát độc lập việc các cơ quan nhà nước lấy ý kiến hài lòng đối với người dân.

Hầu hết theo báo cáo của các cơ quan, chỉ số hài lòng của người dân đều đạt trên 99%. Song khi khảo sát thực tế tại bộ phận một cửa, chúng tôi nhận thấy đều có màn hình đánh giá, lấy ý kiến hài lòng, hiển thị các mặt cười, mặt mếu…

Khi người dân đến nhận lại hồ sơ, cán bộ trả hồ sơ cứ nhìn như vậy thì đa số người dân sẽ bấm chọn mặt cười khiến việc lấy ý kiến hài lòng có phần nào đó chưa thực sự khách quan.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm