Các chuyên gia kỳ vọng Pháp Luật TP.HCM tiếp tục xây dựng, phản biện và lan toả chính sách

Các chuyên gia kỳ vọng Pháp Luật TP.HCM tiếp tục xây dựng, phản biện và lan toả chính sách

(PLO)- Các chuyên gia kỳ vọng báo Pháp Luật TP.HCM có nhiều diễn đàn, cung cấp kịp thời cho bạn đọc các thông tin về chủ trương, chính sách quan trọng của TP.

Trong suốt hành trình 33 năm phụng sự bạn đọc, báo Pháp Luật TP.HCM đã nhận được sự đồng hành, chia sẻ từ đội ngũ chuyên gia ở nhiều lĩnh vực khác nhau. Đặc biệt, các chuyên gia đã có nhiều hiến kế, góp ý, phản biện, giúp báo thực hiện tốt nhiệm vụ tuyên truyền các chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước và của TP.HCM.

Nhân dịp 33 năm ngày thành lập báo (17-9-1990- 17-9-2023), các chuyên gia thân thiết đã gửi gắm nhiều trăn trở để báo ngày càng phát triển, hoàn thành tốt nhiệm vụ chính trị của mình.

Nỗ lực đóng góp để xây dựng, lan toả chính sách

Báo Pháp Luật TP.HCM là một trong ít tờ báo có đóng góp trực tiếp cho công tác xây dựng, tuyên truyền, phổ biến, lan tỏa cơ chế, chính sách phát triển TP.

Những nội dung được trình bày, đưa tin ở báo đều đạt được những yêu cầu của một tờ báo chính thống, đáng tin cậy.

Thứ nhất, tính thời sự, điều này được thể hiện rất rõ khi đọc báo Pháp Luật TP.HCM. Các vấn đề trọng tâm, trọng điểm của TP.HCM nói riêng và cả nước nói chung đều được báo cập nhật, đưa tin kịp thời.

Đơn cử, thời gian qua, TP.HCM là đô thị có nhiều cơ chế, chính sách cần xem xét, thảo luận, bàn bạc, đề xuất thì báo đã rất nhanh nhạy đưa tin và đánh giá từng lộ trình của các cơ chế, chính sách ngay từ khi mới có những dự thảo đầu tiên đến giai đoạn thông qua và tổng kết. Điều này được thấy rất rõ trong hàng loạt các bài viết về cơ chế đặc thù cho TP, mô hình chính quyền đô thị, TP Thủ Đức, thí điểm thi tuyển công chức quản lý, tổ chức lại đơn vị hành chính quận, phường hay câu chuyện nhân sự phường ở phường, xã đông dân…

p3-ts-nguyen-thien-tri.jpg
TS Nguyễn Thị Thiện Trí, Đại học Luật TP.HCM, là chuyên gia thường xuyên góp ý, hiến kế cho các chủ trương, chính sách phát triển TP.HCM. Ảnh: VT

Thứ hai, đóng góp cho các chính sách của TP.HCM, các bài viết của báo còn có tính dự báo của các thông tin được truyền tải. Có thể nói những vấn đề được đặt ra ở tờ báo không chỉ là vấn đề hiện có, mà là những dự án, đề án, những chính sách dưới dạng dự thảo, đề xuất, hay những ý kiến khoa học, những đề xuất hợp lý, có tính ứng dụng, thực tiễn cao cũng được báo chú trọng phát triển ở phương diện thông tin mang tính dự báo. Gần đây nhất là loạt bài đóng góp cho cơ chế đặc thù theo Nghị quyết 98/2023 trước, trong và sau Kỳ họp thứ 5 của Quốc hội khóa XV.

Thứ ba, để đóng góp cho các chính sách của TP.HCM, tính chuyên môn là một trong những thế mạnh và ưu điểm nổi bật của báo. Những câu chuyện chính sách của TP hay cả nước không chỉ được phân tích dưới dạng thông tin, sự kiện nhằm bảo đảm tính khách quan, trung thực mà còn chú trọng đặc biệt đến tính chuyên môn khi đánh giá, phân tích, bình luận các vấn đề thực tiễn đang diễn ra.

Do đó, các bình luận, phân tích của báo ngoài giá trị thông tin còn cung cấp đáng kể một lượng tri thức khoa học đậm tính chuyên môn, có thể là nguồn tham khảo đáng tin cậy của các nhà hoạt động thực tiễn như đại biểu Quốc hội, nhà quản lý địa phương, cơ quan tư pháp và cả những nhà nghiên cứu giảng dạy, học tập như Giảng viên, học viên, sinh viên chuyên ngành luật.

Vì lẽ đó, Pháp Luật TP.HCM cũng là một trong ít tờ báo có đội ngũ cộng tác là những chuyên gia pháp lý như luật sư, thẩm phán, kiểm sát viên, nghiên cứu viên, giảng viên và nhiều học giả pháp lý.

Với vị trí là một trong những tờ báo tin cậy ở phía Nam và đặc biệt là TP.HCM, chúng tôi kỳ vọng Pháp Luật TP.HCM tiếp tục duy trì và phát huy hơn nữa giá trị thông tin, truyền thông, giá trị khoa học, chuyên môn hiện có trong việc đóng góp chính sách phát triển địa phương.

tp.hcm-tien-1.jpg
Các chuyên gia khẳng định Pháp Luật TP.HCM đã nỗ lực truyền thông các chủ trương, chính sách của TP.HCM. Ảnh: NGUYỄN TIẾN

Để hoàn thiện hơn trong vai trò là cơ quan ngôn luận trong truyền thông chính sách và đồng hành cùng người dân, doanh nghiệp tại TP.HCM, đặc biệt là đóng góp vào việc xây dựng, hoàn thiện các chủ trương chính sách, cũng như đóng góp vào sự phát triển của TP thì thiết nghĩ, báo cũng cần chú trọng nhiều hơn ở các nội dung.

Cụ thể là các phân tích, đánh giá mang tính phản biện chính sách thông qua những vụ việc cụ thể phát sinh ở TP.HCM. Đó là nguồn tin quan trọng để góp phần gọt giũa và hoàn thiện chính sách qua thời gian.

Đặc biệt những vướng mắc pháp luật hoặc vướng mắc trong thực tiễn tổ chức thực hiện pháp luật mà trong đó người dân và doanh nghiệp là đối tượng bị tác động, ảnh hưởng.

Tiếp đó là các gợi mở chính sách mới ở địa phương từ đề xuất của người dân hoặc các chuyên gia - đó là nguồn tin quan trọng để chính quyền TP.HCM hoặc các địa phương đặt vấn đề xem xét bổ sung, sửa đổi các chính sách phù hợp với yêu cầu thực tiễn.

Ngoài ra, báo cần có thêm những bài viết mang phong cách tuyên truyền chính sách kèm theo những lý giải về tính hợp lý, về giá trị, đóng góp của chính sách cho sự phát triển địa phương.

Đặc biệt là lợi ích được nhìn thấy từ chính sách dành cho người dân, từ đó lan tỏa thông điệp tích cực của chính sách mới, giúp các chính sách mới nhận được sự đồng thuận, ủng hộ cao của người dân.

Chẳng hạn, hiện các địa phương tại TP.HCM đang lấy ý kiến người dân để sắp xếp đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã, khu phố, ấp. Đây là chính sách lớn rất cần sự tương hỗ của người dân để thành công.

Theo đó, cần có những loạt bài phân tích và minh chứng về tính hợp lý, chính đáng của chính sách trong cải cách và đặc biệt là những giá trị về chính trị, kinh tế, xã hội mà chính sách mang lại, từ đó tạo ra sự lan tỏa và ủng hộ chính sách từ người dân.

TS NGUYỄN THỊ THIỆN TRÍ, Giảng viên Đại học Luật TP.HCM

*******

Trở thành kênh phản biện, tư vấn chính sách

Là một người học tập, nghiên cứu và giảng dạy về quản lý nhà nước, chính sách, pháp luật nên báo Pháp Luật TP.HCM từ lâu đã trở thành một trong những trang báo tôi hay đọc và tìm kiếm thông tin.

Theo thời gian, cá nhân tôi nhận thấy báo ngày càng phát triển, có nhiều chuyên mục mang tính thời sự, kịp thời truyền tải những thông tin mới, hữu ích đến bạn đọc.

ts-bui-ngoc-hien.jpg
TS Bùi Ngọc Hiền, Học viện Cán bộ TP.HCM, gợi ý cho báo mở các chuyên mục tăng cường phản biện chính sách, đóng góp vào sự phát triển của TP.HCM. Ảnh: TIÊN NGÔ

Thời gian gần đây, báo đã có nhiều bài viết tham gia truyền thông, phản biện các chủ trương, chính sách phát triển TP.HCM như: Nghị quyết 131/2020 của Quốc hội về tổ chức chính quyền đô thị tại TP.HCM; Nghị quyết 31/2022 của Bộ Chính trị về phương hướng, nhiệm vụ phát triển TP.HCM đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045; Nghị quyết 98/2023 của Quốc hội về thí điểm cơ chế, chính sách đặc thù phát triển TP.HCM… và các lĩnh vực, hoạt động thực tiễn trên địa bàn TP như xây dựng chính quyền đô thị, cải cách hành chính, thực thi chính sách, pháp luật…

Để Pháp Luật TP.HCM ngày càng phát triển, đặc biệt đóng góp nhiều hơn vào sự phát triển chung của TP, với tư cách là một độc giả, tôi mong muốn báo có thêm nhiều diễn đàn, nội dung hấp dẫn hơn nữa để trở thành một kênh thông tin gần gũi, hữu ích với các tầng lớp độc giả, cung cấp kịp thời những hơi thở, nhịp sống của TP trong tiến trình phát triển.

tp thu duc-tien.jpg
Các chuyên gia đánh giá báo Pháp Luật TP.HCM đã có nhiều bài viết tuyên truyền cho TP Thủ Đức. Ảnh: NGUYỄN TIẾN

Trên tinh thần này, tôi kiến nghị thời gian tới, báo có thể nghiên cứu xây dựng thêm hai chuyên mục. Cụ thể:

- Chuyên mục Thực tiễn chính sách: Cung cấp các thông tin phản ánh tình hình thực thi chính sách, pháp luật trên thực tiễn; những bất cập, xung đột pháp lý trong thực thi các chính sách, pháp luật hiện hành.

- Chuyên mục Nhu cầu chính sách: Cung các thông tin dự báo về nhu cầu xây dựng, hoàn thiện chính sách, pháp luật; kinh nghiệm quốc tế trong chủ động xây dựng, thực thi chính sách, pháp luật đáp ứng yêu cầu định hướng, quản lý, kiểm soát xã hội trong kỷ nguyên số.

Bởi trong bối cảnh hiện nay, nhiều vấn đề mới phát sinh, đặt ra nhiều thách thức trong quản lý xã hội, nếu các chuyên mục này được quan tâm, đầu tư phát triển, tôi cho rằng sẽ góp phần khẳng định được giá trị, thương hiệu của báo.

Để thực hiện được mục tiêu này, báo có thể xây dựng và gắn kết với các cơ quan xây dựng, hoạch định, thực thi chính sách, pháp luật; các tổ chức nghiên cứu. Đồng thời, xây dựng mạng lưới chuyên gia, nhà khoa học để cung cấp thông tin đa chiều với những góc nhìn khác nhau, đặc biệt là các thông tin dự báo, đề xuất nhu cầu chính sách, pháp luật; các thông tin phản biện chính sách, pháp luật…

TS BÙI NGỌC HIỀN, Học viện Cán bộ TP.HCM

*******

Thẳng thắn, dũng cảm đấu tranh chống tiêu cực

Pháp Luật TP.HCM là một tờ báo có nhiều độc giả, đối tượng độc giả rất đa dạng bởi nội dung của các chuyên mục, các bài viết đáp ứng được nhu cầu tiếp nhận thông tin cũng như những vấn đề mà bạn đọc quan tâm.

Với vai trò là cơ quan ngôn luận trong truyền thông đường lối, chủ trương của Đảng, Nhà nước, báo đã thông tin chính xác, đầy đủ, kịp thời đường lối, chủ trương, góp phần làm tốt công tác tư tưởng, tuyên truyền của Đảng.

chuyen-gia-tran-thi-ha-van.jpg
TS Trần Thị Hà Vân, Học viện Cán bộ TP.HCM thường xuyên đồng hành cùng báo Pháp Luật TP.HCM trong các bài viết về công tác cán bộ, phòng chống tham nhũng, tiêu cực. Ảnh: HÀ VÂN

Cạnh đó, với nhiều bài viết sắc sảo, tờ báo đã góp phần làm rõ những điểm mới và đánh giá kết quả việc thực hiện đường lối, chủ trương trong thực tiễn.

Thời gian qua, báo cũng đã có nhiều tuyến thông tin về công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng, như công tác cán bộ; xây dựng tổ chức đảng, đảng viên; đặc biệt, nhiều bài viết đã phân tích, nhìn nhận, đánh giá và kịp thời đăng tin những vụ việc sai phạm trong công tác cán bộ.

Báo cũng rất dũng cảm trong nhận diện, đấu tranh chống tham nhũng, tiêu cực; không ngại khó khi tiếp cận những vụ việc phức tạp. Đã có không ít những vụ việc cán bộ, đảng viên vi phạm được phát hiện thông qua các bài báo.

Nhiều thông tin của báo đã góp phần làm cơ sở để cơ quan chức năng thanh tra, kiểm tra, kết luận và xử lý.

Pháp Luật TP.HCM còn là một trong ít những tờ báo đã thẳng thắn, dũng cảm đấu tranh, góp phần tích cực vào cuộc chiến chống tham nhũng, tiêu cực.

hop-mat-giang-1.jpg
Báo Pháp Luật TP.HCM đã họp mặt với các chuyên gia thân thiết nhân kỷ niệm 33 năm ngày thành lập báo. Ảnh: HOÀNG GIANG

Tôi cũng mong thời gian tới, báo có thêm nhiều bài viết về bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng, đấu tranh phản bác các quan điểm sai trái thù địch; dành dung lượng nhiều hơn cho các bài viết về những chủ trương, chính sách đặc thù của TP, những vấn đề đặt ra và kết quả đạt được trong tổ chức thực hiện.

Hy vọng, với đội ngũ phóng viên, biên tập viên có “tâm sáng, lòng trong, bút sắc”, Pháp Luật TP.HCM sẽ có nhiều bài viết sắc sảo, chất lượng, thuyết phục, thông tin kịp thời các hoạt động chính trị, xã hội, những vấn đề mà cán bộ, đảng viên và người dân quan tâm, góp phần nâng cao hiệu quả công tác tuyên truyền của Đảng.

TS TRẦN THỊ HÀ VÂN, Trưởng khoa Xây dựng Đảng, Học viện Cán bộ TP.HCM


Đọc thêm