Tối 8-9, báo Pháp Luật TP.HCM đã tổ chức buổi họp mặt với các chuyên gia thân thiết nhân kỷ niệm 33 năm ngày thành lập báo.
Các chuyên gia chia sẻ những kỷ niệm đáng nhớ trong quá trình đồng hành cùng báo Pháp Luật TP.HCM. Ảnh: HOÀNG GIANG |
Dùng thông tin trên báo để nói lên ý kiến tại Quốc hội
Chia sẻ tình cảm với báo Pháp Luật TP.HCM, đại biểu Quốc hội - luật sư (LS) Trương Trọng Nghĩa, Phó Chủ nhiệm Đoàn LS TP.HCM, nhắc nhớ thời điểm bắt đầu đồng hành với báo là lúc ông vừa tốt nghiệp thạc sĩ từ Mỹ.
Đại biểu Quốc hội - luật sư Trương Trọng Nghĩa, Phó Chủ nhiệm Đoàn LS TP.HCM |
LS Nghĩa nhìn nhận mỗi tin, bài của báo Pháp Luật TP.HCM luôn hướng đến phục vụ người dân theo cách rất dễ hiểu và giúp những người hoạt động trong lĩnh vực pháp luật có thêm kênh thông tin để tham chiếu.
Báo cũng giúp các cơ quan quản lý nhà nước, cơ quan tố tụng thấy được các vấn đề bức xúc từ thực tiễn của người dân, buộc chính quyền và các cơ quan tố tụng phải quan tâm, giải quyết.
LS Nghĩa cho biết báo Pháp Luật TP.HCM là một trong những tờ báo chính thống mà ông luôn tìm đọc, dùng thông tin trên báo để bổ sung cho luận cứ của mình, trình bày ý kiến tại nghị trường Quốc hội.
Dẫn chứng một vụ oan sai ở Sóc Trăng mà báo Pháp Luật TP.HCM đã từng tường thuật, phản ánh, LS Nghĩa chia sẻ: “Cái hay của báo là kể lại được người đó bị bức cung, nhục hình như thế nào. Rất cụ thể chứ không phải chỉ là một bản tin đơn thuần. Khi tôi lấy thông tin từ báo thì không ai bắt bẻ được cả” và ông cho rằng các thông tin đó đem lại sự thuyết phục, góp phần trong việc cải cách tư pháp và sự ra đời BLTTHS 2015 với nhiều điểm tiến bộ.
LS Nghĩa khẳng định báo Pháp Luật TP.HCM đã có những đóng góp tích cực vào việc đưa các nghị quyết, quy định của pháp luật đi vào cuộc sống, có những tác động tích cực vào quá trình lập pháp.
Cũng tại buổi họp mặt, TS Trương Minh Huy Vũ, Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu phát triển TP.HCM, cho biết ông bắt đầu gắn bó với báo Pháp Luật TP.HCM cách đây 10 năm. Khi đó ông còn là sinh viên nghiên cứu về luật pháp quốc tế, thường cùng bạn bè trò chuyện, thảo luận trên các diễn đàn.
TS Trương Minh Huy Vũ, Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu phát triển TP.HCM |
“Tôi gửi lời cảm ơn và tri ân báo đã tạo điều kiện cho đội ngũ nghiên cứu, các nhà khoa học trẻ có điều kiện nói lên tiếng nói của mình trên diễn đàn báo chí” - TS Vũ nói và khẳng định ngoài việc gỡ rối cho TP về luật pháp, chủ trương, chính sách thì báo Pháp Luật TP.HCM cũng đón đầu những xu hướng về đổi mới sáng tạo, công nghệ số và chuyển đổi xanh.
TS Vũ cũng đã đặt hàng báo Pháp Luật TP.HCM có thêm nhiều bài viết tuyên truyền về Nghị quyết 98/2023 của Quốc hội về thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển TP.HCM, trong đó nhấn mạnh nội dung xây dựng phát triển TP.HCM thành chính quyền đô thị đúng nghĩa.
Đồng hành để báo có vị thế hôm nay
Tại buổi họp mặt, Phó Tổng Biên tập thường trực báo Pháp Luật TP.HCM Nguyễn Đức Hiển gửi lời cảm ơn đến quý chuyên gia, các nhà lãnh đạo, nhà quản lý về những tình cảm đã dành cho báo trong suốt thời gian qua.
Theo ông Nguyễn Đức Hiển, suốt quá trình phát triển của mình, báo Pháp Luật TP.HCM luôn coi năng lực của đội ngũ chuyên gia là tài sản lớn nhất.
“Năng lực của một tờ báo mãi mãi chỉ dừng lại ở mức đưa tin, giá trị thông tin sẽ không tăng lên được, tầm vóc các đề tài sẽ không lớn lên được và nhiều nhiệm vụ chúng tôi sẽ không thực hiện được nếu không có các chuyên gia, cộng tác viên” - ông Hiển nhấn mạnh.
Ông Nguyễn Đức Hiển, Phó Tổng Biên tập thường trực báo Pháp Luật TP.HCM |
Ông Hiển cho biết những chuyên gia của báo là những nhà chuyên môn ở nhiều lĩnh vực, đã giúp báo có những bình luận, phân tích sâu sắc; những góc nhìn bình tĩnh, quyết liệt với kiến thức và tư duy sắc bén.
Đó còn là những vị cán bộ lãnh đạo, quản lý, chuyên viên ở các cơ quan quản lý nhà nước.
“Họ vừa hỗ trợ vừa đặt hàng, liên tục đưa ra cho những người làm báo Pháp Luật TP.HCM những mục tiêu, thách thức từ thực tiễn và đồng hành, hỗ trợ chúng tôi hướng tới và vượt qua những thách thức, những mục tiêu đó” - ông Hiển nói và khẳng định chính đội ngũ chuyên gia đã giúp báo Pháp Luật TP.HCM có thêm thật nhiều năng lượng, trí tuệ và đồng hành để tờ báo có vị thế hôm nay.
Đặc biệt, chính các chuyên gia, bằng lao động miệt mài, sự đồng cảm lớn lao, sự góp ý chân tình đã cổ vũ con đường phụng sự xã hội của báo chí, trong đó có báo Pháp Luật TP.HCM.
Phó Tổng Biên tập thường trực Nguyễn Đức Hiển cũng nhìn nhận các chuyên gia đã giúp nhà báo nhận diện sâu sắc các xu hướng xã hội, lựa chọn đúng đắn để đứng về sự tiến bộ. Đồng thời, các chuyên gia đã giúp nhà báo có công cụ và phương tiện tri thức, chuyên môn để giải quyết các vấn đề đó trong mỗi đề tài, mỗi chiến dịch truyền thông và trong suốt quá trình ra đời, phát triển của báo Pháp Luật TP.HCM và trong tương lai.
Làm báo vì lợi ích cốt lõi của dân tộc, đất nước
Đáp lại những tình cảm, “đặt hàng” của các chuyên gia, ông Mai Ngọc Phước, Tổng Biên tập báo Pháp Luật TP.HCM, nói rằng các thế hệ người làm báo Pháp Luật TP.HCM luôn ghi nhận những đóng góp, hỗ trợ và đồng hành của các chuyên gia, cơ quan, ban ngành. Đội ngũ những người làm báo Pháp Luật TP.HCM luôn coi đó là “đề bài” mà bạn đọc yêu cầu báo phải giải đáp.
Ông Mai Ngọc Phước, Tổng Biên tập báo Pháp Luật TP.HCM |
Ông Mai Ngọc Phước cho rằng những “đặt hàng” của các chuyên gia như những gửi gắm của “bạn đọc khó tính” buộc báo Pháp Luật TP.HCM phải tìm lời giải và đáp ứng một cách chân thành trên tinh thần thông tin đến với độc giả phải “vì quyền lợi cao nhất của dân tộc, đất nước, vì nhiệm vụ của Đảng giao phó và vì lợi ích của nhân dân”.
“Đó không phải là lời sáo rỗng mà là cam kết, là tiêu chí phụng sự của đội ngũ những người làm báo Pháp Luật TP.HCM” - Tổng Biên tập Mai Ngọc Phước khẳng định.