Theo đó, Bộ Y tế phối hợp với Bộ Công Thương, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã thành lập sáu đoàn thanh, kiểm tra liên ngành có sự phối hợp của các ngành chức năng,tập trung thanh, kiểm tra các cơ sở sản xuất, kinh doanhthực phẩm như bánh mứt, kẹo, rượu bia, nước giải khát, nước uống đóng chai, thịt và sản phẩm chế biến từ thịt, bếp ăn tập thể, thức ăn đường phố...
Qua đợt kiểm tra cho thấy, số cơ sở được kiểm tra là hơn 40.000 cơ sở, phát hiện 5.621 cơ sở vi phạm về an toàn thực phẩm (chiếm 13,96%). Đã xử lý gần 3.000 cơ sở (chiếm 53,19% số cơ sở vi phạm), trong đó phạt tiền hơn 2.300 cơ sở với số tiền phạt hơn 8 tỉ đồng.
Ngoài các hình thức xử phạt chính, còn áp dụng hình thức xử phạt bổ sung và khắc phục hậu quả. Cụ thể, đình chỉ hoạt động 22 cơ sở, đình chỉ lưu hành 41 loại thực phẩm, 400 số cơ sở bị tiêu hủy sản phẩm, tiêu hủy 414 loại thực phẩm do không đảm bảo chất lượng an toàn thực phẩm (thực phẩm không rõ nguồn gốc, xuất xứ, hết hạn sử dụng...).
Điển hình như tại Hà Nội, Chi cục Quản lý thị trường Hà Nội chỉ đạo các Đội Quản lý thị trường kiểm tra, xử lý 426 vụ vi phạm về đo lường chất lượng và an toàn thực phẩm, phạt hành chính gần 2 tỉ đồng.
Sở Y tế Hà Nội kiểm tra 65 cơ sở, xử phạt vi phạm hành chính 14 cơ sở với số tiền phạt gần 90 triệu đồng.
Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn kiểm tra và phát hiện 58 cơ sở vi phạm, phạt 04 cơ sở với số tiền phạt hơn 17 triệu đồng. Tham mưu quận, huyện phạt 37 cơ sở với số tiền phạt hơn 130 điệu đồng, số sản phẩm bị tiêu hủy hơn 20kg sản phẩm động vật và bốn kg hạt tiêu không rõ nguồn gốc.
Theo đoàn kiểm tra liên ngành, các nội dung vi phạm chủ yếu được phát hiện trong quá trình thanh tra, kiểm tra dịp Tết Nguyên đán Đinh Dậu năm 2017 là vi phạm về điều kiện vệ sinh cơ sở, trang thiết bị, dụng cụ, vi phạm về con người, ngoài các nội dung vi phạm chủ yếu trên, một số cơ sở còn vi phạm về việc ghi nhãn, quảng cáo thực phẩm, thực phẩm không đảm bảo chất lượng...