Báo cáo thói quen sử dụng truyền thông của người tiêu dùng Việt và cách tiếp cận hiệu quả do Công ty nghiên cứu thị trường Kantar Worldpanel vừa công bố cho thấy: Dự kiến đến cuối năm 2018 tổng đầu tư cho quảng cáo truyền thông tại Việt Nam ước đạt 68.000 tỉ đồng, tương đương khoảng 3 tỉ USD.
Với mức đầu tư này, không khó hiểu vì sao các công ty truyền thông hay sở hữu các phương tiện truyền thông tìm mọi cách để hiểu rõ hơn hiệu suất đầu tư (ROI) từ số tiền bỏ ra. Và các nhà sản xuất ngành hàng tiêu dùng nhanh (FMCG) cũng không là ngoại lệ, khi đóng góp một phần lớn trong khoản chi khổng lồ này.
Nghiên cứu cho biết trong tổng số người quan tâm đến quảng cáo của một thương hiệu, có hơn 1/3 sẽ trở thành người mua mới của thương hiệu đó. Hiệu quả trung bình từ một chiến dịch truyền thông, đóng góp 4,5% tổng doanh số trong suốt chiến dịch.
Theo các chuyên gia Kantar Worldpanel ngành truyền thông ở Việt Nam giống như phần lớn thế giới, đang thay đổi nhanh chóng cùng với sự phát triển kỹ thuật số. Đến nay, ti vi vẫn là kênh truyền thông quan trọng nhất đối với người mua sắm FMCG ở thành thị bốn thành phố chính (TP.HCM, Hà Nội, Đà Nẵng, Cần Thơ) và nông thôn Việt Nam.
Ở thành thị, thời gian dành cho ti vi của người dân cao hơn 17% so với kênh lớn thứ hai là kênh trực tuyến.
Trong khi đó, ở nông thôn, dù việc sở hữu điện thoại thông minh ngày càng nhiều, tỉ lệ hộ gia đình kết nối internet nhiều hơn nhưng độ phủ của kênh trực tuyến vẫn thấp hơn một nửa so với tivi. Điều này gây “tranh cãi” nhiều nhất đối với các nhà quảng cáo luôn cân nhắc giữa hai kênh này. Họ cũng “đau đầu” về việc nên chuyển bao nhiêu từ ti vi sang kênh trực tuyến.
Thực tế cho thấy kênh trực tuyến đang chiếm 43% tổng thời lượng sử dụng của người quyết định mua sắm chính ở thành thị và 27% ở nông thôn.
Báo cáo cho thấy năm 2018 quảng cáo trên ti vi chiếm khoảng 66% so với tổng chi phí cho truyền thông ở Việt Nam. Đây vẫn là kênh có độ phủ cao nhưng cũng đang giảm dần. Trong khi kênh trực tuyến có thể tăng lên đến 30% - vẫn thấp hơn so với tỉ lệ thời lượng sử dụng kênh này.
Những người quyết định mua chính đều sử dụng kênh trực tuyến để mua sắm
Theo các chuyên gia Kantar Worldpanel với đa dạng các phương tiện truyền thông, việc phân khúc đối tượng tiếp thị trở thành một bước quan trọng quyết định việc đầu tư có hiệu quả hay không.
Vì văn hóa và hành vi mua sắm ở mỗi vùng miền có thể khác nhau do sự khác nhau về lịch sử và địa lý. Do đó, thói quen sử dụng các kênh truyền thông cũng có thể có những khác biệt tương tự.
Cụ thể, nghiên cứu cho thấy người TP.HCM dành thời gian cho nhiều kênh truyền thống hơn. Trong khi người Hà Nội lại dành thời gian nhiều hơn cho kênh trực tuyến. So với người TP.HCM, người Hà Nội dành nhiều thời gian trong ngày để lên các trang báo mạng, mạng xã hội và các ứng dụng tin nhắn.
Bên cạnh đó, TP.HCM là khu vưc có tỉ lệ sử dụng báo giấy và tạp chí nhiều nhất, lần lượt là 1/3 và 1/5 trong tổng số hộ gia đình ở khu vực này. Nếu chỉ nhìn vào nhóm có độ tuổi cao hơn, hay khá giả hơn thì con số này có thể lên đến 40% hoặc hơn.
Ở nông thôn, miền Nam là khu vực có tỉ lệ thời lượng sử dụng kênh trực tuyến cao nhất. Đây cũng là nơi duy nhất mà thời gian trung bình trong một ngày dành cho kênh trực tuyến cao hơn cả tivi.
Theo Kantar Worldpanel ngành hàng FMCG với độ phủ hơn 95% và là nhu cầu thiết yếu của mọi nhà. Nên có thể xem tất cả những người quyết định mua sắm chính, đều là mục tiêu của bất kỳ thương hiệu nào trong ngành hàng này. Vì vậy, các thương hiệu cần tăng cường đầu tư, tập trung tiếp cận càng nhiều người càng tốt. Đồng thời cần hiểu rõ những loại hình web nào mà đối tượng mục tiêu hay ghé thăm thì cần tập trung vào một số trang chính yếu. Mặt khác, nếu DN cắt giảm đầu tư cho tivi để chuyển sang đầu tư những kênh truyền thông khác cần cân nhắc những kênh tivi và khung giờ nào có thể cắt giảm nhưng vẫn giữ được những khung giờ vàng. |