"Chúng tôi lấy nhau như để hoàn thành một trách nhiệm. Đám cưới này được coi là bước tiến tất yếu sau thời gian chung sống, nhưng thực tế nó lại chẳng mang lại điều gì tốt đẹp, Mark, 47 tuổi, hiện sống một mình tại một căn hộ mới, chia sẻ.
Sống chung trước hôn nhân đã trở thành chuyện thường trong xã hội hiện đại. Từ năm 2001, số cặp chung sống ở Anh tăng lên đáng kể, từ 2,1 triệu lên 2,9 triệu và khoảng 80% các đôi uyên ương “góp gạo thổi cơm chung” trước khi kết hôn.
Không khó để lý giải vì sao điều này trở nên phổ biến như vậy. Thứ nhất là lợi ích về kinh tế: Hai người cùng đóng góp chi trả mọi khoản chi tiêu, bớt một khoản thuê nhà và kha khá các khoản khác so với mỗi người một nơi. Ngoài ra, rõ ràng đây cũng là một cách khôn ngoan để kiểm tra sức mạnh của mối quan hệ, xem hai người có thể chịu được những thói quen – bao gồm cả các hành động không dễ chịu chút nào – của nhau hay không... Nhiều bạn trẻ tin là “sống thử” là một bước đệm, sự chuẩn bị cho việc họ thật sự ở bên nhau với danh nghĩa vợ - chồng. Môt khảo sát ở Mỹ được thực hiện năm 2001 cho thấy khoảng 2/3 số người chung sống với nhau trước hôn nhân tin rằng đây là cách tốt để tránh ly hôn.
Tuy nhiên, các nhà tâm lý học lại không đồng tình với điều này. Một số nghiên cứu thực tế của các chuyên gia còn cho thấy, các đôi "sống thử" dễ chia ly hơn sau đám cưới so với những đôi không. Và, nếu không ly hôn thì các đôi này cũng thường có mức độ hài lòng về nhau thấp hơn trong cuộc sống thực sau đó. Lý do là gì?
Các nhà tâm lý học nói rằng, một phần của vấn đề là phụ nữ và nam giới thường bắt đầu cuộc sống chung vì những lý do khác nhau. "Phụ nữ thường chấp nhận chung sống vì họ nghĩ điều này sẽ dẫn tới hôn nhân. Nhưng họ vẫn muốn người đàn ông cầu hôn, đeo nhẫn vào ngón tay áp út của mình và thề nguyền 'anh sẽ suốt đời bảo vệ và chăm lo cho em", bác sĩ tâm lý người Anh Helen Nighigale cho biết.
Trong khi đó, nam giới, chung sống có thể là một cách để trì hoãn một ràng buộc lâu dài bằng hôn nhân bởi vì họ không chắc mình có thực sự muốn như vậy không.
Một nghiên cứu đăng tải trên tạp chí Tâm lý học gia đình (Anh) cho thấy khoảng 19% những người ăn ở với nhau như vợ chồng sau đó đệ đơn ly hôn so với 12% những người chỉ chung sống sau khi đính ước và 10% những người không từng chung sống trước khi kết hôn.
Trưởng nhóm nghiên cứu Galena Rhoades, Đại học Denver (Anh) giải thích: "Chúng tôi nghĩ một số đôi chuyển tới chung sống mà không có những cam kết rõ ràng là sẽ kết hôn, và rồi họ tặc lưỡi cưới nhau chỉ vì đã trót 'sống thử’. Và rõ ràng nhiều người trong số họ lập gia đình trong trạng thái thụ động nên có lúc sẽ cảm thấy ngột ngạt vì sự ràng buộc này”.
Một trường hợp điển hình cho tình huống này là chuyện của chị Claire Canning, 43 tuổi - người đã "sống thử" với chàng người yêu tên Jame suốt những năm tuổi 20. "Chúng tôi ở với nhau trong một căn hộ. Tôi từng rất hạnh phúc, nhưng sau đó nhiều chuyện nảy sinh và cả hai đều thấy mệt mỏi".
Dù vậy, khi Jame cầu hôn sau những cuộc cãi vã tệ hại, chị đã gật đầu. "Có vẻ như vô lý, nhưng thời điểm ấy, tôi nghĩ nếu tôi đồng ý làm đám cưới, mọi việc sẽ được giải quyết. Hơn nữa, tôi đã chuyển tới sống trong nhà anh ấy và không có nơi nào khác để đi", Claire Canning kể lại.
Sau đám cưới không lâu, Clair mang thai nhưng chẳng cảm thấy vui – đó cũng là thời điểm chị nhận ra mình đã mắc sai lầm. Điều mỉa mai là, sau khi chị can đảm chấm dứt mối quan hệ thì Jame cũng thừa nhận anh cũng như chị, có những ngờ vực, hoang mang về đám cưới. Clair chuyển ra ngoài sống trong một căn phòng thuê lại của một người bạn, rồi tự mua một căn hộ nhỏ. Chị nhận trông trẻ ngoài giờ cho sếp cùng công ty để có tiền trang trải cho cuộc sống.
Trải nghiệm đau thương này khiến chị trở nên thận trọng trong quyết định chung sống với người mới sau này. “Tôi không muốn bị mắc kẹt một lần nữa”, chị nói.
Luật sư Vanessa Lloyd Platt – người từng tư vấn cho khá nhiều cặp ly hôn chia sẻ với Canadianz: "Tôi từng nghe nhiều câu chuyện tương tự từ những khách hàng của mình. Đàn ông thì kể rằng họ thường dễ dàng thuyết phục bạn gái cho phép đi tụ tập bạn bè và làm những điều họ muốn khi còn 'sống thử', nhưng sau đám cưới, chính cô ấy – đã trở thành bà xã - lại bắt đầu đòi hỏi nhiều hơn. Còn phụ nữ lại phàn nàn rằng đàn ông thiếu trách nhiệm và chẳng chịu thay đổi gì, kể cả khi họ đã có con. Hành vi này có thể chấp nhận được khi còn sống chung, nhưng lúc đã là gia đình thực sự thì không”.
Một đôi chọn không chung sống trước khi cưới là nhà văn Alison Billeness và chồng cô, anh Gavin, 35 tuổi, cho rằng, đây có lẽ là quyết định sáng suốt giúp họ duy trì cuộc hôn nhân êm đềm và đầy thi vị của mình.
Alison kể vợ chồng cô là đôi duy nhất trong số bạn bè mình không “góp gạo thổi cơm chung” trước khi cưới.
“Tôi nghĩ khi ở chung với nhau trước, bạn khó mà giữ một ‘khoảng cách’ riêng tư cũng như những ‘bí mật’ nho nhỏ của mình, như bao lâu thì cạo lông chân hay nhổ lông mày một lần”, Alison chia sẻ.
Sau 5 năm chung sống hạnh phúc, Alison tin chắc mình đã quyết định đúng. “Mọi người còn ngạc nhiên là chúng tôi chưa từng gần gũi nhau trước tuần trăng mật. Nhưng điều đó khiến cuộc sống chung sau đám cưới thú vị hơn”, cô nói.
Nhà tư vấn tâm lý Janice Hiller cho biết, tình huống này rất hay gặp. "Nhiều đôi trẻ tuổi sau 4-5 chung sống bắt đầu nảy sinh những vấn đề khó khăn. Thay vì tìm ra nguyên nhân và nghĩ cách giải quyết, họ lại làm đám cưới và hy vọng mọi việc sẽ ổn hơn”.
"Những vấn đề như phải chia sẻ tài chính hay tiền thuê nhà, đối xử với các con vật nuôi, hay mong muốn có con đều không phải là lý do tốt để kết hôn. Bạn chỉ nên lấy một người khi bạn muốn dành toàn bộ thời gian còn lại trong đời mình với người ấy, chứ không phải vì vấn đề tài chính hay lợi ích gì khác", chuyên gia tâm lý Francine Kay, tác giả nhiều cuốn sách về tâm lý và gia đình, bày tỏ.
Theo Vương Linh (VNE)