Các chuyên gia đánh giá với tiềm năng và lợi thế hiện có, TP.HCM hoàn toàn có khả năng trở thành trung tâm tài chính (TTTC) quốc tế. Tuy nhiên, TP cần có một thể chế vượt trội để chủ động tạo lập môi trường kinh doanh thuận lợi, thu hút dòng vốn quốc tế.
Nên có cách tiếp cận khác
TS Cấn Văn Lực, thành viên Hội đồng tư vấn chính sách tài chính - tiền tệ quốc gia, cho biết TP.HCM đang dần phác họa rõ hình hài một TTTC có thể cạnh tranh trong khu vực. Tuy nhiên, để vươn lên cấp độ toàn cầu vẫn còn nhiều việc phải làm. TP.HCM cần có cách tiếp cận khác, nương theo biến động và xu thế của khu vực, thế giới; không theo lối mòn truyền thống, mà tìm một số thị trường ngách để tạo sự khác biệt và đột biến.
Muốn phát triển TTTC quốc tế phải có sự khác biệt. Điển hình, TTTC quốc tế tại Singapore đi đến thành công nhờ có tầm nhìn trong việc phát triển các dịch vụ tài chính. Bên cạnh đó là một thị trường tiền tệ, hệ thống ngân hàng phát triển, đạt chuẩn quốc tế.
TTTC quốc tế Busan (Hàn Quốc) dựa trên ưu thế cảng biển, chú trọng phát triển thị trường giao dịch phái sinh, cùng với đó hệ thống luật, quy định ủng hộ cho sự phát triển của fintech, blockchain, tiền điện tử…
Ông NGUYỄN NGỌC HÒA,
Chủ tịch HFIC
Theo TS Lực, hiện nay trong bối cảnh kinh tế số, tài chính số, dòng vốn luân chuyển xuyên biên giới rất nhiều, TP cần tính tới những thách thức này. Do đó, bên cạnh thiết lập các mục tiêu rất cụ thể và khả thi, TP cần một thể chế phải vượt trội. Trong đó, chất lượng pháp luật, văn bản pháp quy, khâu thực thi phải hết sức chất lượng, minh bạch, đảm bảo được niềm tin của nhà đầu tư trong và ngoài nước.
Theo TS Đào Lê Trang Anh, Trường ĐH RMIT Việt Nam, các nhà nghiên cứu trên thế giới đã xác định một số yếu tố quyết định sự thành công của các TTTC quốc tế. Những yếu tố này bao gồm sức mạnh kinh tế của đất nước, môi trường cạnh tranh cho các trung gian tài chính, sự ổn định tài chính, nguồn nhân lực, cơ sở hạ tầng chất lượng cao, môi trường kinh doanh phù hợp.
Ngoài ra, theo TS Trang Anh, TTTC phải có nhiều quản lý lành nghề và tài năng trong các lĩnh vực kinh doanh, tài chính và các dịch vụ liên quan. TTTC quốc tế sẽ cung cấp các thị trường vốn đa dạng và có tính thanh khoản cao; các chế độ quản lý và chính sách thuế cạnh tranh đối với dòng vốn đầu tư nước ngoài.
Bên cạnh đó, TTTC quốc tế cần có năng lực viễn thông và công nghệ thông tin chất lượng cao; lực lượng lao động có trình độ, đa ngôn ngữ…
Cải cách chính sách thị trường tài chính
TS Trần Du Lịch, chuyên gia kinh tế, cho biết TP.HCM phải xây dựng hệ sinh thái giúp TTTC có thể vận hành tốt. Thêm vào đó, chính sách thị trường tài chính cần phải dài hạn, kiên trì, không thay đổi. Bởi điều khiến doanh nghiệp lo lắng nhất không phải là biến động của thị trường mà là rủi ro trong chính sách.
Ngoài ra, TP cần xây dựng một không gian sống, môi trường sống chất lượng cao vừa thu hút nhân lực quốc tế, vừa gia tăng vị thế thương hiệu của thị trường tài chính TP.HCM.
Theo TS Du Lịch, TP cũng cần cải thiện hơn nữa môi trường kinh doanh thông qua việc đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính, nâng cao hiệu quả thực thi pháp luật, cải thiện các chính sách liên quan đến thuế quan…
“Đặc biệt, TP cần tập trung phát triển các loại hình sản phẩm và dịch vụ tài chính, phát triển đa dạng và đồng bộ với các thị trường như tiền tệ, trái phiếu, cổ phiếu. Đồng thời phát triển công nghệ quản lý tài sản, tăng cường mạng lưới toàn cầu của công nghệ tài chính, hoàn thiện hệ thống giám sát và các quy định tài chính” - TS Du Lịch nhấn mạnh.
TP.HCM đang dần phác họa rõ hình hài một trung tâm tài chính cạnh tranh trong khu vực. Ảnh: HÀ THANH |
Là người tham gia vào đề án phát triển TTTC quốc tế TP.HCM, ông Nguyễn Ngọc Hòa, Chủ tịch HĐTV Công ty Đầu tư tài chính nhà nước TP.HCM (HFIC), chỉ rõ trong trụ cột hệ thống ngân hàng ở TP vẫn còn thiếu ngân hàng đầu tư, thị trường vốn chưa mạnh, thị trường hàng hóa phái sinh hoàn toàn vắng bóng, sàn giao dịch hàng hóa mang tính chất thủ công. Điều này cho thấy những cấu thành để phát triển TTTC quốc tế còn thiếu và yếu.
“Do đó, TP.HCM cần phải có một khung pháp lý bao quát được dòng chảy tài chính, thu hút được nhà đầu tư, cũng như xây dựng một cơ chế thí điểm các lĩnh vực tài chính số. Các chính sách thuế, phí cạnh tranh tiệm cận với các nước trong khu vực và thế giới đang áp dụng cũng là những điểm quan trọng cần tính đến” - ông Hòa cho biết.
Cần bệ đỡ đột phá
TS Võ Trí Thành, chuyên gia kinh tế, nguyên Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế trung ương (CIEM), nhận định chiến lược để TP.HCM trở thành TTTC quốc tế trong thời gian tới là cần xây dựng tính tiên phong đổi mới, sáng tạo và lan tỏa.
Ngoài ra, ông Thành góp ý TP.HCM cần tiếp tục xây dựng thị trường trái phiếu, cổ phiếu; hệ thống ngân hàng cần tăng trưởng tốt, lành mạnh. Đồng thời, TP cần tạo ra một thị trường tài chính tinh xảo, bám theo các xu hướng của thế giới như fintech, tài chính xanh…
Hệ thống ngân hàng tăng trưởng tốt, lành mạnh là một trong những yếu tố quan trọng của trung tâm tài chính quốc tế. Ảnh: THÙY LINH |
Chuyên gia kinh tế Trần Thanh Hải cho biết TP.HCM phải xác định được những thuận lợi, khó khăn, thách thức. Từ đó tìm ra phương thức vượt qua thách thức, tháo gỡ điểm nghẽn như thể chế, cơ sở hạ tầng, nguồn nhân lực và cả công nghệ thông tin, viễn thông. Đồng thời cần tăng cường hợp tác quốc tế để tạo dựng hình ảnh TP đáng đầu tư, đáng sống; đủ sức hấp dẫn nhân sự có năng lực, chất lượng.
Các yếu tố chính hình thành TTTC quốc tế gồm: Thị trường ngoại hối, thị trường vốn, hàng hóa và kỹ thuật số. Các yếu tố này TP đều cần phải có những nỗ lực xây dựng theo quốc tế.
Ông Hải cũng cho rằng để hình thành một TTTC khu vực thì ngoài yếu tố ổn định về chính trị thì vấn đề quan trọng là phải có sự chuyển đổi tự do trong khu vực với đồng tiền nội tệ Việt Nam. Điều này Việt Nam cũng đang nỗ lực phấn đấu. Vấn đề tự do luân chuyển dòng vốn, có nghĩa là vốn vào, vốn ra một cách tự do thì TP vẫn còn nhiều hạn chế.
“Thị trường vốn gồm cổ phiếu và trái phiếu, do tiền đồng chưa được chuyển đổi nên dòng vốn gián tiếp còn mang tính ngắn hạn. Thị trường hàng hóa còn sơ khai với tính chất giao dịch mua ngay mà thiếu các giao dịch hợp đồng tương lai và kỳ hạn nên chưa mang lại lợi thế cho thị trường tài chính. Thị trường kỹ thuật số chưa có các hướng dẫn với các quy định pháp luật cụ thể” - ông Hải phân tích.
Nông sản là một thế mạnh
Theo chuyên gia kinh tế Trần Thanh Hải, có thể xây dựng TTTC quốc tế TP.HCM dựa trên thế mạnh sàn giao dịch hàng hóa nông sản, vì mỗi năm Việt Nam xuất khẩu hơn 50 tỉ USD hàng nông sản. Sàn giao dịch hàng hóa này là nơi thu hút nhà đầu tư nước ngoài đến mua hàng nông sản.
Họ đến đây giao dịch hàng hóa bằng tiền đồng và đồng USD. Theo thời gian, sàn giao dịch hàng hóa mạnh lên, bên cạnh đồng USD, nhà đầu tư nước ngoài có xu hướng phải tìm tiền đồng để mua hàng hóa. Đồng tiền Việt Nam gắn chặt với đồng USD khiến giá trị tiền đồng mạnh lên.
Lúc này giới đầu tư thấy rằng sử dụng tiền đồng lợi hơn đồng USD vì rẻ hơn và tính biến động quốc tế không cao. Nhờ đó, tiền đồng chuyển đổi được và từ đây sẽ tác động tích cực đến thị trường ngoại hối.
Mỗi năm Việt Nam xuất khẩu hơn 50 tỉ USD hàng nông sản. Ảnh: Q.HUY |