Vụ Huyền Như lừa đảo gần 4.000 tỉ đồng

Các nạn nhân muốn níu áo Vietinbank

Ngày 8-1, TAND TP.HCM tiếp tục phiên tòa xử vụ Huỳnh Thị Huyền Như lừa đảo gần 4.000 tỉ đồng. HĐXX xét hỏi đối với nhóm các bị cáo nguyên là trưởng phòng, phó trưởng phòng, giao dịch viên của các phòng giao dịch Ngân hàng VietinBank.

Các bị cáo này bị truy tố tội vi phạm các quy định cho vay trong hoạt động của các tổ chức tín dụng. Với vai trò quản lý, bị cáo Huyền Như đã điều khiển các đồng nghiệp làm sai, làm trái. Tại tòa, các bị cáo này thừa nhận vì quá tin tưởng Huyền Như mà bỏ qua nghiệp vụ nên nay phải hầu tòa.

Lôi kéo cấp dưới vào vòng lao lý

Trả lời tòa, bị cáo Phạm Thị Tuyết Anh (nguyên giao dịch viên VietinBank Phòng giao dịch Điện Biên Phủ) cho biết nhiệm vụ của mình là tiếp nhận và kiểm tra các thông tin, thủ tục hồ sơ cho vay, kiểm soát chứng từ để thực hiện việc giải ngân. Tuy nhiên, vì chỉ thực hiện theo chỉ đạo của trưởng phòng Huyền Như nên bị cáo không trực tiếp gặp khách hàng, làm thủ tục giải ngân 55 hồ sơ tín dụng cho vay khi chưa có chữ ký của chủ tài khoản.

Huỳnh Thị Huyền Như đang được dẫn giải vào phòng xử. Ảnh: HY

Bị cáo Huỳnh Thị Huyền Như tại tòa. Ảnh: HY

Tương tự, bị cáo Bùi Ngọc Quyên (nguyên phó trưởng Phòng giao dịch Điện Biên Phủ) cho biết vì Như mang về nhiều hợp đồng, khách hàng lớn cho ngân hàng nên sức ảnh hưởng của Như rất lớn, không chỉ tại phòng giao dịch này mà còn cả hệ thống VietinBank. Vì điều này, khi tham gia duyệt hồ sơ vay vốn, dù chưa có chữ ký của người vay và người bảo lãnh nhưng nghe Như đảm bảo tính hợp pháp, hợp lệ của giấy tờ nên Quyên đã tin tưởng mà “linh hoạt cho khách hàng”. Bị cáo không hề lường được việc Như đi lừa đảo với số tiền quá lớn.

Bị cáo Tống Nguyên Dũng (nguyên nhân viên tín dụng Phòng giao dịch Điện Biên Phủ) khai vừa tốt nghiệp đại học, chưa có nhiều kinh nghiệm nên được Như giao gì làm nấy. Bị cáo Hoàng Hương Giang (nguyên giao dịch viên) và Trần Thanh Thanh (nguyên phó phòng Dịch vụ khách hàng, nguyên trưởng phòng giao dịch) cũng vì tin tưởng nên mỗi khi Như đưa hồ sơ về, chưa có chữ ký vẫn cho qua...

Khi nghe lời khai của cấp dưới, Huyền Như bật khóc tại tòa.

Trách nhiệm của VietinBank?

Sau phần xét hỏi đối với các bị cáo, HĐXX đã thẩm vấn các nguyên đơn dân sự và người bị hại. Hai nguyên đơn dân sự là Ngân hàng TMCP Á Châu (ACB) và Nam Việt không có mặt. Đại diện Ngân hàng TMCP Quốc tế đề nghị xem xét, truy cứu trách nhiệm hình sự cũng như dân sự (liên đới bồi thường, khắc phục hậu quả) đối với 12 người đã đứng tên vay tại ngân hàng này. Đồng thời, người này đề nghị tòa phong tỏa tài sản đối với các bị cáo để đảm bảo thi hành án.

Đại diện Công ty CP Chứng khoán Phương Đông cho biết theo họ VietinBank mới là nguyên đơn dân sự, còn công ty chỉ là người có quyền lợi và nghĩa vụ liên quan. Họ chỉ có thể là nguyên đơn dân sự trong vụ án dân sự mà bị đơn là VietinBank. Bởi công ty không quan hệ gì với Huyền Như mà chỉ làm việc với Ngân hàng VietinBank. Do đó, họ yêu cầu VietinBank phải bồi thường.

Tương tự, tám công ty và ba cá nhân bị hại khác cho rằng họ không ký hợp đồng với Huyền Như mà chỉ ký với VietinBank. Vì vậy, họ không đồng ý với tư cách là nguyên đơn trong vụ án lừa đảo của Huyền Như như cáo trạng xác định. họ yêu cầu VietinBank hoàn trả số tiền cùng lãi suất không kỳ hạn theo quy định của ngân hàng.

Sau yêu cầu này, HĐXX tuyên bố tạm nghỉ để hội ý. Theo chủ tọa, cáo trạng xác định bị hại như đã công bố. Trong quá trình diễn tiến phiên xử, HĐXX cũng sẽ xem xét để xác định chính xác yêu cầu của các cá nhân, đơn vị trong vụ án. Để đảm bảo cho quyền lợi, các cá nhân, đơn vị nên có văn bản về các yêu cầu đòi bồi thương thiệt hại gửi tòa, chậm nhất là vào cuối tuần.

Tòa tuyên bố tạm nghỉ, ngày 9-1 tiếp tục phần thẩm vấn.

HOÀNG YẾN

“Tin tưởng” Huyền Như nên “quên” nghiệp vụ

Trong vụ này, nhân viên Ngân hàng TMCP Quốc tế (VIB) - Chi nhánh TP.HCM Huỳnh Hữu Danh cũng vướng vòng lao lý. Danh khai quen biết Huyền Như năm 2008 khi gửi hồ sơ vay tiền. Trong quá trình vay, Như chấp hành rất tốt. Sau đó, đầu năm 2011, Như có gọi điện thoại nói Danh có khách hàng cần vay vốn và nhờ giúp đỡ. Từ tháng 1-2011 đến ngày 8-9-2011, Danh đã làm thủ tục hồ sơ cho 12 cá nhân do Như giới thiệu đến VIB TP.HCM vay tổng số tiền 480,3 tỉ đồng. Tài sản thế chấp là 40 hợp đồng tiền gửi do Như làm giả mang tên các cá nhân này gửi tại VietinBank - Chi nhánh Nhà Bè. Tin Như, Danh đã không đến VietinBank - Chi nhánh Nhà Bè để làm thủ tục xác nhận, phong tỏa các hợp đồng này nên tiếp tay cho Như lừa đảo.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm