Vụ xét xử vụ “siêu lừa” Huyền Như

Cáo trạng vụ “siêu lừa” Huyền Như dài 68 trang

Tiếp tục cập nhật...

11h30 sáng 6-1, sau 30 phút hội ý, chủ tọa phiên tòa quyết định bác yêu cầu của luật sư về việc hoãn phiên tòa xử Huyền Như.

Lý do xin hoãn xử của luật sư là cần thời gian xác định lại tư cách tham gia tố tụng của các nguyên đơn dân sự. Thêm vào đó, luật sư của Ngân hàng Nam Việt cho rằng chưa được sao chụp hồ sơ vụ án.

 14 giờ 30 chiều nay (6-1), phiên tòa sẽ được tiếp tục

Cáo trạng vụ “siêu lừa” Huyền Như dài 68 trang ảnh 1
   Huỳnh Thị Huyền Như (áo hồng) tại phiên tòa sáng nay. Ảnh: Hoàng Yến

 Lúc 10h 30, ngay sau phần kiến nghị của các luật sư, chủ tọa phiên tòa Nguyễn Đức Sáu đã tuyên bố tạm hoãn phiên tòa để Hội đồng xét xử hội ý, xem xét các kiến nghị hoãn phiên tòa, triệu tập thêm người liên quan, xác định lại bị đơn dân sự của các luật sư.

Đúng như dự kiến 8g ngày 6 -1, TAND TP.HCM đã tiến hành xét xử sơ thẩm vụ án Huỳnh Thị Huyền Như và các đồng phạm lừa đảo gần 4.000 tỉ đồng. 

Chủ tọa phiên xử là thẩm phán Nguyễn Đức Sáu, Chánh tòa Hình sự TAND TP.HCM; thẩm phán phụ xử là Lê Văn Ban cùng một thẩm phán dự khuyết. HĐXX còn có ba hội thẩm nhân dân cùng một hội thẩm dự khuyết.

Về công tố, có hai kiểm sát viên của VKS TP.HCM thừa ủy quyền của VKS tối cao ủy tham gia phiên tòa là Phạm Thị Thu Hà và Nguyễn Thanh Nhã.

Đến thời điểm này, có 50 luật sư tham gia bào chữa cho các bị cáo và bảo vệ quyền lợi cho các cá nhân, tổ chức có liên quan với 23 bị cáo tham dự phiên tòa. Ngoài ra còn có 12 nguyên đơn dân sự (tổ chức bị thiệt hại), trong đó có ba ngân hàng TMCP và ba người bị hại. Đồng thời 80 cá nhân, tổ chức trong vai trò người có quyền lợi và nghĩa vụ liên quan cũng được triệu tập đến tòa.

Đây được xem là vụ án lừa đảo chiếm đoạt số tiền được cho là lớn nhất từ trước đến nay.

Huỳnh Thị Huyền Như, nguyên là Phó phòng quản lý rủi ro Ngân hàng TMCP Công thương Việt Nam (Vietinbank) chi nhánh TP.HCM; sau đó được bổ nhiệm thêm Quyền trưởng phòng giao dịch Điện Biên Phủ, được xác định là kẻ chủ mưu, cầm đầu và thực hiện tích cực nhất, bị truy tố về 2 tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản (khoản 4, điều 139, BLHS có mức hình phạt cao nhất là tù chung thân) và làm giả con dấu, tài liệu của cơ quan, tổ chức  (khoản 3, điều 267,BLHS). Bào chữa cho bị cáo Như tại phiên xử này có ba luật sư. Cụ thể luật sư Nguyễn Tiến Hùng, Nguyễn Văn Ngoan (Đoàn Luật sư Hà Nội) và luật sư Lê Nguyễn Quỳnh Thi (Đoàn luật sư TP.HCM).

Cùng bị truy tố về khoản 4, điều 139 tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản, bị cáo Võ Anh Tuấn (nguyên Phó giám đốc Vietinbank chi nhánh Nhà Bè) có hai luật sư Phan Trung Hoài và Phan Đức Linh.

Có 21 bị cáo khác cũng bị truy tố với các tội danh lừa đảo chiếm đoạt tài sản; cho vay lãi nặng; vi phạm các quy định cho vay trong hoạt động của các tổ chức tín dụng; lạm dụng chức vụ, quyền hạn trong khi thi hành công vụ; thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng .Trong đó có 13 bị cáo nguyên là trưởng, phó phòng, cán bộ các phòng giao dịch thuộc Vietinbank và nhiều giám đốc, phó giám đốc của các doanh nghiệp.

Liên quan đến vụ án, Bộ Công an đã khởi tố sáu bị can nguyên là lãnh đạo ACB. Những bị cáo này đã được tách ra xử lý trong đại án liên quan đến Nguyễn Đức Kiên (bầu Kiên).

Theo cáo trạng, từ đầu năm 2007, Huyền Như khi là cán bộ tín dụng của VietinBank Chi nhánh TP HCM đã vay trên 200 tỉ đồng của nhiều ngân hàng, tổ chức và cá nhân với lãi suất cao để kinh doanh bất động sản. Để có tiền trả nợ, từ tháng 10-2010 đến tháng 9-2011, lấy danh nghĩa huy động vốn cho VietinBank Chi nhánh Nhà Bè và Chi nhánh TP HCM, Huyền Như đã tiếp xúc với nhiều đơn vị, cá nhân đặt vấn đề gửi tiền vào ngân hàng với lãi suất thỏa thuận cộng lãi suất thưởng từ 18%-36%/năm. Để thực hiện việc chiếm đoạt, Huyền Như đã thuê người làm giả con dấu, tài liệu ngân hàng và nhiều đơn vị, chữ ký trên các chứng từ và hợp đồng…

Tại phiên toà trong phần thủ tục, Huyền Như khai bị bắt giam ngày 30-9-2011. Thời điểm đó, bị cáo đang mang thai 4 tháng. Trong thời gian bị tạm giam, bị cáo đã sinh con tên là Trương Xuân Mai, hiện bé được 21 tháng tuổi nhưng chưa được làm giấy khai sinh. Được biết, chồng Huyền Như tên Trương Ngọc Thành nhưng hiện 2 người chưa đăng ký kết hôn.

Dự kiến phiên tòa sẽ được xử liên tục bắt đầu từ hôm nay đến ngày 25/1.

F5 để cập nhật...

Hoàng Yến

Đừng bỏ lỡ

Đọc thêm

Vĩnh Long: Điều động, luân chuyển nhiều cán bộ

Vĩnh Long: Điều động, luân chuyển nhiều cán bộ

(PLO)- Ban Thường vụ Tỉnh ủy Vĩnh Long đã công bố quyết định bổ nhiệm, luân chuyển nhiều cán bộ, trong đó Bí thư Huyện ủy, Chủ tịch HĐND huyện Long Hồ giữ chức Trưởng Ban Nội chính Tỉnh ủy