Đưa chị vào vòng tù tội
Cùng hầu tòa về tội lừa đảo, chị gái Huyền Như - bị cáo Huỳnh Mỹ Hạnh đã bật khóc khi trả lời các câu hỏi tại phiên xử.
Hạnh khai mình vốn bán trứng vịt lộn ở quê nhà Tiền Giang, thu nhập ít ỏi, bấp bênh. Sau đó, Như đã mở Công ty Cổ phần Đầu tư Hoàng Khải với quy mô kinh doanh lớn, nhiều hợp đồng nên cần sự giúp đỡ của chị. Ban đầu, Hạnh chỉ nhận lương nhân viên 3 triệu đồng/tháng. Năm 2011, Huyền Như bổ nhiệm Hạnh lên chức phó giám đốc Công ty Hoàng Khải với mức lương 7-8 triệu đồng/tháng. Ngạc nhiên vì thăng lên phó giám đốc, Hạnh hỏi Như: “Chị mới học lớp 9 có làm được không?”. Như bảo: “Chị cứ làm đi, em bảo làm gì thì làm đó, em không bảo chị làm phạm pháp đâu mà sợ!”.
Bị cáo Huyền Như cúi mặt khi nghe chị ruột trách móc. Ảnh: HTD
Hạnh khai tiếp: “Trước khi đến Ngân hàng VIB theo yêu cầu của Như, bị cáo không xem hồ sơ gì cả. Như nói bận quá, bảo bị cáo qua VIB gặp Huỳnh Hữu Danh (bị cáo trong cùng vụ án). Bị cáo đâu có ngờ Như lừa cả chị ruột vào con đường phạm tội…”.
Nói xong, Hạnh khóc nức nở trước tòa.
Đối chất về những lời mà chị vừa khai, Huyền Như thừa nhận những lời bị cáo Hạnh nói là đúng. “Bị cáo biết mình có lỗi, sai phạm trong sự việc này. Bị cáo là em ruột và làm sai nhưng không dám cho chị mình biết”. Huyền Như cũng khóc ngay sau đó. Khi quay xuống ghế bị cáo để ngồi, Như cúi mặt không dám nhìn chị mình.
VietinBank bị truy vấn trách nhiệm
Đại diện VietinBank - đơn vị có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan trong vụ án nhận được nhiều câu hỏi nhất từ các luật sư về trách nhiệm trong vụ Huyền Như lừa đảo.
Luật sư bảo vệ cho Công ty Cổ phần Bảo hiểm Toàn cầu (nguyên đơn dân sự) hỏi đại diện VietinBank về trách nhiệm của ngân hàng này đối với các nhân viên của mình, trách nhiệm của ngân hàng với tài khoản tiền gửi của khách hàng. Đại diện VietinBank khẳng định mọi quy định về tiền gửi, trách nhiệm của ngân hàng với khách hàng đều đã có trong Quyết định 1284. Khi luật sư đề nghị đại diện VietinBank xem kỹ lại Điều 12 của Quyết định 1284 quy định về trách nhiệm pháp luật của ngân hàng đối với các tài khoản của khách hàng thì đại diện VietinBank không trả lời. Luật sư bảo vệ quyền lợi cho Công ty Chứng khoán SaigonBank- Bejaya, đơn vị bị chiếm đoạt 225 tỉ đồng, cũng có câu hỏi tương tự.
Luật sư bào chữa cho bị cáo Võ Anh Tuấn (nguyên phó giám đốc VietinBank Chi nhánh Nhà Bè) và Phạm Thị Tuyết Anh (nguyên giao dịch viên VietinBank Phòng giao dịch Điện Biên Phủ) đặt vấn đề các bị cáo là cán bộ của VietinBank, bị quy buộc phạm tội mà phạm tội thì phải gây thiệt hại, vậy thiệt hại cho ai? Trách nhiệm quản lý những cán bộ này của VietinBank? Luật sư hỏi VietinBank: “Trong vụ án Huyền Như lừa đảo, VietinBank lại không bị thiệt hại tài sản, không chịu trách nhiệm dân sự. Nếu VietinBank không thiệt hại tài sản thì hành vi của hai bị cáo Tuấn, Anh có gây thiệt hại gì cho VietinBank hay không?”. Luật sư này còn nói thêm, chỉ khi vụ án khởi tố, thông qua kết quả giám định thì VietinBank mới biết Huyền Như làm giả tám con dấu, giả chữ ký, giả hồ sơ của khách hàng... để vay tiền. Các nhân viên không biết Huyền Như có hành vi gian dối, tại sao lại bị trách nhiệm hình sự, trong khi VietinBank không bị thiệt hại?
Các luật sư khác cũng đặt câu hỏi cho đại diện VietinBank như hành vi cho vay vượt quá thẩm quyền của Huyền Như như vậy thì trách nhiệm của VietinBank như thế nào?...
Cuối cùng, chủ tọa phiên tòa nhắc VietinBank nên ghi nhận tất cả câu hỏi của luật sư để trả lời một lần cho khỏi mất thời gian. Theo nhắc nhở của tòa, hôm nay (10-1) VietinBank sẽ phải trả lời các câu hỏi trên.
HOÀNG YẾN
Luật sư tự hỏi, tự trả lời Luật sư của nguyên đơn dân sự Navibank liên tục hỏi Huyền Như về các khoản tiền gửi trong Ngân hàng VietinBank. Tuy nhiên, luật sư hỏi dồn dập đến nỗi Huyền Như không kịp trả lời. Chẳng hạn, luật sư hỏi: “Gửi tiền cho bị cáo hay cho VietinBank? Hợp đồng tiền gửi là thật hay giả? Trả 300 tỉ đồng bằng tiền của bị cáo hay tiền của VietinBank?”. Khi bị cáo chưa kịp trả lời, luật sư “kết” luôn: “Những tài liệu có trong hồ sơ thể hiện bị cáo trả tiền bằng tài khoản của VietinBank”. Trước cảnh này, bị cáo Như vừa... khóc vừa phân trần với HĐXX: “Luật sư hỏi không cho bị cáo nói, hỏi rồi kết luận luôn, vậy có ảnh hưởng gì đến quyền lợi của bị cáo không?”. Chủ tọa phải nhắc luật sư hỏi chậm để bị cáo có thời gian suy nghĩ trả lời. Tuy nhiên, sau đó tình trạng vẫn diễn ra như cũ. Bị cáo Như tiếp tục vừa khóc vừa nói chưa kịp trả lời luật sư đã dẫn dắt và tự kết luận rồi. HĐXX lại lưu ý luật sư hỏi bị cáo không kịp tiếp thu sao trả lời, nếu vậy việc xét hỏi của luật sư không có ý nghĩa gì cả. Tương tự, khi xét hỏi bị cáo Võ Anh Tuấn, luật sư của Navibank cũng hỏi dồn, khi bị cáo chưa kịp trả lời thì luật sư đã tiếp: “Quyền bị cáo không trả lời, chuyển qua câu hỏi khác”. Bị cáo Tuấn phản ứng: “Tiếp tục hỏi như thế thì bị cáo không trả lời, vì câu hỏi không liên quan đến bị cáo”. |