Vụ Huyền Như - ngày xét xử thứ 6

Huyền Như đối mặt với án chung thân, Vietinbank sẽ phải tranh tụng tại tòa

LS Phan Trung Hoài: Võ Anh Tuấn không là đồng phạm vì bị giả chữ ký

LS Phan Trung Hoài bào chữa cho Võ Anh Tuấn (nguyên cán bộ văn phòng VietinBank chi nhánh TP.HCM, nguyên phó giám đốc VietinBank chi nhánh Nhà Bè, bị đề nghị phạt tù chung thân về tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản với vai trò giúp sức tích cực cho Như chiếm đoạt 1.678 tỷ đồng)

Theo LS Hoài, cáo buộc của VKS đối với Tuấn là chưa đủ chứng cứ pháp lý. Chữ ký của lãnh đạo VietinBank chi nhánh Nhà Bè (trong đó có Võ Anh Tuấn) bị làm giả và con dấu của chi nhánh này cũng bị làm giả. Điều này cho thấy vai trò đồng phạm của Tuấn có phần mờ nhạt. Đối với hành vi chiếm đoạt 80 tỉ đồng của Công ty Thái Bình Dương, Võ Anh Tuấn hoàn toàn không liên quan trực tiếp, hành vi chỉ là vô ý...

LS Phan Trung Hoài cũng bào chữa cho Phạm Thị Tuyết Anh (nguyên giao dịch viên Phòng giao dịch Điện Biên Phủ thuộc VietinBank chi nhánh TP.HCM, bị đề nghị 16-18 năm tù về tội về tội vi phạm quy định cho vay trong hoạt động của các tổ chức tín dụng)

Theo LS Hoài, theo hồ sơ và diễn biến tại tòa, VietinBank không bị thiệt hại và không chịu trách nhiệm dân sự đối với số tiền Huyền Như chiếm đoạt. Từ đó cho thấy hành vi của các nhân viên phòng giao dịch thuộc VietinBank, trong đó có Tuyết Anh không gây thiệt hại cho VietinBank, đề nghị HĐXX xem xét Tuyết Anh không phạm tội.

“Sự mâu thuẫn không thể lý giải được là tại sao VietinBank không thiệt hại mà nhân viên VietinBank lại bị xử lý? VietinBank có cả một hệ thống kiểm tra nội bộ, nhiều ban bệ mà không phát hiện sai phạm của Huyền Như thì các nhân viên sao có thể phát hiện được. Thậm chí khi kiểm soát nội bộ, tổ chức này còn kết luận phòng giao dịch thực hiện tốt hoạt động cho vay. Còn các bộ phận khác kiểm tra cho rằng do Huyền Như gian dối nên không phát hiện được. Như vậy, quy buộc nhân viên Tuyết Anh phải có trách nhiệm, phải nhận ra hành vi lừa đảo của Huyền Như là không thể.

VietinBank không bị thiệt hại, lãnh đạo VietinBank không bị xem xét trách nhiệm hình sự. Mãi đến hôm nay, VKS mới đề nghị khởi tố bổ sung. Một khi chưa khởi tố các lãnh đạo của VietinBank thì không thể xử lý hình sự Tuyết Anh” – LS Hoài tranh luận.

LS Quỳnh Thi - là một trong ba luật sư bào chữa cho Huyền Như - đề nghị HĐXX xem xét các yếu tố khách quan ảnh hưởng lớn đến quy trình thực hiện hành vi phạm tội của Như.

Cụ thể, Như là trưởng phòng giao dịch, khi cần tiền thì trong quyền hạn của mình chỉ cần làm hồ sơ, giấy tờ khống là có thể chiếm đoạt được tiền. Vậy khâu quản lý cán bộ, giám sát nội bộ, dây chuyền hoạt động của ngân hàng thế nào mà Như dễ dàng qua mặt vậy. LS khẳng định chính khâu kiểm soát lỏng lẻo của ngân hàng công thương mà đã tạo ra mội trường thuận lợi cho Như pham tội bởi quá dễ lọt qua những khâu kiểm soát mà không gặp bất kỳ trở ngại nào.

Về ý thức chủ quan của các cá nhân và tổ chức (ba công ty, chín ngân hàng
và ba cá nhân) được xem là bị Như lừa đảo như: Công ty chứng khoán Phương
Đông, Công ty An Lộc... Những đơn vị, cá nhân này vì mức lãi suất hấp dẫn mà

Như đưa ra nên có niềm tin. Việc này cũng thể hiện sự chủ quan của các công ty, sự nhập nhằng giữa việc ký hợp đồng ủy thác và gửi tiết kiệm, không đến địa điểm giao dịch hoặc phạm vi chuyển tiền để kiểm tra, không kiểm tra về tính đại diện của ngân hàng Công thương Vietinbank.

Chẳng hạn, ACB biết rõ Như lấy danh nghĩa VietinBank để huy động vốn với mức lãi suất vượt trần là trái quy định của Ngân hàng Nhà nước. Tuy nhiên, vì ACB muốn thu lợi cho một nhóm cổ đông nên đã tạo thuận lợi cho Như lừa đảo

- Công ty Thái Bình Dương không có chức năng ủy thác đầu tư mà vẫn ký hợp đồng ủy thác đầu tư để hưởng lãi suất chênh lệch. Đến trước khi khởi tố vụ án, công ty này đã kịp tất toán 14 hợp đồng với số tiền hơn 1000 tỉ, hưởng lãi 60 ti.

Đây là vụ án lớn trong lịch sử ngành ngân hàng, phải nhiều yếu tố mới hình thành nên. Có nhiều địa chỉ để thu hồi các khoản tiền thu lợi bất chính nhưng CQĐT không thu hồi đù hồ sơ thể hiện rõ Như đã dùng tiền chiếm đoạtt để trả lãi nặng cho ai, trả tiền chênh lệch ngoài HĐ cho ai.

LS Quỳnh Thi đề nghị HĐXX xem xét việc tất cả 12 nguyên đơn dân sư và ba ngươi bị hại đều không yêu cầu Như bồi thường mà chỉ yêu câu ngân hàng Công thương có trách nhiêm bồi thường.

“Trách nhiệm dân sự rất quan trọng để đánh giá hậu quả. Tuy nhiên 15 đơn vị, cá nhân không yêu cầu Huyền Như bồi thường. Như vậy quyền lợi của các đơn vị cá nhân này đã được xác lập và khẳng định nhiều lần tại phiên tòa. Đề nghị HĐXX ghi nhận suốt quá trình thẩm vấn và tranh tụng, nếu những yêu cầu này vẫn được giữ nguyên thì không xem xét trách nhiệm dân sự với Huyền Như” - luật sư Thi nói.

LS Lưu Văn Tám bào chữa phần tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản cho Nguyễn Thị Lành (Phó giám đốc Công ty CPĐT Phương Đông, bị đề nghị 10-12 năm tù về tội lừa đảo, hai năm sáu tháng tù đến ba năm tù về tội cho vay lãi nặng)

Theo LS Tám, Lành chỉ đến ngân hàng ký hoàn tất thủ tục, không có động cơ, mục đích lừa đảo chiếm đoạt tiền, không hề biết hồ sơ làm giả. Lành không cùng ý chí, không bàn bạc gì với Như, các yếu tố chứng minh Lành đồng phạm lừa đảo chưa rõ.

Muốn chứng minh Lành giúp sức lừa đảo thì phải chứng minh Như và Lành là đồng phạm (tức có sự liên kết, tiếp thu ý chí của nhau về việc lừa đảo). Thực tế, Như không bàn bạc với Lành chuyện dùng hồ sơ giả để chiếm đọa tiền; Như cũng không nói cho Lành biết hồ sơ đã bị làm giả. Như khiến Lành tin tưởng vì Như nói Như là người có uy tín trong ngân hàng. Chỉ đến khi CQĐT vào cuộc thì Lành mới biết.

Đặc biệt, không chỉ Lành mà có 12 người khác trong vụ án này cũng tin tưởng Như, giúp Như rút tiền từ ngân hàng VIB. Cùng có hành vi tương tự, nhưng trong khi 12 người này không bị xem xét xử lý hình sự hoặc được miễn trách nhiệm hình sự, thì Lành lại bị xem xét trách nhiệm hình sự. Như vậy là không công bằng, không bình đẳng. Nếu không xem xét xử lý những người khác thì không thể truy tố bị cáo Lành. Hơn nữa, trước khi bị khởi tố, Lành cũng đã nộp đủ tiền khắc phục hậu quả...

LS Trương Thị Hòa (bào chữa cho Huỳnh Mỹ Hạnh - chị ruột Như): Lỗi ở ngân hàng

LS Hòa cho biết khá bất ngờ khi nghe VKS đề nghị mức án  16-18 năm tù về tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản đối với Hạnh. Theo LS Hòa, Hạnh hoàn toàn không biết chuyện Như làm giả con dấu và giả chữ ký của Võ Tuấn Anh.

Hơn nữa, nếu ngân hàng VIB thực hiện đầy đủ các thủ tục thì không có chuyện bị lừa 15 tỉ... Cáo trạng cũng đã xác định Như sử dụng tiền này trả lại cho VIB.

Ngân hàng không xác minh, thủ tục cho vay lại lỏng lẻo, toàn bộ hồ sơ vay chỉ ký một lần trong một ngày. VIB bị chiếm đoạt 180 tỉ, trong đó chỉ có một hợp đồng do Hạnh ký.

Hạnh cũng không tham gia bàn bạc với Như để lừa đảo chiếm đoạt tiền của ngân hàng.

Hạnh là chị ruột, do cả tín em ruột nên làm theo ý em (Như bảo Như không làm gì sai; Như bảo Như có tiền trong ngân hàng VietinBank chi nhánh Nhà Bè dù thực sự không có)

Cáo trạng khẳng định Hạnh giúp sức Như vì ký tên vào hợp đồng vay tiền, vậy mức độ của Hạnh đến đâu? 

LS Hòa xin HĐXX xem xét khoan hồng cho Hạnh vì Hạnh mới học hết lớp 9, không hề có động cơ mục đích ăn chia hay hưởng lợi, chỉ vì muốn giúp em gái, hiện ba con nhỏ, gia đình có công cách mạng... 

LS Nguyễn Văn Ngoan: Huyền Như đúng là siêu lừa nhưng cần xem xét

LS Nguyễn Văn Ngoan (Đoàn LS TP.HCM), cũng là luật sư bào chữa cho Huyền Như. Theo LS Ngoan, Như là một phụ nữ nhiều năng lực, tự tin vào khả năng lập nghiệp của mình. Không may, năm 2010, kinh tế suy thoái, bất động sản đóng băng, Như vì không muốn gia đình mất uy tín, danh dự nên rơi vào vòng xoáy nợ nần, những mong BĐS và CK hồi phục để có tiền trả nợ.

LS khẳng định đúng là Huyền Như là siêu lừa nhưng phía sau vụ án còn nhiều vấn đề cần xem xét.

Có ngày Như phải trả lãi lên đến 5%-6%. Có thể nói Như là nạn nhân của việc kinh doanh rủi ro, của nền kinh tế đầy biến động.

Như đã tự nguyện nộp lại 80 tỉ khắc phục hậu quả. Gia đình Như là gia đình có công cách mạng, cha là bộ đội, mẹ tham gia kháng chiến. Như hiện đang làm mẹ đơn thân, sinh con và nuôi con trong tù

LS tha thiết đề nghị HĐXX khi lượng hình xem xét những tình tiết giảm nhẹ để Như sớm có cơ hội tái hòa nhập cộng đồng và thực hiện thiên chức làm mẹ.

Huyền Như nhờ LS chuyển lời tạ lỗi đến các tổ chức, cá nhân là nạn nhân của Như, đồng gửi lời xin lỗi đến các cộng sự vì tin tưởng vào Như mà vi phạm pháp luật.

Huyền Như đối mặt với án chung thân, Vietinbank sẽ phải tranh tụng tại tòa ảnh 1
 

Sáng nay (13-1), trong phiên tòa xét xử vụ Huyền Như ngày thứ 6, Viện kiểm sát (VKS) đã đề nghị mức án cao nhất là chung thân cho Huyền Như và Võ Anh Tuấn. 

Vì lý do sức khỏe nên KSV Phạm Thị Thu Hà không thể tham gia phiên tòa, KSV Trần Ngọc quang đã thay thế thực hiện quyền công tố và kiểm sát xét xử. Nhiều ngày qua, KSV Quang đã theo dõi phiên tòa này.

5 luật sư là luật sư của nguyên đơn dân sự, bị hại gửi đơn kiến nghị yêu cầu được tiếp tục thẩm vấn đại diện VietinBank và đề nghị VietinBank phải trả lời. Tuy nhiên, chủ tọa phiên tòa cho biết trong phiên xét xử trước HĐXX đã thông báo vào phần tranh tụng thì VietinBank sẽ phải tranh tụng tại tòa. Bởi vậy, phiên tòa chuyển sang phần tranh luận.

Huyền Như đối mặt với án chung thân, Vietinbank sẽ phải tranh tụng tại tòa ảnh 2

VKS đề nghị: 

- Huỳnh Thị Huyền Như (nguyên phó phòng quản lý rủi ro Vietinbank chi nhánh TP.HCM): mức án chung thân về tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản, 5-7 năm về tội làm giả con dấu, tài liệu của cơ quan tổ chức. Tổng hợp hình phạt là chung thân.

- Võ Anh Tuấn (nguyên cán bộ văn phòng VietinBank chi nhánh TP.HCM): mức án chung thân về tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản với vai trò giúp sức tích cực cho Như chiếm đoạt 1.678 tỷ đồng của 4 công ty: Thái Bình Dương, Phúc Vinh, Thịnh Phát, Hưng Yên.

Ngoài ra, VKS kiến nghị khởi tố thêm nhiều cá nhân khác liên quan trong vụ án này.

Pháp Luật TPHCM sẽ tiếp tục cập nhật tên cá nhân bị đề nghị khởi tố và cập nhật mức án dành cho các bị cáo khác.

PHƯƠNG LOAN

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm