Thực hiện Chỉ thị số 15/CT-TTg ngày 14-5-2016 của Thủ tướng Chính phủ về tăng cường chỉ đạo kỳ thi THPT quốc gia năm 2016 (viết tắt là kỳ thi), Bộ GD&ĐT yêu cầu các ĐH, học viện, các trường ĐH, CĐ (sau đây gọi chung là các trường) thực hiện tốt các công việc sau:
Thứ nhất, các trường được giao nhiệm vụ chủ trì cụm thi cần chủ trì phối hợp với các sở GD&ĐT và các trường được giao nhiệm vụ phối hợp tổ chức cụm thi triển khai phương án tổ chức cụm thi theo đúng kế hoạch; bố trí đầy đủ đội ngũ cán bộ, giảng viên đủ tiêu chuẩn tham gia các khâu của kỳ thi; nghiêm túc triển khai việc tập huấn, quán triệt nhiệm vụ cho những người được cử tham gia tổ chức kỳ thi, nhất là đối với cán bộ tham gia coi thi, chấm thi.
Kỳ thi THPT sẽ diễn ra từ ngày 1 đến 4-7.
Rà soát tổng thể kế hoạch triển khai kỳ thi; cùng Ban Chỉ đạo thi cấp tỉnh kiểm tra cụ thể sự phối hợp với các sở, ban, ngành, các cơ quan đoàn thể tại địa phương, bảo đảm an ninh, trật tự, không để xảy ra ách tắc giao thông ở các điểm thi; bảo đảm an toàn vệ sinh thực phẩm, điện nước và làm tốt công tác huy động các tổ chức, cá nhân, các lực lượng xã hội tham gia hỗ trợ cho thí sinh và người nhà trong việc ăn, nghỉ, đi lại; xây dựng các phương án dự phòng để xử lý các tình huống bất thường như thời tiết, thiên tai, cháy nổ. Kiểm tra, rà soát các điều kiện về cơ sở vật chất, phòng thi, bảo đảm an ninh, an toàn và điều kiện y tế tại các điểm thi.
Ngoài ra, chủ trì, phối hợp với các đơn vị được giao nhiệm vụ phối hợp triển khai thực hiện tốt các công việc về in sao, vận chuyển và bảo quản đề thi tuyệt đối an toàn, coi thi, chấm thi, phúc khảo…
Thứ hai, các trường được giao nhiệm vụ phối hợp tổ chức thi phải phối hợp với đơn vị chủ trì cụm thi chuẩn bị và tổ chức tốt kỳ thi theo phân công. Phối hợp với đơn vị chủ trì cụm thi để huy động đội ngũ cán bộ, giảng viên tham gia coi thi, chấm thi, phúc khảo bảo đảm đủ số lượng, đúng thành phần quy định.
Đồng thời, huy động cơ sở vật chất, trường, lớp cho tổ chức kỳ thi theo đề nghị của đơn vị chủ trì cụm thi ĐH; bố trí ký túc xá cho thí sinh và người nhà có nhu cầu sử dụng trong những ngày thi (nếu đơn vị phối hợp thuộc địa bàn tổ chức cụm thi).
Thứ ba, công tác tuyển sinh ĐH, CĐ phải được thông tin kịp thời, đầy đủ, công khai, minh bạch phương án tuyển sinh, các quy định về tuyển sinh, kết quả tuyển sinh của đơn vị theo quy định của quy chế tuyển sinh ĐH, CĐ hệ chính quy hiện hành và các văn bản hướng dẫn tuyển sinh ĐH, CĐ năm 2016 của Bộ GD&ĐT.
Lựa chọn phần mềm xét tuyển phù hợp; kiểm tra độ tin cậy của phần mềm, đặc biệt là phần mềm xét tuyển do các trường tự viết, tuyệt đối không để xảy ra sai sót mang tính hệ thống khi phần mềm xét tuyển không thể hiện đầy đủ quy định của quy chế tuyển sinh hiện hành. Thông báo kịp thời kết quả xét tuyển, kết quả đăng ký nhập học (khi nhận giấy báo kết quả thi của thí sinh) sau mỗi đợt xét tuyển, chỉ tiêu các ngành xét tuyển các đợt bổ sung.
Ngoài ra, các trường cần thành lập tổ tư vấn, thiết lập và công bố đường dây nóng để giải đáp các thắc mắc liên quan đến công tác xét tuyển của trường và chế độ ưu tiên trong tuyển sinh...
Do đó, Bộ GD&ĐT yêu cầu giám đốc các ĐH, học viện, hiệu trưởng các trường ĐH, CĐ có trách nhiệm phổ biến và tổ chức thực hiện tốt các nội dung của chỉ thị này.