Cách chống dịch cứng rắn của Trung Quốc và những lo ngại

Số ca nhiễm COVID-19 trong cộng đồng ở Trung Quốc (TQ) vẫn tiếp tục tăng mạnh trong nhiều ngày gần đây. Tờ Hoàn Cầu thời báo dẫn thống kê của Ủy ban Y tế quốc gia (NHC) nước này hôm 11-8 thông báo có thêm 83 ca nhiễm COVID-19 mới trong 24 giờ qua, tuy có giảm so với số ca nhiễm cộng đồng mới được ghi nhận ngày trước đó là 108 nhưng vẫn nằm trong mức cao nhất trong gần bảy tháng qua. Chưa có thêm có ca tử vong.

Người dân TP Nam Kinh, tỉnh Giang Tô xét nghiệm COVID-19 hôm 8-8.
Ảnh: GETTY

Theo NHC, đợt dịch mới chủ yếu là do biến thể Delta xâm nhập TQ và đang lây lan mạnh; ít nhất 20 TP đã báo cáo có ca nhiễm biến thể này từ cuối tháng 7. Để đối phó tình hình mới, chính quyền nước này vẫn tiếp tục cách tiếp cận quyết liệt như đợt dịch hồi năm ngoái.

Trung Quốc bước vào cuộc chiến mới với biến thể Delta

Hiện phản ứng của giới chức Trung Quốc trước tình hình mới bao gồm triển khai các chiến dịch xét nghiệm COVID-19 trên diện rộng, áp dụng lệnh phong tỏa ở các khu dân cư có ca nhiễm, hạn chế đường bay nội địa giữa các tỉnh đang có dịch, hoãn các sự kiện công cộng đông người và gấp rút thử nghiệm việc tiêm liều bổ sung để tăng khả năng chống lại biến thể Delta cho người dân, theo đài CBS News.

Tâm dịch mới của nước này hiện nay là TP Nam Kinh thuộc tỉnh Giang Tô ở miền Nam TQ. Địa phương này hiện nay đã ghi nhận hơn 200 ca nhiễm mới trong cộng đồng, kể từ cuối tháng 7 xuất phát ổ dịch ở sân bay quốc tế Lộc Khẩu Nam Kinh. Đến nay, toàn bộ 9 triệu dân của Nam Kinh đã phải làm xét nghiệm COVID-19 bắt buộc. Các khu dân cư có nguy cơ cao và trung bình đều bị phong tỏa, sân bay ngưng hoạt động, còn xe buýt bị cấm ra khỏi TP. Trong trường hợp muốn di chuyển qua địa phương khác thì người dân phải có kết quả xét nghiệm âm tính với COVID-19 trong vòng 48 giờ trước khi khởi hành.

Các khu vực đô thị chính, đông dân cư của TP Dương Châu gần đó cũng bị phong tỏa, sau khi cảnh sát phát hiện một trường hợp khai báo không trung thực lịch sử đi lại, dẫn tới bùng phát dịch bệnh trong TP.

Một sự kiện siêu lây truyền virus thứ hai được cho là cũng xảy ra hồi cuối tháng 7 tại một buổi biểu diễn ở nhà hát TP Trương Gia Giới thuộc tỉnh Hồ Nam, nơi hàng ngàn khán giả ngồi san sát nhau. 1,5 triệu người ở Trương Gia Giới hiện cũng chịu lệnh phong tỏa và không ai được phép rời khỏi địa phương.

Còn ở TP Vũ Hán thuộc tỉnh Hồ Bắc, nơi đầu tiên phát hiện các ca nhiễm COVID-19 trên thế giới, giới chức ở đây cũng đang tiến hành xét nghiệm bắt buộc cho toàn bộ 11 triệu dân sau khi phát hiện ba ca lây nhiễm trong cộng đồng hôm 2-8, kết thúc chuỗi một năm liên tiếp không ghi nhận ca nhiễm mới nào.

Ngoài ra, giới chức y tế TQ mới đây cũng đã vừa phê duyệt việc thử nghiệm tiêm trộn đối với vaccine do hãng dược trong nước Sinovac sản xuất và vaccine do công ty Công nghệ sinh học Mỹ Inovio điều chế, theo tờ South China Morning Post. Lý do được đưa ra là việc một số nghiên cứu trong nước này chỉ ra rằng vaccine của các hãng dược TQ, đặc biệt là vaccine của Sinovac, cho hiệu quả không cao.

Đơn cử, Giám đốc Trung tâm Kiểm soát và phòng ngừa dịch bệnh TQ (CCDC) Cao Phúc tuần trước có đăng tải một bài nghiên cứu trên chuyên trang y khoa medRxiv.org khẳng định lượng kháng thể giảm rõ rệt sau sáu tháng tiêm hai liều của Sinovac ở người cao tuổi và khuyến nghị tiêm bổ sung liều thứ ba.

Chuyên gia nói gì về cách chống dịch của Trung Quốc?

Dù đã chứng minh được hiệu quả trong kiểm soát thành công đợt dịch năm ngoái và giúp TQ trở thành nước đầu tiên trên thế giới thoát dịch, các biện pháp chống dịch quyết liệt nói trên khi đem áp dụng cho đợt bùng phát do biến thể Delta gây ra hiện nay lại là một câu chuyện khác. Tờ The Nikkei cho biết trong một hội thảo y khoa trực tuyến ngày 8-8, Trưởng nhóm dịch tễ học thuộc CCDC - ông Zeng Guang cho biết biến thể Delta khó kiểm soát hơn gấp 10 lần so với chủng gốc, do đó đặt ra thách thức lớn đối với chiến lược cứng rắn của TQ và mục tiêu loại sạch mầm mống bệnh trong cộng đồng.

“Dù số ca nhiễm ở TQ vẫn còn tương đối thấp so với Mỹ và các nơi khác, khả năng lây lan nhanh chóng của biến thể Delta khiến cả những người đã được tiêm chủng vaccine COVID-19 cũng có thể nhiễm bệnh. Chúng ta vì thế cần phải chuyển trọng tâm khỏi việc loại bỏ hoàn toàn virus và các ca bệnh vì việc xóa sổ hoàn toàn SARS-CoV-2 hiện nay dường như là không thể. Cần phải nới lỏng biện pháp hạn chế đi lại để tránh ảnh hưởng nhiều hơn tới nền kinh tế” - ông Zeng khẳng định.

Đồng quan điểm, chuyên gia về bệnh truyền nhiễm tại BV Nhân dân số 8 ở TP Quảng Châu thuộc tỉnh Quảng Đông - ông Cai Weiping chỉ ra rằng đa số ca nhiễm trong đợt dịch hiện nay đều ở mức nhẹ, do đó không nên cảm thấy hoảng sợ hay bị áp lực. “Giữ không có ca nhiễm bệnh nào là điều hoàn toàn không khả thi xét trong bối cảnh toàn cầu là hầu như nước nào cũng có ca nhiễm biến thể Delta. Nhiều nước cũng đã tính tới mở cửa biên giới mà không cần phải chờ đến khi không còn ca COVID-19 nào” - ông Cai chia sẻ.

Không chỉ học giả TQ mà giới chuyên gia phương Tây cũng đồng ý là các nước như TQ nên từ bỏ mục tiêu không còn F0 trong cộng đồng mà nên chấp nhận sống chung với COVID-19 trong tương lai. Trả lời hãng tin Reuters, chuyên gia virus học Lu Mengji thuộc ĐH Duisburg-Essen (Đức) nhấn mạnh nhiệm vụ chính của việc phong tỏa, cách ly chỉ nên là đẩy đường cong của dịch xuống dưới ngưỡng mà hệ thống y tế có thể chịu được mà không bị quá tải. Sau khi đạt được điều đó thì phải song song việc nới lỏng các biện pháp này và đẩy nhanh tiến độ tiêm vaccine.

“Người dân TQ cần được tiêm thêm vaccine, thêm liều thứ ba hoặc thứ tư nếu cần để chuẩn bị cho biến thể Delta. Đồng thời, chính quyền TQ cũng nên thúc đẩy phát triển các loại vaccine mới hiệu quả hơn, cần ít liều tiêm hơn vì đây mới là giải pháp kiểm soát dịch lâu dài mà không ảnh hưởng tới kinh tế, giúp giảm được số ca nặng phải nhập viện và số ca tử vong” - ông Lu cho hay.•

Các quốc gia khác, dù phải bắt buộc lựa chọn hay do hoàn cảnh, đều đang tìm cách sống chung với đại dịch. Mặc dù biện pháp này có thể dẫn đến tỉ lệ tử vong cao hơn nhưng sẽ giúp khôi phục nền kinh tế nhanh hơn. Trên thực tế, đây có thể là lựa chọn duy nhất của TQ vì đại dịch đã lây lan ra toàn cầu.

GS An ninh y tế NICHOLAS THOMASĐH Hong Kong 

 

Nhiều nước châu Á đã sẵn sàng sống chung với dịch

Khác với TQ, một số nước châu Á cũng chống dịch thành công hồi năm ngoái như Singapore hay Hàn Quốc hiện đã bắt đầu chuẩn bị cho các bước sống chung với dịch để đảm bảo tăng trưởng kinh tế.

Ở Singapore, tờ The Straits Times cho biết giới chức y tế nước này đã bắt đầu xếp COVID-19 vào loại bệnh đặc hữu (endemic), tức là bệnh tồn tại lâu dài trong cộng đồng nhưng có thể phòng ngừa như sốt xuất huyết hoặc cúm. Từ ngày 10-8, Singapore cho phép mở lại các nhà hàng, quán ăn, tụ điểm giải trí cũng như giới hạn số người tập trung công cộng từ hai lên năm với điều kiện là người đó đã được tiêm chủng đầy đủ. Singapore cũng mở cửa biên giới và cho phép nhập cảnh người nước ngoài sang đây làm việc cùng người thân, cũng với điều kiện là tiêm chủng đầy đủ. Nếu thành công, Singapore dự kiến sẽ mở cửa hoàn toàn, trở lại bình thường trong vài tháng tới.

Ở Hàn Quốc, giới hữu trách tìm cách cân bằng chống dịch và phát triển kinh tế bằng việc đề ra nhiều cấp độ hạn chế đi lại khác nhau theo tình trạng dịch ở địa phương với cấp nhẹ nhất là có thể tập trung tối đa 100 người ở nơi cộng đồng và nặng nhất là kiểu phong tỏa giống TQ, theo đài KBS. Các tụ điểm vui chơi, ăn uống vẫn tiếp tục được mở cửa tự do. Trong khi đó, việc truy quét F0, F1 chủ yếu nhờ vào tinh thần tự giác đi xét nghiệm của người dân cộng với một số đợt xét nghiệm bắt buộc định kỳ. Các ca nhiễm và nghi nhiễm hầu hết được cách ly tại nhà có hỗ trợ y tế nên người dân không bị áp lực tâm lý dẫn tới sợ khai báo, ngại cách ly. Các chi phí điều trị cũng được miễn phí hoàn toàn.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm