Ngoại giao COVID-19 của Trung Quốc dù bị phương Tây đón nhận e dè nhưng lại có vẻ đang thắng thế ở châu Á, báo South China Morning Post ngày 19-4 nhận định. Trung Quốc đang dần khẳng định chỗ đứng của mình ở châu Á thông qua các khoản viện trợ chống COVID-19, dù cho các nước phương Tây hoài nghi về chất lượng và động cơ của các khoản hỗ trợ này.
South China Morning Post điểm lại rằng Trung Quốc đã gửi các nhóm chuyên gia đến Campuchia, Philippines, Myanmar, Pakistan và mới đây nhất là Malaysia để chia sẻ kinh nghiệm kiểm soát đại dịch COVID-19.
Bắc Kinh quyên tặng hoặc tạo điều kiện cho các chuyến hàng khẩu trang y tế và máy trợ thở cho các nước có nhu cầu. Khác với việc phàn nàn về chất lượng các lô hàng như các nước châu Âu đã làm, các quốc gia châu Á đã hoan nghênh sự hỗ trợ của Trung Quốc.
Một nhân viên y tế Trung Quốc kiểm đếm lô khẩu trang viện trợ cho các nước chống dịch COVID-19. Ảnh: TÂN HOA XÃ
Các lãnh đạo Trung Quốc cũng tổ chức hàng loạt "cuộc họp đặc biệt" trực tuyến với lãnh đạo các nước châu Á với nội dung xoay quanh đại dịch COVID-19. Mới đây nhất, Thủ tướng Trung Quốc Lý Khắc Cường đã tham gia cuộc họp đặc biệt của nhóm ASEAN+3 hôm 14-4.
Các quan chức châu Á nói gì?
Nhiều chính trị gia phương Tây công khai đặt câu hỏi về cách Trung Quốc xử lý cuộc khủng hoảng y tế trong nước. Trong khi đó, các lãnh đạo châu Á dường như không ưu tiên việc thể hiện sự nghi ngờ trước Bắc Kinh.
Một quan chức ở một nước châu Á nói với South China Morning Post rằng chính phủ nước này không quan tâm nhiều tới vấn đề nội bộ của Trung Quốc khi chính mình đang đối mặt với sự gia tăng nhanh chóng số ca nhiễm và ca tử vong vì COVID-19 trong nước mình.
"Bây giờ mọi người đều chỉ quan tâm tới việc kết thúc thời kỳ cách ly phòng dịch. Trung Quốc đã và đang hỗ trợ rất nhiều cho chúng tôi. Họ ở gần chúng tôi nên việc nhận các lô hàng từ họ là dễ dàng hơn. Việc cung cấp trang thiết bị y tế - điều chúng tôi cần ngay lúc này - vẫn tiếp tục" - vị quan chức này nói.
Người này cho biết thêm rằng các nhóm chuyên gia Trung Quốc chủ yếu chỉ quan sát và tư vấn cho công tác phòng dịch ở các nước được hỗ trợ, song sự hỗ trợ của Bắc Kinh đáng được đánh giá cao.
Trong khi đó, một quan chức khác cũng ở châu Á cho rằng "bởi vì dịch bệnh xảy ra ở Trung Quốc đầu tiên, điều này cho phép chúng tôi có thời gian để xem xét những công việc mà Trung Quốc đã làm và áp dụng vào quốc gia mình".
Quan chức này cũng cho rằng phương Tây có thể làm tốt hơn nếu không phản ứng chậm chạm trước đại dịch. Chính thực tế này khiến châu Á hoan nghênh sự giúp đỡ của Trung Quốc, dù có nghi ngờ về mức độ minh bạch thông tin từ Bắc Kinh hay không. Điều này phần nào có lợi cho Trung Quốc thể hiện vị thế của mình trong cuộc chiến chống COVID-19 trên toàn cầu.
Giới học giả: Mỹ rút lui, Trung Quốc chỉ tận dụng cơ hội
Các chuyên gia trong khu vực cho rằng Bắc Kinh đang tăng cường chiến dịch "ngoại giao khẩu trang" ở châu Á để lấy lại danh tiếng sau những phàn nàn từ các đối tác châu Âu.
Giáo sư Richard Heydarian đến từ Đại học De La Salle (Philippines), cho rằng "hơn hai tháng qua, sau khi kiểm soát được dịch COVID-19, Trung Quốc đang sử dụng một cách rất hợp lý để định hình lại câu chuyện, để chặn trước chuyện Trung Quốc phải chịu trách nhiệm cho đại dịch toàn cầu này" như bồi thường thiệt hại từ đại dịch cho các nước khác.
Ông Heydarian cho rằng khó có thể trông chờ vào sự giúp đỡ từ Mỹ vì nước này "đang bị phong tỏa và có cuộc khủng hoảng trong nước". Ông cũng mô tả Tổng thống Mỹ Donald Trump là "một người thích chơi trò đổ lỗi cho người khác hơn là hành động như một nhà lãnh đạo toàn cầu".
Ngày 5-4, một nhóm chuyên gia Trung Quốc đã đến Manila, Philippines để giúp quốc gia Đông Nam Á này chống lại dịch COVID-19. Ảnh: ĐSQ TQ tại PHILIPPINES
Chuyên gia phân tích chính sách đối ngoại và an ninh thuộc Viện Nghiên cứu chiến lược và quốc tế Malaysia - ông Shahriman Lockman, cho rằng Mỹ đã rút khỏi cuộc chiến chống dịch toàn cầu khi vật lộn với dịch bệnh trong nước. Nhờ đó, Trung Quốc nhận thấy Đông Nam Á là địa bàn lý tưởng để xây dựng hình ảnh của một người sẵn sàng giúp đỡ.
Ông cho rằng Trung Quốc đang tích cực đánh bóng tên tuổi của mình và cũng "khá thành công trong việc định hình quan điểm chung của người dân Đông Nam Á về cách Trung Quốc chống dịch".
"Năng lực và ý chí của họ trong việc xây dựng bệnh viện ngay từ rất sớm và phong tỏa hàng triệu người dân đang được so sánh với cách phản ứng thiếu quyết đoán và hỗn loạn hơn của phương Tây, nhất là ở Anh và Mỹ" - ông Lockman nói.
Chuyên gia này cho rằng các quốc gia Đông Nam Á đã thận trọng để không bị kéo vào cuộc tranh cãi giữa Mỹ và Trung Quốc về nguồn gốc của đại dịch lần này.
Ông cho rằng chính phủ các nước thuộc Hiệp hội Các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN) "sẽ cố gắng hết sức để tránh" bị lôi kéo vào căng thẳng Trung-Mỹ về đại dịch COVID-19 vì cuộc tranh cãi này là "biểu hiện của sự cạnh tranh Trung-Mỹ".
Chuyên gia Lockman cũng cho rằng thị trường rộng lớn của Trung Quốc được coi là một hướng đi không thể thay thế được cho sự khôi phục kinh tế hậu đại dịch ở khu vực Đông Nam Á.
Tính đến 1 giờ chiều 20-4, số ca nhiễm COVID-19 trên toàn thế giới là 2.407.562 người, trong đó 165.082 người đã tử vong.
Mỹ vẫn là ổ dịch lớn nhất thế giới với 764.265 ca nhiễm và 40.565 ca tử vong. Trong khi đó, tình hình dịch COVID-19 Trung Quốc đã được kiểm soát. Số ca nhiễm mới trong ngày ít khi vượt quá 100 trường hợp. Tổng số ca nhiễm COVID-19 ở Trung Quốc đang là 82.747 người, trong đó 4.632 người tử vong, theo chuyên trang thống kê Worldometer.
Ở châu Á (không tính Nga và Thổ Nhĩ Kỳ), tổng số ca nhiễm là 297.044 và tổng số ca tử vong được thống kê là 12.783 người. Riêng 10 nước ASEAN có 28.234 ca nhiễm và 1.144 ca tử vong.