Cách để "trị" những học sinh nóng tính, hay kèn cựa nhau

(PLO)-  Theo hiệu trưởng Trường THCS Bình An (TP Thủ Đức, TP.HCM), nhiều em học sinh nóng tính, hay kèn cựa nhau, khi xem được diễn biến phiên tòa giả định này sẽ biết được hành vi nào là sai, cần tránh.
0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam

Ngày 5-4, Hội LHPN phường An Khánh (TP Thủ Đức, TP.HCM) phối hợp cùng Chi hội Luật sư Hội Bảo vệ quyền Trẻ em TP.HCM tổ chức buổi tuyên truyền phổ biến giáo dục pháp luật bằng hình thức phiên tòa giả định với chủ đề: “Phòng, chống bạo lực học đường”.

Chương trình được tổ chức nhằm hướng dẫn học sinh cách phòng, chống nạn bạo lực học đường. Ảnh: TRẦN LINH

Chương trình được tổ chức nhằm hướng dẫn học sinh cách phòng, chống nạn bạo lực học đường. Ảnh: TRẦN LINH

Đây là lần đầu tiên, chương trình được tổ chức tại Trường THCS Bình An (phường An Khánh, TP Thủ Đức). Hoạt động này được tổ chức nhằm tuyên truyền, nâng cao nhận thức của thanh, thiếu niên về thực trạng bạo lực học đường; hướng dẫn các em nhận biết các hành vi và biện pháp phòng, chống nạn bạo lực học đường hiện nay.

Nội dung vụ án xét xử giả định như sau: Một nam sinh rủ bạn bè hẹn "nói chuyện" với nhóm có mâu thuẫn với bạn gái của mình trên mạng xã hội. Hậu quả là nạn nhân bị cây sắt đánh hai cái trúng vào đầu, bị chấn thương đầu, tỉ lệ thương tích 10%. Người gây ra thương tích cho nạn nhân bị truy tố tội “Cố ý gây thương tích”. Tòa xử phạt bị cáo 2 năm tù, cho hưởng án treo, thời gian thử thách là 4 năm tính từ ngày tuyên án.

Tại tòa, vị chủ tọa đã giải thích cho bị cáo hiểu: bị cáo còn nhỏ, chưa thành niên; phải biết sống có trách nhiệm; không hủy hoại thân thể, danh dự, nhân phẩm, tài sản của bản thân. Thế nhưng bị cáo lại hung hăng, sẵn sàng dùng bạo lực để giải quyết những mâu thuẫn nhỏ nhặt, không đáng có.

Hai diễn viên đóng vai bị cáo và bị hại. Ảnh: TRẦN LINH

Hai diễn viên đóng vai bị cáo và bị hại. Ảnh: TRẦN LINH

Diễn vai bị cáo, bị hại là hai bạn sinh viên năm nhất của Trường Đại học Luật TP.HCM. Hai bạn đã có những trải nghiệm thú vị khi lần đầu được tham dự phiên tòa giả định.

Võ Đức Công (diễn vai bị cáo) cho biết: “Ban đầu nhận được thông tin chương trình, em rất tò mò nên xung phong đăng ký nhưng cũng cảm thấy rất hồi hộp. Phía trước là HĐXX, phía sau là chú công an, bản thân lại đứng trước vành móng ngựa vì phạm tội, nên em thấy hơi run. Nhưng vì là phiên tòa giả định và xét xử cho học sinh coi nên những phần xét hỏi, tranh luận bớt gay gắt hơn, em cũng cảm thấy bớt áp lực”.

Nguyễn Phan Văn Chiến (diễn vai bị hại) chia sẻ: “Đây là lần đầu tiên em được tham dự phiên tòa, mặc dù chỉ là xét xử giả định vụ án nhưng em thấy không khí thật trang nghiêm. Những buổi đi thực tế như này, mang lại cho em nhiều trải nghiệm thú vị, kiến thức thực tiễn và gặp gỡ được nhiều các cô, chú luật sư”.

Cô Nguyễn Tiến Hiệp - Hiệu trưởng Trường THCS Bình An. Ảnh: TRẦN LINH

Cô Nguyễn Tiến Hiệp - Hiệu trưởng Trường THCS Bình An. Ảnh: TRẦN LINH

Biết cách dùng lẽ phải xử lý mọi vấn đề theo đúng pháp luật

Đây là lần đầu tiên chương trình này được tổ chức tại trường, nhiều sự mới mẻ đối với các em học sinh, cũng như là với thầy cô giáo.

Phiên tòa giả định là hình thức truyền đạt, giáo dục học sinh rất hay. Nhiều em học sinh nóng tính, hay kèn cựa nhau thì khi xem được diễn biến phiên tòa giả định, các em sẽ biết được hành vi nào là sai, cần sửa đổi.

Mong rằng các em luôn được an toàn trong chính ngôi trường đang học. Càng lớn các em càng biết cách dùng lẽ phải xử lý mọi vấn đề theo đúng pháp luật.

NGUYỄN TIẾN HIỆP, Hiệu trưởng Trường THCS Bình An

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm