Hiện nay, việc quản lý và sử dụng con dấu trong các cơ quan, tổ chức nhà nước được thực hiện theo quy định tại Nghị định 99/2016 và Nghị định 30/2020 của Chính phủ; tùy từng loại dấu mà có cách đóng khác nhau.
Cách đóng dấu chữ ký
Dấu chữ ký là dấu được đóng trên chữ ký của người có thẩm quyền ký ban hành văn bản, đây là con dấu khẳng định giá trị pháp lý của văn bản.
Điều 32, 33 Nghị định 30/2020 quy định khi đóng đóng dấu chữ ký cần lưu ý:
- Đóng dấu sau khi có chữ ký của người có thẩm quyền, không đóng dấu khi chưa có chữ ký.
- Khi đóng dấu lên chữ ký, dấu đóng phải trùm lên khoảng 1/3 chữ ký về phía bên trái.
- Dấu đóng phải rõ ràng, ngay ngắn, đúng chiều và dùng đúng mực dấu màu đỏ theo quy định.
Cách đóng dấu chữ ký. Ảnh: QL |
Cách đóng dấu treo
Cách thức đóng dấu treo sẽ do người đứng đầu cơ quan, tổ chức quy định chứ không có chuẩn chung luật định. Thông thường, khi đóng dấu treo thì đóng lên trang đầu, trùm lên một phần tên cơ quan, tổ chức hoặc tên của phụ lục kèm theo văn bản chính theo quy định tại Điều 33 Nghị định 30/2020.
Việc đóng dấu treo lên văn bản không khẳng định giá trị pháp lý của văn bản đó mà chỉ nhằm khẳng định văn bản được đóng dấu treo là một bộ phận của văn bản chính, ví dụ như đóng dấu treo vào phụ lục văn bản.
Cách đóng dấu giáp lai
Dấu giáp lai đóng vào khoảng giữa mép phải của văn bản hoặc phụ lục văn bản, trùm lên một phần các tờ giấy; mỗi dấu đóng tối đa năm tờ văn bản theo Điều 33 Nghị định 30/2020.
Lưu ý, những quy định nêu trên áp dụng bắt buộc đối với cơ quan, tổ chức nhà nước và doanh nghiệp nhà nước. Tổ chức chính trị, tổ chức chính trị - xã hội, tổ chức xã hội, tổ chức xã hội - nghề nghiệp căn cứ quy định trên và các quy định của Đảng, của pháp luật có liên quan để áp dụng cho phù hợp.