Cách hạn chế mua nhầm hàng giả trên các kênh livestream

Livestream đang trở thành xu hướng trong mùa dịch COVID-19

Với chi phí đầu tư thấp, không tốn tiền mặt bằng, livestream đã và đang trở thành hình thức bán hàng trực tuyến mang lại nhiều lợi ích cho cả người bán lẫn người mua. 

Đa số các nền tảng mạng xã hội hiện nay (Facebook, YouTube, TikTok) đều có chức năng livestream, do đó bất cứ ai cũng có thể mở “gian hàng ảo” để giới thiệu sản phẩm. Tuy nhiên, việc mua hàng thông qua các kênh livestream cũng tiềm ẩn nhiều rủi ro, đơn cử như lộ thông tin cá nhân, mua nhầm phải hàng giả… 

Anh Nguyễn Phạm Hoàng Huy, Giảng viên Trường Cao đẳng FPT Polytechnic (ngành Thương mại điện tử), cho biết: “Đa phần các sản phẩm được rao bán trên các kênh livestream đều là hàng giả, yếu tố đầu tiên để nhận biết chính là mức giá rẻ bất thường. Ví dụ các mẫu đồng hồ, thời trang cao cấp như Rolex, Gucci… lại được bán với giá chỉ 500.000 - 700.000 đồng”.  

Để tăng mức độ tin cậy, người bán sẽ giới thiệu sản phẩm là hàng giảm giá do dịch, hàng công ty tuồn ra ngoài, hàng si thật… nên giá rẻ hơn so với thị trường, tuy nhiên, thực chất đây chỉ là hàng nhái, hàng giả. 

Làm thế nào để hạn chế mua nhầm phải hàng giả trên các kênh livestream?

Bên cạnh đó, người bán còn sử dụng một số chiêu trò để khiến bạn phải “rút hầu bao”, đơn cử như chốt đơn ảo, “chim mồi” (bạn bè hoặc người quen của shop sẽ vào bình luận và để lại thông tin để chốt đơn), số lượng có hạn… Đây là những kiểu giới thiệu dễ tác động đến hành vi mua sắm, đánh vào tâm lý sợ bỏ lỡ và thôi thúc người dùng nhanh chóng mua hàng. 

Tuy nhiên, trái với những lời quảng cáo từ phía chủ shop, không ít người đã nhận phải “trái đắng” khi mua hàng qua mạng, chưa kể đến việc lộ lọt thông tin cá nhân sau những lần chốt đơn. 

“Để hạn chế tình trạng bị rò rỉ thông tin, người dùng nên chia sẻ càng ít thông tin càng tốt. Đồng thời tạo thêm một địa chỉ email hoặc số điện thoại phụ dùng để mua hàng trực tuyến. Trong trường hợp bị tấn công hoặc rò rỉ dữ liệu, bạn cũng không cần phải quá quan tâm vì đó chỉ là email, số điện thoại phụ” - Anh Võ Đỗ Thắng, Giám đốc Trung tâm An ninh mạng Athena chia sẻ.

Dù Facebook đã nhiều lần cải thiện thuật toán nhưng vẫn chưa thể phát hiện hoàn toàn các sản phẩm nhái trong video. Do đó, người dùng cần phải hết sức tỉnh táo khi mua hàng qua livestream, đặc biệt là những sản phẩm hàng hiệu có mức giá rẻ bất ngờ. 

Việc lựa chọn sản phẩm qua màn hình livestream sẽ khiến bạn khó nhận xét được các chi tiết nhỏ, vì vậy, để hạn chế mua nhầm phải hàng giả, người dùng nên lựa chọn các shop uy tín hoặc đặt mua trực tiếp trên website, gian hàng của hãng.  

Mới đây, lực lượng chức năng tỉnh Đồng Nai đã thu giữ hàng ngàn sản phẩm dầu thơm giả nhãn hiệu Gucci và Chanel. Đồng thời ra quyết định xử phạt đối với cửa hàng Quỳnh Quỳnh về việc kinh doanh hàng hóa không nhãn phụ và giả mạo nhãn hiệu Chanel và Gucci. 

Theo tìm hiểu, đây là trang cá nhân của vợ một nghệ sĩ hài. Nam danh hài này cũng thường xuyên livestream (phát trực tiếp) trên Facebook này để bán hàng cùng vợ.

Đọc thêm