Cách nào hạ “sốt đất”?

Thu thuế đối với khoản chênh lệch giá

Không thể phủ nhận chính việc mua bán lòng vòng đã đẩy giá nhà, đất lên cao gấp nhiều lần so với giá trị thực của nó. Như ở dự án khu dân cư Him Lam (quận 7), có nền đất đã vọt lên 31-32 triệu đồng/m2, có nền đã sang tay qua 4-5 lần, trong khi giá gốc chủ đầu tư bán ra chỉ 10-12 triệu đồng/m2...

Giá cao bất thường vậy nên nhiều đô thị lớn đành phải để tuột mất một số dự án đầu tư; ước mơ có một căn nhà để an cư lạc nghiệp đối với những người thu nhập thấp càng trở nên xa vời.

Cần lưu ý, khoản chênh lệch trên rơi vào túi những người đầu tư thứ cấp và không được ghi trong các hợp đồng chuyển nhượng. Do mua bán sang tay nên chẳng ai phải chịu khoản thuế nào đối với nhà nước. Nhất định nhà nước phải tìm mọi cách chấn chỉnh ngay và có lẽ không gì hiệu quả hơn bằng việc đề ra quy định điều tiết thuế đối với các khoản chênh lệch vừa nêu trên.

PNT (Quận 8)

Đánh thuế cao những người có nhiều nhà, đất

Tôi cũng đồng tình với các ý kiến đề xuất là đánh vào diện tích nhà đất đầu cơ theo hình thức lũy tiến. Người có nhiều nhà đất càng phải đóng thuế cao. Có vậy họ mới có sự cân nhắc kỹ lưỡng trước khi muốn “tậu” thêm nhiều nhà đất hoặc buộc phải buông hàng ra càng nhanh càng tốt. Khi đó nhà đất mới có khả năng giảm giá, góp phần làm bình ổn thị trường.

Những năm 2002, khi nhà, đất cũng lên sốt cao, chính quyền đã đề ra nhiều chính sách hữu hiệu để chặn đứng cơn sốt. Lần này, cơn sốt “dị thường” hơn lần trước và dường như chính quyền còn đang loay hoay bàn tính. Đương nhiên là nhà nước không thể dùng các giải pháp cấm đoán theo mệnh lệnh hành chính. Giải pháp phải thuộc về những quy tắc điều tiết thị trường bằng kinh tế và cần được ban hành sớm để thị trường sớm lành mạnh.

ĐÀO (daongoclai1963...@yahoo.com)

Đẩy mạnh nguồn cung

Qua vụ hàng ngàn người xếp hàng giành chỗ, chen nhau mua căn hộ của dự án The Vista, có thể thấy rằng yếu tố tâm lý của người mua bị tác động mạnh từ thủ thuật làm giá của các công ty môi giới. Song vẫn phải nhìn nhận thị trường còn đang luẩn quẩn khi những giao dịch chỉ tập trung quanh những dự án, những khu nhà... cũ.

Nghị định 153 yêu cầu những nhà kinh doanh bất động sản phải có mức vốn pháp định sáu tỷ đồng. Với kinh nghiệm đã qua, tôi cho rằng số vốn đó chẳng thấm tháp vào đâu so với những chi phí bồi thường, giải phóng mặt bằng... mà các doanh nghiệp phải thực chi. Tiếc là nghị định này chỉ cho phép các doanh nghiệp địa ốc huy động vốn sau khi làm xong hạ tầng. Nếu làm sai quy định, chúng tôi có thể bị “bắt giò” nhưng nếu làm đúng quy định thì chúng tôi khó triển khai dự án. Khi nguồn cung khan hiếm, e rằng nhà, đất sẽ lại càng sốt...

Tất nhiên là muốn làm ăn được thì các doanh nghiệp phải cố gắng xoay xở. Song việc tháo gỡ các khó khăn liên quan để đẩy mạnh nguồn cung sẽ là bài toán khó thử thách năng lực quản lý của chính quyền.

VĂN TÀI (Long An)

 

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm