Trong tuần qua, những thông tin về việc Công an TP.HCM củng cố hồ sơ, xử lý những người liên quan thuộc một số công ty núp bóng hiệu cầm đồ để cho vay lãi nặng bị khởi tố đã thu hút sự quan tâm của bạn đọc.
Thời gian qua, tại một số tỉnh, thành, cơ quan công an đã phát hiện các số điện thoại, tài khoản mạng xã hội, ứng dụng cho vay có dấu hiệu tín dụng đen hoặc sử dụng đòi nợ trái pháp luật trên không gian mạng.
Một số bạn đọc cho rằng với sự quyết liệt của cơ quan công an, cùng những giải pháp kèm theo thì sẽ trị được nạn tín dụng đen.
Không vay cũng bị đòinợ
Từng là nạn nhân của tín dụng đen, anh Minh Vũ cho biết anh phụ trách quản lý nhân sự cho một doanh nghiệp. Trước đó có một thời gian anh vô cùng mệt mỏi, rơi vào trạng thái căng thẳng khi mỗi ngày có đến hàng chục số điện thoại lạ gọi đòi tiền.
Người gọi tự xưng là nhân viên của các công ty tài chính, tổ chức tín dụng, cho vay gọi đến yêu cầu anh nhắc nhở nhân viên trong doanh nghiệp phải trả khoản nợ đã quá hạn thanh toán.
“Dù tôi có giải thích đây là khoản vay cá nhân, không phải của công ty đứng ra bảo lãnh nhưng họ vẫn gọi làm phiền. Không dừng lại ở việc gọi điện thoại, nhóm người đòi nợ còn tìm cách kết bạn Zalo và Facebook của tôi để gọi, nhắn tin làm phiền. Hàng chục tin nhắn với những lời lẽ đe dọa, lăng mạ nặng nề, từ ngữ tục tĩu rất khó nghe được gửi cho tôi trong thời gian dài khiến tôi bị ức chế vô cùng” - anh Vũ bức xúc.
Cơ quan công an khám xét nơi làm việc của một công ty tại quận 1, TP.HCM hoạt động tín dụng đen. Ảnh: CA |
Tương tự, anh VP, giám đốc một công ty ở Sóc Trăng, cho biết anh cũng từng bị một nhóm đòi nợ đăng hình ảnh cá nhân của mình lên Facebook để đòi nợ.
Anh VP kể: Đầu năm 2023, anh phát hiện có một người dùng Facebook đăng hình ảnh của anh và công ty lên mạng xã hội với nội dung yêu cầu anh phải nhắc nhở một nhân viên của anh trả một khoản vay tín dụng.
“Công ty cũng như bản thân tôi không liên quan đến việc vay tiền, vậy mà hình ảnh của tôi lại bị bêu riếu trên mạng. Vì muốn thu hồi nợ, mà nhiều người bất chấp thủ đoạn thì không thể chấp nhận được. Mong rằng công an quyết liệt vào cuộc dẹp nạn tín dụng đen để xã hội được bình yên” - anh P nói.
Công an vào cuộc, tín hiệu đáng mừng
Bạn đọc Quang Minh bình luận: “Tình trạng tín dụng đen núp bóng công ty tài chính, tiệm cầm đồ đã diễn ra từ nhiều năm nay. Các đối tượng cho vay lãi nặng đã dùng nhiều thủ đoạn để dụ người dân gặp khó khăn cho vay với lãi suất cắt cổ. Việc phải trả lãi suất cao, rồi mất khả năng chi trả khiến nhiều người phải lâm vào cảnh khốn khó. Thời gian gần đây tôi thấy cơ quan công an đã quyết liệt vào cuộc xử lý tín dụng đen, đây là một tín hiệu rất đáng mừng”.
“Hiện nay thông tin cho vay tín dụng đen đang đầy rẫy trên không gian mạng. Người dân chỉ cần mở công cụ tìm kiếm, gõ vào chữ vay tín chấp thì hàng loạt thông tin cho vay tiền hiện ra. Vì thế, các cơ quan công an, an ninh mạng cần xử lý triệt để các website, ứng dụng, tài khoản mạng xã hội cho vay không chính danh này” - bạn đọc Kiều Linh ý kiến.
Bạn đọc Đức Mạnh nêu: “Việc vay vốn của người dân gặp khó khăn hoặc để làm ăn, kinh doanh là nhu cầu có thật nên ngành ngân hàng cần xem xét, triển khai các gói tín dụng hợp lý. Cụ thể như vay vốn ưu đãi cho công nhân, người lao động với lãi suất thấp, thủ tục đơn giản… để người vay dễ tiếp cận, tránh dính vào tín dụng đen. Chính quyền các địa phương cũng cần tăng cường việc tuyên truyền để người dân biết để không vướng phải tín dụng đen.
Mức phạt cho vay lãi nặng trong giao dịch dân sự
Theo Điều 468 Bộ luật Dân sự, lãi suất vay do các bên thỏa thuận.
Trường hợp các bên có thỏa thuận về lãi suất thì lãi suất theo thỏa thuận không được vượt quá 20%/năm của khoản tiền vay, trừ trường hợp luật có liên quan quy định khác.
Trường hợp lãi suất theo thỏa thuận vượt quá lãi suất giới hạn được quy định thì mức lãi suất vượt quá không có hiệu lực.
Trường hợp các bên có thỏa thuận về việc trả lãi nhưng không xác định rõ lãi suất và có tranh chấp về lãi suất thì lãi suất được xác định bằng 50% mức lãi suất giới hạn là không quá 20%/năm tại thời điểm trả nợ.
Như vậy, đối với người cho vay không phải là tổ chức tín dụng thì mức lãi suất tối đa mà pháp luật công nhận là 20%/năm. Phần lãi suất vượt 20%/năm thì không có giá trị thực hiện.
Nếu trong giao dịch dân sự, cho người khác vay với lãi suất gấp năm lần trở lên của mức lãi suất cao nhất theo quy định nêu trên, tùy vào tính chất, mức độ, hành vi thực tế mà tổ chức, cá nhân cho vay lãi nặng sẽ bị xử phạt hành chính hoặc truy cứu trách nhiệm hình sự.
Tại Điều 201 Bộ luật Hình sự 2015 (sửa đổi năm 2017) có quy định về tội cho vay lãi nặng trong giao dịch dân sự. Cụ thể, khung hình phạt cao nhất đối với tội danh này đến ba năm tù.
Ngoài ra, người phạm tội còn có thể bị phạt tiền 30-100 triệu đồng, cấm đảm nhiệm chức vụ, cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định từ một năm đến năm năm.
Luật sư NGUYỄN VĂN HẬU, Đoàn Luật sư TP.HCM