Cách nào xác định thời điểm sử dụng đất?

1. Có phải xin phép xây dựng gác lửng?

Cần thêm chỗ ở nên tôi muốn xây thêm một gác lửng. Theo dự kiến, phần gác lửng này không làm thay đổi chiều cao cũng như kết cấu cơ bản của căn nhà. Nếu vậy, tôi có cần phải xin giấy phép xây dựng hay không?

Trần Anh Tuấn (Quận Thủ Đức)

Ông Trần Văn Dũng, Trưởng phòng Quản lý đô thị quận Thủ Đức:

Theo điểm e khoản 1 Điều 5 Quyết định số 04 ngày 17-1-2006 của UBND TP.HCM, đối với các công trình sửa chữa, cải tạo, lắp đặt thiết bị bên trong không làm thay đổi kiến trúc, kết cấu chịu lực và an toàn của công trình, chủ đầu tư không cần xin giấy phép xây dựng. Trước khi khởi công xây dựng, ông chỉ cần đăng ký tại UBND phường để được kiểm tra, theo dõi thi công.

2. Chứng minh thời điểm sử dụng đất

Gia đình tôi mua đất xây nhà từ năm 1980 và chưa được cấp giấy tờ gì. Nay tôi nghe nói đất sử dụng ổn định trước năm 1993 thì không phải đóng tiền sử dụng đất. Tuy nhiên, những người xung quanh nhà tôi đều là người mới đến. Tôi phải làm sao để chứng minh nhà đất sử dụng ổn định trước năm 1993?

Trần Thanh Tùng (Quận Gò Vấp)

Ông Trần Anh Tuấn, Trưởng phòng Tài nguyên và Môi trường quận Gò Vấp:

Theo Điều 3 Nghị định 84 ngày 25-5-2007 của Chính phủ, việc xác minh thời điểm bắt đầu sử dụng đất có thể căn cứ vào các loại giấy tờ quy định. Đó là: biên lai nộp thuế sử dụng đất; biên bản xử phạt vi phạm hành chính trong việc sử dụng đất, xây dựng công trình trên đất; giấy tờ về việc mua bán nhà, tài sản khác gắn liền với đất hoặc giấy tờ về mua bán, chuyển nhượng quyền sử dụng đất có chữ ký của các bên liên quan; bản đồ, sổ mục kê, tài liệu về đất đai qua các thời kỳ; bản kê đăng ký nhà đất có xác nhận của UBND cấp xã tại thời điểm kê khai, đăng ký v.v...

Nếu các loại giấy tờ nêu trên ghi thời gian khác nhau, thời điểm bắt đầu sử dụng đất ổn định được xác định theo giấy tờ có ghi ngày, tháng, năm sử dụng sớm nhất. Nếu không có các giấy tờ quy định như trên hoặc những giấy này không ghi rõ thời điểm thì phải lấy ý kiến của những người cư trú cùng thời điểm bắt đầu sử dụng đất của người có yêu cầu (ý kiến này phải có xác nhận của UBND cấp xã). Ông có thể liên hệ đến UBND quận để được hướng dẫn thủ tục cụ thể.

3. Tháo dỡ trước, xin cấp giấy sau

Năm 2005, tôi xin giấy phép xây dựng nhà ba tầng. Nhưng trên thực tế tôi đã xây lố một phần diện tích và bị lập biên bản vi phạm. Tôi có được cấp “giấy hồng” hay không?

Ngọc Dung (Quận 5)

Bà Nguyễn Thị Phấn, Trưởng phòng Tài nguyên và Môi trường quận 5:

Theo khoản 4 Điều 15 Quyết định 54 ngày 30-3-2007 của UBND TP.HCM, những trường hợp xây dựng sai phép, không phép sau ngày 1-7-2004 phải đợi quyết định xử lý của UBND TP. Nếu đã tháo dỡ phần vi phạm, bà sẽ được UBND quận xem xét cấp “giấy hồng” phần không vi phạm. Tất nhiên, bà phải được một công ty có chức năng thiết kế, xây dựng xác nhận kết cấu nhà hiện tại đúng như trong bản vẽ xin phép xây dựng. Bà có thể liên hệ đến UBND quận để được hướng dẫn cụ thể.

4. Nhà xây không phép, làm sao có “giấy hồng”?

Năm 2003, tôi có xây một căn nhà không phép trên mảnh đất đã có “giấy đỏ”. Nay tôi muốn chuyển từ “giấy đỏ” sang “giấy hồng” thì phải làm như thế nào?

Nguyễn Thị Hà (Quận 8)

Ông Nguyễn Hồ Hải, Trưởng phòng Tài nguyên và Môi trường quận 8:

Theo Quyết định số 54 nêu trên, nhà xây không phép trước ngày 1-7-2004 và phù hợp quy hoạch thì được xem xét cấp “giấy hồng”. Trong hồ sơ xin cấp giấy cần có bản vẽ sơ đồ hiện trạng công trình, biên bản nghiệm thu và bản vẽ theo Quyết định 54.

5. Đất ngoài hạn mức, phải nộp tiền sử dụng đất

Nhà, đất của tôi sử dụng ổn định từ trước năm 1993. Nay tôi xin cấp “giấy hồng” thì chỉ được miễn tiền sử dụng đất đối với phần đất trong hạn mức. Chi cục Thuế tính vậy có đúng không? Tôi phải nộp bao nhiêu tiền sử dụng đất?

(nguyenlam... @yahoo.com)

Ông Đỗ Đăng Tăng, Phó phòng Tuyên truyền hỗ trợ, Cục Thuế TP.HCM:

Theo khoản 1 Điều 14 Nghị định 84, những trường hợp đã sử dụng đất trước ngày 15-10-1993 mà không có một trong các loại giấy tờ quy định tại khoản 1 và khoản 2 Điều 50 Luật Đất đai, nếu là đất có nhà ở thì khỏi đóng tiền sử dụng đất đối với phần diện tích nằm trong hạn mức. Đối với phần diện tích ngoài hạn mức, người sử dụng đất phải nộp 50% tiền sử dụng đất. Quy định này chỉ thực hiện một lần đối với hộ gia đình, cá nhân xin cấp giấy chứng nhận. Những lần giao đất sau phải đóng 100% tiền sử dụng đất.

NGỌC HÀ - ÁI PHƯƠNG ghi

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm