Theo Tổng cục thủy sản ở Việt Nam, cá nóc còn gọi là cá cóc, cá bống biển, cá đùi gà. Trên thế giới bộ cá nóc Tetraodontiformaes có chín họ, bao gồm trên 400 loài thuộc 13 giống. Trong đó có 243 loài thuộc bốn họ chiếm ưu thế là Ostraciidae, Triodontidae, Tetraodontidae và Diodontidae.
Tại Việt Nam cá nóc có gần 70 loài khác nhau, sống ở nước mặn nhiều hơn ở nước ngọt, phân bố dọc bờ biển từ Bắc vào Nam, tập trung nhiều ở ven biển miền Trung. Trong đó có khoảng 30 loài là cá độc. Độc tố cá nóc rất độc, với người chỉ cần ăn 10 gam thịt cá nóc có độc tố là bị ngộ độc. Chỉ từ 1-2mg độc tố có thể gây chết người.
Đặc điểm nhận dạng của cá nóc
Tổng cục thủy sản cho hay cá nóc thường dễ nhận biết, loại cá nóc độc người dân thường ăn có thân ngắn từ 4-40 cm, chắc, vây ngắn, đầu to, mắt lồi, thịt trắng, bụng cá thường to tự phình lên như quả bóng. Chất độc của cá tập trung ở da, ruột, gan, cơ bụng, túi tinh và nhiều nhất ở trứng cá, vì vậy con cái độc hơn con đực và đặc biệt là vào mùa sinh sản của cá (từ tháng 2 đến tháng 7). Tuy nhiên khi phơi khô các nóc lẫn lộn với các loài các khác cùng kích thước thì rất khó nhận biết.
Cá nóc có vây ngắn, đầu to, mắt lồi, thịt trắng, bụng cá thường to tự phình lên như quả bóng. Ảnh: Wikipedia
Trong các loài cá nóc, Cục An toàn thực phẩm- Bộ Y tế chỉ ra có năm loại cực độc là: Cá nóc răng mỏ chim, cá nóc tro, cá nóc vằn mặt, cá nóc chấm cam, cá nóc chuột vằn mang, trong đó cá nóc chấm cam và cá nóc chuột vằn mang là hai loài độc nhất.
Cá nóc chuột vằn mang (Aronthron immaculatus) thân có dạng hình trứng, vây lưng viền đen, bụng màu trắng… nom không có vẻ gì đáng sợ nhưng trong trứng loài cá này tập trung một lượng chất độc khủng khiếp. Cứ 100g trứng có thể giết chết 200 người; hàm lượng độc chất cao xuất hiện từ tháng 4 đến tháng 10. Sau cá nóc chuột vằn mang, cá nóc chấm cam (Torquigener gallimaculatus) cũng rất đáng sợ, cứ 100g trứng hoặc gan loài cá này có thể giết chết 60- 70 người.
Mặc dù thịt cá nóc không có độc tố nhưng khi đánh bắt, chế biến hoặc cá ươn, bị dập nát, độc tố ngấm vào thịt sẽ gây độc khi dùng. Chất độc có trong cá nóc là tetrodotoxin (TTX)-một loại độc tố thần kinh cực độc, gấp hơn 1000 lần so với Cyanua. Nhưng bình thường nó tồn tại trong cá ở dạng tiền độc tố Tetrodomin không độc. Khi cá bị ươn hoặc bị va đập, tiền chất Tetrodomin sẽ biến đổi thành chất TTX gây độc. Độc tố cá nóc có tính bền vững cao. Nếu đun sôi ở 100 độ C trong 6 giờ độc tố mới giảm một nửa, đun sôi ở 200 độ C trong 10 phút độc tố mới bị phá huỷ hoàn toàn. Như vậy, nếu chỉ đun nấu thông thường, ngộ độc cá nóc vẫn có thể xảy ra, do độc tố chưa bị phá huỷ hết. Ngay cả khi phơi khô, chế biến thông thường độc tố chưa bị phá huỷ nên vẫn gây ngộ độc.
Cách xử lý ngộ độc cá nóc
Theo Trung tâm Truyền thông Giáo dục Sức khỏe Thừa Thiên - Huế ngay khi ăn cá nóc và thấy dấu hiệu ngộ độc đầu tiên như tê lưỡi, tê môi, tê ngón tay nhưng người bệnh vẫn còn tỉnh táo, hãy tìm mọi cách gây nôn cho người bệnh. Đơn giản nhất là hình thức móc họng, ngoáy họng bằng lông gà hoặc cho uống mùn thớt theo kinh nghiệm dân gian. Khi gây nôn cần cho bệnh nhân nằm nghiêng, đầu thấp để tránh sặc.
Cho bệnh nhân uống than hoạt khi bệnh nhân còn tỉnh, chưa hôn mê. Người lớn uống 30g than hoạt pha với 250ml nước sạch quấy đều. Trẻ nhỏ từ 1 - 12 tuổi cho uống 25g pha với 100 - 200ml nước sạch quấy đều. Trẻ nhỏ dưới một năm cho uống theo liều lượng 1g than hoạt/1kg cân nặng cơ thể pha với 50ml nước sạch quấy đều. Than hoạt có tác dụng hấp thụ chất độc và hơi độc ở đường tiêu hóa. Nếu cho bệnh nhân uống sớm trong vòng một giờ sau khi ăn cá sẽ có hiệu quả cao.
Trường hợp người bệnh đã rối loạn ý thức, hôn mê, thở yếu hoặc ngừng thở phải khẩn trương thổi ngạt đường miệng - miệng hay miệng - mũi. Sau khi đã sơ cứu, cần nhanh chóng tìm cách đưa bệnh nhân tới bệnh viện gần nhất để được cấp cứu và điều trị kịp thời.