Còn theo Luật BHXH năm 2014 (có hiệu lực thi hành từng ngày 1-1-2016), muốn được hưởng 45% thì người lao động phải đóng BHXH 20 năm. Ngoài ra, luật cũ lấy bình quân lương năm năm cuối của người lao động đóng BHXH để tính lương hưu. Luật mới thì lấy 15 năm cuối và sẽ bình quân toàn bộ thời gian đóng BHXH của người lao động. Cách tính này rõ ràng không có lợi cho người lao động, bởi giá trị đồng tiền mỗi năm mỗi khác.
Xin hỏi cách hiểu của tôi có đúng không?
Trần Kiêm Hạ, quận Tân Phú, TP.HCM
Bà Nguyễn Thị Thu, Phó Giám đốc BHXH TP.HCM, trả lời: Những trường hợp nghỉ hưu từ ngày 1-1-2016 thì cách tính bình quân tiền lương đóng BHXH vẫn chưa có gì xáo trộn. Trong đó, thời gian đóng BHXH theo hệ số lương do Nhà nước quy định: Năm năm cuối nếu tham gia BHXH từ trước 1995; sáu năm cuối nếu tham gia BHXH từ trước 2001; tám năm cuối nếu tham gia BHXH từ trước 2007 và 10 năm cuối nếu tham gia BHXH từ 2007 trở đi.
Theo lộ trình, đến trước ngày 1-1-2018, mức lương hưu hằng tháng của người lao động được tính bằng 45% mức bình quân tiền lương tháng đóng BHXH tương ứng với 15 năm đóng BHXH. Sau đó, cứ thêm mỗi năm thì tính thêm 2% đối với nam và 3% đối với nữ; mức tối đa bằng 75%.