Cái ram dốc của vị phó chủ tịch

Lúc đó đã cuối giờ làm việc, cán bộ đã về gần hết, cơ quan chỉ còn chị phụ trách mảng chính sách và ông Lê Lam Điền, Phó Chủ tịch UBND phường. Thấy chiếc xe lăn đến, ông Điền liền ra đẩy anh A. lên con dốc dành cho xe máy ở phía sau trụ sở. Vì con dốc quá cao, ông phải tháo giày ra mới đẩy nổi. Chờ anh A. làm xong thủ tục, ông Điền lại mướt mồ hôi đưa anh xuống con dốc cao thẳng đứng. Ông đứng trước, đưa lưng vào cho anh A. và chiếc xe lăn tựa để nhích dần xuống mặt đất. “Tui phải làm vậy vì nếu anh A. có lật té thì cái đầu ảnh cũng nằm trên cái mình của mình” - ông Điền nói. Anh A. cảm ơn rối rít vì sự quan tâm của cán bộ dành cho dân. Ông Điền nghĩ: Nếu thật sự quan tâm thì phải làm sao cho người khuyết tật tự đi lại, sinh hoạt một mình mà không cần đến sự hỗ trợ của ai.

Một người dân hài lòng ra về sau khi đến làm việc tại UBND phường Ninh Sơn, Tây Ninh trên lối đi dành cho người khuyết tật mới được đưa vào sử dụng ngày 11-1 vừa qua. Ảnh: Ngọc Tân

Mới đây, Tổ chức Nghiên cứu và phát triển năng lực người khuyết tật (DRD) đã đến UBND phường khảo sát và đặt vấn đề muốn làm một cái ram dốc (lối đi dành cho người khuyết tật) từ mặt sân đi lên trụ sở phường. Ông Điền mừng khỏi phải nói, bởi trụ sở xây từ lâu vốn là vùng đất trũng nên phải đổ nền cao cho bằng mặt đường. Muốn bước vào trụ sở phải leo qua năm bậc thang. Đó là một trở ngại rất lớn cho người khuyết tật.

Vậy là ngày 11-1 vừa qua, một lối đi dành cho xe lăn đã được DRD bàn giao cho nơi đây, ram dốc được xây đúng theo quy chuẩn xây dựng hiện hành. Vị phó chủ tịch phường còn yêu cầu đơn vị thi công làm một bồn trồng hoa dọc lối đi xe lăn. “Của cho không bằng cách cho. Món quà mình tặng cho bà con phải thật trân trọng. Việc đi lại là một nhu cầu chính đáng của người khuyết tật mà lâu nay thường bị bỏ quên. Họ xứng đáng được tạo điều kiện bình đẳng như bao người khác” - ông Điền nói. Vị phó chủ tịch phường muốn hình ảnh cái ram dốc phải được khắc nhớ như là một bước tiến trong tư duy về quản lý đô thị.

Từ ngày xây ram dốc xong, có nhiều người khuyết tật đến làm việc với ủy ban hơn. Trước nay họ ngại đi lại vì không có lối đi cho họ, mọi chuyện liên hệ với phường phải nhờ người thân.

Đó là một trong năm trụ sở cơ quan nhà nước của tỉnh Tây Ninh được DRD hỗ trợ xây lối đi cho người khuyết tật và bàn giao trong đợt này. Không chỉ Tây Ninh mà người khuyết tật ở tất cả tỉnh, thành đều gặp phải khó khăn trong đi lại.

Theo Nghị định 28/2012 hướng dẫn thi hành Luật Người khuyết tật thì đến năm 2015 có ít nhất 50% công trình là trụ sở làm việc của cơ quan nhà nước; nhà ga, bến xe, bến tàu; cơ sở khám bệnh, chữa bệnh; cơ sở giáo dục, dạy nghề; công trình văn hóa, thể dục thể thao; chung cư bảo đảm điều kiện tiếp cận đối với người khuyết tật (nghĩa là người khuyết tật sử dụng được các công trình đó). Thế nhưng đã đến năm 2017 mà số công trình tiếp cận với người khuyết tật còn quá ít so với con số luật định.

Hy vọng cái ram dốc sẽ là hình ảnh quen thuộc với mỗi nhà quy hoạch và kiến trúc sư khi đặt bút phác họa bản vẽ cho bất kỳ công trình nào.

Không ai muốn trong tương lai còn nhìn thấy hình ảnh một người khuyết tật được mời đến dự hội nghị đã phải ra về sau khi bất lực nhìn những bậc thang cao ngất ngưởng mà báo chí từng phản ánh.

Đường còn xa nhưng có đi thì ắt sẽ đến!

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm