Như PLO đã đưa tin, Bộ Công an vừa có dự thảo báo cáo Quốc hội giải trình quy định hành vi “điều khiển phương tiện giao thông mà trong máu hoặc hơi thở có nồng độ cồn” trong dự Luật Trật tự, an toàn giao thông đường bộ được đại biểu Quốc hội cho ý kiến tại kỳ họp thứ 6 vừa qua.
Theo Bộ Công an, với điều kiện văn hóa và giao thông Việt Nam hiện nay, thực sự rất cần kiểm soát nồng độ cồn bằng 0 khi điều khiển phương tiện. Việc kiểm soát chặt chẽ nồng độ cồn ngoài ý nghĩa đối với công tác bảo đảm TTATGT còn có ý nghĩa xã hội sâu sắc.
Trước thông tin này đã tạo ra hai luồng ý kiến từ phía bạn đọc.
Ủng hộ nồng độ cồn bằng 0 vì nhiều lý do
Một số bạn đọc tán thành và ủng hộ sự quyết đoán của Bộ Công An, bởi rượu, bia là một trong những nguy cơ gây tàn tật và tử vong hàng đầu tại Việt Nam.
Minh chứng là hơn 50% các vụ án giết người, gây rối trật tự công cộng, hiếp dâm, vi phạm quy định về điều khiển phương tiện giao thông đường bộ, người phạm tội trước khi gây án có sử dụng rượu bia. Hơn 30% các vụ bạo lực gia đình ở Việt Nam có liên quan đến sử dụng rượu bia.
Bạn đọc Hồng Vũ cho biết: “Mình rất ủng hộ cấm lái xe khi uống rượu, bia như các nước tiên tiến. Vì không chỉ hệ lụy tham gia giao thông mà rượu, bia còn mang lại rất nhiều vấn đề khác như: bạo hành gia đình, bệnh tật... Trong đó căn bệnh ung thư gan tại Việt Nam đang là một trong những top đầu về tỷ lệ mắc mới”.
Tương tự bạn đọc Xuan Thuong Tran chia sẻ: “Không uống bia rượu đã chạy ẩu vô địch. Uống một chai bia lại chạy ẩu hơn. Tốt nhất cấm tuyệt đối, cứ cầm xe chạy mà có nồng độ cồn là phạt cho thật nặng”.
“Có lẽ từ trước đến nay do chúng ta đã quá dễ dãi trong văn hoá giao thông nên khi ban hành nồng độ cồn bằng không đã nhận được nhiều ý kiến trái chiều. Thế nhưng, luật pháp phải tuân theo và tất cả những gì luật pháp ban hành cũng chỉ để có một xã hội phát triển hơn. Dù nhiều người không đồng tình với quy định nồng độ cồn này nhưng kể từ khi ban hành, số lượng tai nạn giao thông do rượu, bia gây ra đã giảm đáng kể. Minh chứng rõ ràng là dịp Tết Nguyên đán vừa qua” - bạn đọc Nguyễn Bình.
Bạn đọc Văn Khánh bình luận: “Ở quê tôi dịp Tết vừa qua đều không dám sử dụng nhiều rượu, bia. Nếu có uống thì không dám chạy xe về nhà vì sợ công an bắt phạt. Tôi thấy sự kiên quyết của Bộ Công an sẽ làm cho người dân có ý thức hơn trong việc tham gia giao thông, đó là một tín hiệu đáng mừng”.
“Để giải quyết triệt để vấn đề này, tôi đề nghị nước ta phải tăng cao mức phạt để người dân thấy được tính nghiêm trọng của vấn đề. Đồng thời, cũng đẩy mạnh đối với các trường hợp vượt đèn đỏ, phóng nhanh vượt ẩu, đi ngược chiều, lấn tuyến… để văn hoá giao thông tại Việt Nam đi vào nề nếp” - bạn đọc Ái Mỹ Thanh.
Cần xem xét tính khoa học
Bên cạnh những ý kiến ủng hộ trên, một số bạn đọc lại cho rằng việc kiểm soát nồng độ cồn bằng 0 là không hợp lý và trái khoa học.
Bạn đọc NaThan cho rằng: “Chắc chắn phải có ngưỡng nào đó về nồng độ cồn mới ảnh hưởng đến thần kinh, ảnh hưởng đến sự tỉnh táo. Tôi chỉ ngậm (không nuốt) một chút rượu gừng để trị bệnh ho, khi đo hơi thở chắc chắn có nồng độ cồn nhưng không ảnh hưởng đến thần kinh, đến độ tỉnh táo. Mặc dù chưa bị đo, chưa bị phạt về nồng độ cồn lần nào, nhưng tôi thấy có rất nhiều người không đồng tình về vấn đề này. Cần nghiên cứu kỹ để quy định bảo đảm tính khoa học và hợp lòng dân”.
Bạn đọc giấu tên cũng chia sẻ quan điểm không ủng hộ: “Đồng ý mới nhậu mà chạy xe liền thì nguy hiểm, nhưng những người nhậu hôm trước đến buổi sáng hoặc buổi chiều hôm sau vẫn còn nồng độ cồn do cơ địa mà cũng bị phạt là vô lý”.
“Nếu ăn canh gà (nấu có gừng rượu), hoặc mắm tôm đánh rượu sủi bọt, hay một hớp rượu tỏi chống cúm đều sẽ khiến trong hơi thở có nồng độ cồn ở mức rất thấp. Khi đó, người dân sẽ không thể cãi lý với cảnh sát được và bị phạt một số tiền không hề nhỏ. Vấn đề nằm ở chỗ nồng độ cồn bằng 0 và người dân không thể biện minh” - bạn đọc Chính Nguyễn.
Một bạn đọc khác bình luận: “Tai nạn giao thông không phải chỉ do rượu bia gây ra mà còn nhiều nguyên nhân khác. Để giảm thiểu tai nạn giao thông, phải tìm được rõ nguyên nhân và dựa trên nguyên nhân ấy mà ra những quy định pháp luật cho phù hợp. Người say xỉn tham gia giao thông, nguy cơ gây tai nạn giao thông, là phải cấm tuyệt đối. Phải phạt nặng những người này, chứ không phải phạt tất cả những người trong hơi thở có nồng độ cồn, mà họ vẫn tỉnh táo không có nguy cơ gây ra tai nạn được”.
“Việc đưa nồng độ cồn về bằng 0 có thể sẽ làm giảm bớt tai nạn, tệ nạn. Nhưng, hàng ngàn cơ sở kinh doanh dịch vụ ăn uống, giải trí, du lịch... hàng triệu hộ chăn nuôi, trồng trọt cung cấp cho các dịch vụ ăn uống đang mưu sinh ngoài kia. Cần xem xét tính khoa học của quy định” - bạn đọc Mạnh Hào viết.