Từ khi bắt đầu công tác phòng, chống dịch COVID-19, ông Ngô Tiến Nhợ, Trưởng khu phố 12, phường Bình Hưng Hòa A, quận Bình Tân, hầu như không có mặt ở nhà. Mỗi ngày của ông bắt đầu từ 6 giờ 30 sáng tới 21 giờ khuya với khẩu trang và máy đo nhiệt độ bên người. Nguyên nhân cũng bởi địa bàn ông quản lý liên tục có nhiều người phải cách ly tại nhà.
Vừa chống dịch, vừa xử lý chuyện ở khu phố
Như những ngày cuối tháng 3 vừa qua, khu phố 12 có một hộ gia đình ba người đang được cách ly vì đi từ nước ngoài về. Việc đầu tiên của ông Nhợ sau khi bước ra khỏi nhà là đến ngay địa điểm họ đang cách ly tại nhà để giám sát. Tại đây, ông đo nhiệt độ của tổ giám sát, xem qua các báo cáo về tình hình cách ly của những người đó và dặn dò các thành viên.
Trong lúc trực giám sát cách ly, ông Nhợ có điện thoại báo có đám tiệc trên địa bàn, ông liền tức tốc đến tận nơi xem tình hình. Ông Nhợ đã yêu cầu gia đình có tiệc phải hạn chế tụ tập đông người, đồng thời tặng khẩu trang cho khách đến đám tiệc. Rồi ông quay lại địa điểm giám sát xem có tình hình gì mới không… Cứ như thế, ngoài việc tham gia chỉ đạo và thực hiện công tác phòng, chống dịch, hằng ngày ông còn xử lý các sự việc cho dân.
Những ngày này, ngoài thời gian ở điểm giám sát cách ly thì hễ dân gọi là ông chạy. “Nhiều khi đang xử lý công việc thì có người dân gọi điện thoại báo thấy có người biểu hiện sốt, ho, thế là tôi phải điện báo cho cơ quan y tế cùng xuống xác minh. Cả ngày lẫn đêm đều không hết việc…” - ông Nhợ kể.
“Nhớ nhất là có trường hợp từ nước ngoài về, khai báo địa chỉ tại một số nhà ở khu phố. Tuy nhiên, khi chúng tôi đến xác minh thì không chính xác. Phải hỏi thăm, dò la nhiều nơi, cuối cùng hết ngày mới tìm ra được địa chỉ của người này. Sau đó phải liên lạc với những người có liên quan để thực hiện quy trình giám sát, cách ly” - ông Nhợ kể tiếp. Ông Nhợ cũng chia sẻ rằng công tác giám sát các hộ cách ly tưởng đơn giản nhưng thực tế không phải. Chỉ cần một phút lơ là mà để người cách ly ra bên ngoài hoặc tiếp xúc với người bên ngoài thì hậu quả khó lường.
Ông Ngô Tiến Nhợ (bìa trái), Trưởng khu phố 12, phường Bình Hưng Hòa A, quận Bình Tân cùng bảo vệ dân phố, cán bộ hội khuyến học đang thực hiện việc giám sát một hộ dân đang cách ly tại nhà. Ảnh: LÊ THOA
Bà Trần Thị Vinh, Trưởng khu phố 4, phường Hiệp Bình Phước, quận Thủ Đức, xuống tận nhà dân phát tờ rơi tuyên truyền phòng, chống dịch COVID-19. Ảnh: THANH TUYỀN
Đi bộ tỉ tê với người dân để tuyên truyền dịch bệnh
Chúng tôi gặp ông Vũ Chung Sức, Trưởng khu phố 26, phường Bình Hưng Hòa A, quận Bình Tân, cũng vào một ngày cuối tháng 3. Ban sáng, ngồi tại văn phòng, điện thoại ông reo liên tục. Có người gọi điện thoại báo đã có nhiều khẩu trang mới về, đề nghị đặt ngay văn phòng để người dân đến lấy. Có cuộc điện thoại lại báo người này bày bán bất chấp lệnh cấm… Cứ thế, nghe điện thoại ông Sức chạy đi chạy về, tổ chức cho các tổ dân phố, cán bộ các hội, đoàn thể thực tiện tuyên truyền phòng, chống dịch.
Đến nửa buổi có người báo nhà có đám tang, ông Sức gọi lên phường để làm thủ tục cấp giấy chứng tử tại nhà cho dân. Sau đó ông trực tiếp đến đám tang, mang theo khẩu trang, vận động người thân, người viếng rửa tay, đeo khẩu trang chống dịch… Ngoài ra, ông Sức còn có sở thích đi bộ tâm sự với người dân, đi kiểm tra tại khu vực nào ông đều dành thời gian đến từng nhà hỏi thăm, tuyên truyền về từng cái khẩu trang, tờ bướm mà ông mang theo. Bên cạnh đó, ông Sức cũng đích thân đến tâm sự với các chủ nhà trọ để vận động họ giảm giá tiền phòng cho người thuê.
Đến cuối ngày, khi về nhà là lúc ông ngồi soạn những phương châm riêng của khu phố về phòng, chống dịch để gửi đến từng group Zalo của các tổ dân phố. “Ban ngày gặp bà con tuyên truyền bằng miệng thôi chưa đủ, tối về phải dặn dò bà con trên các group, gửi hình ảnh xác thực để tăng hiệu quả tuyên truyền hơn” - ông Sức kể.
Cũng nhờ vậy mà nhiều người dân sống tại khu phố 26 tự hào bảo: “Ở khu phố chúng tôi, khẩu trang không thiếu, luôn sẵn sàng chống dịch”.
Cán bộ là chỗ dựa của dân Mình là cán bộ, là chỗ dựa của dân, ít nhất là trong thời điểm này mà không làm thì người dân sẽ như thế nào. Họ sẽ an tâm hơn khi có anh em khu phố đến trò chuyện, động viên. BàTRẦN THỊ VINH, Trưởng khu phố 4, phường Hiệp Bình Phước, |
Cộng đồng chung tay, công tác chống dịch sẽ hiệu quả hơn
Hơn một tháng nay, từ sáng sớm, bà Trần Thị Vinh (Trưởng khu phố 4, phường Hiệp Bình Phước, quận Thủ Đức, TP.HCM) đã đi mua lương thực mang đến cho người cách ly, phát tờ rơi tuyên truyền cho từng hộ dân, cùng nhân viên tổ y tế đi đến các điểm cần phải lấy mẫu xét nghiệm.
Công việc cứ thế kéo dài đến tận chiều tối. Chưa kể, trong ngày còn có vấn đề phát sinh như sụp hố ga, ống cống hư thì bà cũng phải trực tiếp hoặc phân công người xử lý cho dân. Chập tối, bà cũng chỉ kịp ăn vội bữa cơm rồi lại cầm xấp tờ rơi tuyên truyền, gõ cửa từng nhà dân để phát, dặn dò kỹ lưỡng về việc đảm bảo an toàn vệ sinh. Công việc của bà luôn kết thúc khi đồng hồ điểm 21 giờ 30 phút.
Khi điểm dịch COVID-19 bùng phát, bà Vinh kể nhiều người dân có tâm lý hoang mang, cứ thấy nhân viên y tế tới là nghĩ có chuyện không hay. Lúc đó, bà phải có mặt để trấn an, giải thích cho dân hiểu để họ an tâm.
Hay như khi mang thức ăn đến cho một người dân phải cách ly tại nhà, vì không thể ở lại đó 24/24 giờ nên bà nhờ người dân sống kế bên theo dõi giúp xem người này có đi đâu ra ngoài hay không. Người dân liền phản ứng rằng đó không phải là việc của dân. Rồi bà Vinh phải giải thích tường tận rằng nếu chưa hết đủ thời gian cách ly mà ra ngoài cũng nguy hiểm cho mọi người. Do vậy cộng đồng cùng chung tay với nhau thì công tác chống dịch sẽ hiệu quả hơn. Khi nghe như vậy người dân đã vui vẻ nhận lời…
Khi được hỏi rằng liệu bà có sợ khi trực tiếp đi mua thức ăn và mang đến tận nơi cho những người đang cách ly nếu chẳng may họ nhiễm bệnh, bà Vinh chỉ đáp vỏn vẹn: “Sợ thì từ đầu đã không làm”.
“Chừng nào xong việc thì mới thấy đói” Vào xế trưa một ngày cuối tháng 3, bà Trần Thị Vinh (Trưởng khu phố 4, phường Hiệp Bình Phước, quận Thủ Đức, TP.HCM) nhận được cuộc gọi từ UBND phường về việc có một cư dân tại một chung cư của phường phải thực hiện cách ly. Ngay lập tức, hai cảnh sát khu vực (CSKV) cùng một cán bộ khu phố tức tốc đến chung cư này để triển khai công tác chống dịch. Hai CSKV nhanh chóng nhận nhiệm vụ kết nối với ban quản trị, chia thành hai nhánh nhỏ cùng bàn phương án để kiểm tra tất cả những nơi cần thiết. Nhiệm vụ trước mắt là phải xác định được cư dân này đã đi đến những nơi nào trong khu chung cư. Đồng thời xem lại toàn bộ sinh hoạt của người này trong những ngày qua để nắm chắc lịch trình di chuyển. Sau đó, các CSKV và cán bộ phường đi đến các khu vực gần chung cư như cửa hàng tiện lợi, các shop house, phòng gym… nhờ hỗ trợ trích xuất hình ảnh từ camera. Hơn 12 giờ nhưng không ai trong số họ nhắc đến bữa cơm trưa, chỉ chăm chú nhìn vào màn hình máy tính. Khi một cư dân gợi ý nên nghỉ trưa rồi làm tiếp, anh Nguyễn Khắc Dương (CSKV) nói: “Chừng nào xong việc mới thấy đói”. Anh đùa rằng trong mùa dịch thì khả năng nhịn đói của anh ngày càng giỏi. Khi nào mọi việc xong xuôi đâu vào đó, ngồi xuống nghỉ thì mới cảm nhận bụng sôi lên vì đói. Những ngày qua, để đảm bảo an toàn cho người dân nơi mình quản lý, anh Dương cùng nhiều đồng nghiệp ở khu phố đã phải làm việc với cường độ cao. Anh phải quản lý người dân đi, ở; xác minh thông tin từng hộ, từng người dân từ nước ngoài về… để cập nhật đủ các thông tin cần thiết. Chưa kể, vừa phải lo chống dịch, anh và mọi người vừa phải đảm bảo công tác an ninh trật tự ở địa bàn. |