“Vẫn còn tình trạng né tránh, đùn đẩy trách nhiệm bồi thường giữa các cơ quan nhà nước. Cơ quan có trách nhiệm còn chậm giải quyết bồi thường. Đặc biệt, hiện nay cơ chế xác định và chứng minh thiệt hại chưa phù hợp” - Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp Lê Thị Nga nhận xét tại Quốc hội sáng 28-10.
Phải sớm giải quyết dứt điểm vụ ông Nén
Bà Nga dẫn chứng vụ ông Huỳnh Văn Nén (Bình Thuận) bị tù oan 17 năm. “Đây là một vụ án oan rất nghiêm trọng, cử tri và đại biểu Quốc hội đều quan tâm. Đối với vụ việc cá biệt này, Ủy ban Tư pháp đề nghị chánh án TAND Tối cao phối hợp với viện trưởng VKSND Tối cao chỉ đạo các cơ quan tố tụng tỉnh Bình Thuận vận dụng pháp luật một cách hợp lý để giải quyết dứt điểm, sớm bảo đảm quyền lợi cho ông Nén” - bà Nga nói.
Từ thực tiễn còn nhiều bất cập trong công tác bồi thường oan, bà Nga đề nghị dự án Luật Trách nhiệm bồi thường của Nhà nước (sửa đổi) đang thảo luận lần này cần quy định chi phí thực tế hợp lý phù hợp để giải quyết cho những trường hợp cá biệt. Đơn cử là việc người bị tù oan trong một thời gian dài, thiệt hại do bị làm oan lớn nhưng không thể có chứng từ chứng minh.
Chánh án TAND Tối cao Nguyễn Hòa Bình trao đổi với báo chí bên lề Quốc hội sáng 28-10. Ảnh: TP
Lấy tiền tham nhũng lập quỹ bồi thường?
Trao đổi với báo chí bên lề Quốc hội sáng 28-10, Chánh án TAND Tối cao Nguyễn Hòa Bình cho rằng không nên so sánh giữa vụ bồi thường oan chưa thương lượng thành công của ông Huỳnh Văn Nén với trường hợp của ông Nguyễn Thanh Chấn (Bắc Giang, đã thỏa thuận mức bồi thường 7,2 tỉ đồng). “Tòa không dựa vào vụ nọ để giải quyết vụ kia, như thế là tạo tiền lệ không bao giờ có điểm dừng. Cái chúng ta cần là làm có đúng luật không, tòa có tuân thủ pháp luật không. Luật có bất cập thì sửa đổi, bổ sung” - ông Bình nói.
Ông Bình cũng lý giải về ý kiến “lấy tiền tham nhũng để bồi thường oan” mà ông phát biểu tại Quốc hội: “Theo quy định hiện hành ở ta, sung công quỹ thì vào ngân sách, còn nhiều nước người ta không thế. Đất nước không giàu nghèo gì chuyện đó. Không dùng tiền đó để nuôi bộ máy hay đầu tư, không trông cậy vào tiền đó. Chúng ta phấn đấu cho một xã hội không có tội phạm chứ không phấn đấu để thu được nhiều tiền từ tội phạm”.
“Tất cả loại tiền có được từ tội phạm nên để phục vụ cho cuộc đấu tranh chống tội phạm và để trang trải cho những rủi ro của cuộc đấu tranh này. Ví dụ chúng ta cũng sẽ dùng tiền này bồi thường cho người dân nếu công an trưng dụng xe của dân đi truy bắt tội phạm gây móp méo, hư hỏng…” - ông Bình nhấn mạnh.
Trước băn khoăn rằng nếu sinh ra quỹ bồi thường thì cán bộ sẽ ỷ lại, không sợ gây ra oan sai, ông Bình nhận định: “Cán bộ đã được phong các chức danh tư pháp có sĩ diện, tự trọng riêng. Không phải chuyện bồi hoàn tiền là quan trọng nhất mà còn có công danh, sự nghiệp, rồi còn có kỷ luật, nhất là kỷ luật chuyên môn”.
Kiến nghị ban hành nghị quyết chống bỏ lọt tội phạm Báo cáo công tác năm 2016 của VKSND Tối cao nhấn mạnh: “Ngành tiếp tục giám sát thực hiện nhiệm vụ chống oan, sai; giám sát thực hiện nhiệm vụ chống bỏ lọt tội phạm, nhất là tội phạm về tham nhũng, chức vụ và kinh tế. Kiến nghị Quốc hội nghiên cứu ban hành nghị quyết chống bỏ lọt tội phạm để góp phần phòng ngừa, phát hiện tội phạm và phòng, chống tiêu cực trong cơ quan bảo vệ pháp luật”. Năm 2016, VKSND Tối cao đã chủ động phối hợp với Bộ Công an, TAND Tối cao giải quyết dứt điểm một số vụ án đặc biệt nghiêm trọng có mức án trên 20 năm tù, tù chung thân, tử hình có đơn kêu oan (như vụ ông Trần Văn Vót, vụ ông Huỳnh Văn Nén). Tỉ lệ truy tố đúng tội danh đạt 99,9%. Tuy nhiên, VKSND Tối cao cũng nhìn nhận: “Trách nhiệm thực hành quyền công tố trong hoạt động điều tra đối với một số vụ án chưa tốt. Việc phê chuẩn các quyết định áp dụng các biện pháp ngăn chặn có trường hợp chưa chính xác; một số trường hợp phải đình chỉ do hành vi của bị can không cấu thành tội phạm hoặc không có sự kiện phạm tội. Ngoài ra, việc giải quyết các vụ án về tham nhũng, kinh tế còn kéo dài; vẫn để xảy ra một số trường hợp tòa tuyên bị cáo không phạm tội”. Theo báo cáo của TAND Tối cao, năm 2016, các tòa án đã giải quyết 432.441 vụ án các loại trong tổng số 463.152 vụ án đã thụ lý (đạt tỉ lệ 93,4 %). So với cùng kỳ năm trước, số vụ án đã thụ lý tăng 36.424 vụ; đã giải quyết tăng 33.383 vụ; tỉ lệ các bản án, quyết định bị hủy, sửa do lỗi chủ quan của tòa giảm so với năm 2015. TAND Tối cao cũng cho biết chưa phát hiện trường hợp nào kết án oan người vô tội. Các trường hợp tòa án trả hồ sơ yêu cầu điều tra bổ sung đều đảm bảo có căn cứ, đúng pháp luật và được VKS chấp nhận chiếm tỉ lệ cao... Các tòa đã thụ lý tám yêu cầu bồi thường thuộc trách nhiệm của tòa án, đã giải quyết dứt điểm hai vụ. Lãnh đạo TAND Tối cao cũng đã chỉ đạo khẩn trương giải quyết các vụ việc còn lại, trong đó có các vụ của ông Huỳnh Văn Nén, ông Trần Văn Thêm (Bắc Ninh). Các tòa cũng đã thụ lý giải quyết 22/32 vụ khởi kiện các cơ quan nhà nước yêu cầu bồi thường theo Luật Trách nhiệm bồi thường của Nhà nước... Còn theo báo cáo của Tổng cục Thi hành án dân sự (Bộ Tư pháp), năm 2016, tổng số việc phải thi hành là 821.216 việc, đã thi hành xong 530.428 việc; tổng số tiền phải thi hành là 133.618 tỉ đồng, đã thi hành xong 29.097 tỉ đồng... Tuy nhiên, các vụ việc liên quan đến tín dụng, ngân hàng (thường có giá trị lớn) kết quả thi hành đạt thấp. Một số việc liên quan đến án kinh tế, tham nhũng có giá trị rất lớn nhưng không có điều kiện thi hành (tài sản bị che giấu, hợp lý hóa, tẩu tán...). Ngành thi hành án cũng cho biết trong quá trình điều tra, truy tố, xét xử một số vụ việc, các cơ quan có thẩm quyền chưa quan tâm đúng mức đến việc truy tìm hoặc chưa kịp thời kê biên, phong tỏa tài sản của người phạm tội để bảo đảm thi hành án... |