'Cán bộ về xã làm thẻ thế này, tôi mừng lắm'

Đoàn công tác Công an TP.HCM vừa về xã đảo Thạnh An (huyện Cần Giờ) làm thủ tục cấp đổi thẻ căn cước cho hơn 30 trường hợp là người già, bệnh tật, học sinh đủ 15 tuổi. Đoàn công tác miễn toàn bộ lệ phí cho những trường hợp trên. Có nhiều trường hợp nếu công an không đến tận nhà làm thủ tục cấp đổi, chắc chắn họ sẽ không có thẻ mới vì các cụ không thể đi lại…

Định bỏ luôn việc làm thẻ, ai dè…

Từ 5 giờ sáng, xe của đoàn công tác Hội Phụ nữ Công an TP.HCM kết hợp Phòng Cảnh sát quản lý hành chính về TTXH (PC64) lăn bánh cho hành trình hơn 50 km từ trụ sở PC64 về huyện Cần Giờ. Sau đó đoàn công tác chuyển sang ngồi thuyền gần một giờ đồng hồ để đến xã đảo Thạnh An.

Trước đó, Hội Phụ nữ xã Thạnh An hỗ trợ đưa các cụ đến trụ sở UBND xã cùng hồ sơ. Nhiều cụ hơn 70 tuổi, chân run, tai ngãng, vừa hồi phục sau tai biến… nhưng trên khuôn mặt họ ánh lên niềm vui, cười nói khi được các cán bộ của đoàn công tác hỏi han, giúp làm hồ sơ…

Các cán bộ của đoàn công tác điền hộ thông tin vào hồ sơ làm thẻ cho các cụ già với sự kiên trì đến khó tin: rà giúp thông tin trong giấy tờ của các cụ, động viên các cụ nhớ tên chồng bằng danh xưng của người thân trong nhà: “bà - con”, “dì - con”, “chú - con”, “ngoại - con”…

Bà Nguyễn Thị Nhì (65 tuổi) bị bệnh tai biến, liệt nửa người nhiều năm, đi lại khó khăn nên chuyện đổi thẻ căn cước với bà như một điều xa xỉ vì không có điều kiện đi lên tận huyện để làm. “Việc sinh hoạt hằng ngày của tôi đã khó khăn rồi thì làm sao có thể bước xuống đò đi gần cả tiếng đồng hồ để lên huyện mà làm căn cước. Cán bộ về xã làm thẻ thế này, tôi mừng lắm…” - bà Nhì nói.

Trong đợt này đoàn công tác đã đến nhà cụ Trần Thị Láng và cụ Nguyễn Thị Lượm để làm thẻ cho hai cụ vì các cụ không đi lại được. Cán bộ “vật vã” chụp ảnh, vuốt thẳng ngón lấy dấu vân tay cho các cụ vì máy… không chịu nhận dạng!

Cháu của cụ Láng cười rạng rỡ nói cách đây vài tháng gia đình mang thẻ BHYT của cụ đến trạm y tế xã để lấy thuốc nhưng không được cấp vì CMND đã quá hạn, gia đình phải mua thuốc ở ngoài cho bà uống đỡ. “Chúng tôi cũng tính tới chuyện đổi CMND cho bà nhưng bà đi lại khó khăn, mắt lại không nhìn thấy rõ nên gia đình tính bỏ luôn… Có căn cước, gia đình đỡ phải mua thuốc bên ngoài” - cháu cụ Láng cười, cho biết.

Đoàn công tác giúp cụ Đỗ Thị Đúng (80 tuổi) lấy dấu vân tay. Ảnh: LÊ THOA

“Nhìn các cụ vui, mình cũng vui lây”

Trung tá Cao Thị Hồng Tươi, Chủ tịch Hội Phụ nữ Công an TP.HCM, cho biết chương trình cấp đổi thẻ căn cước cho người dân tại nơi cư trú được tổ chức thực hiện hằng tháng trên khắp 24 quận/huyện, ưu tiên cho những khu vực xa xôi trước. Chương trình bắt đầu từ tháng 7-2016 và dự kiến làm đến hết năm 2020.

Đến nay chương trình đã cấp cho 113 trường hợp là người già yếu, neo đơn, người khó đi lại, nhất là những trường hợp người già cần có thẻ BHYT hoặc người nghèo muốn được hưởng chính sách ở địa phương mà CMND của họ đã quá hạn.

“Có trường hợp đoàn đến nhà làm thủ tục cấp thẻ cho người khuyết tật mà người nhà cũng bị khuyết tật. Mình không đến thì họ sẽ không thể nào có cái giấy tờ thiết thân này…” - Trung tá Tươi kể.

Vị chủ tịch Hội Phụ nữ Công an TP.HCM cũng cho hay: Có người nằm liệt trên giường bệnh, đoàn công tác phải chọn cách chụp ảnh từ trên xuống dưới; có cụ CMND đã gần… 40 năm. “Có người gần 30 tuổi nhưng lần đầu mới làm thẻ căn cước vì bị khuyết tật. Đoàn đã gặp trường hợp phải mất cả tiếng đồng hồ mới chụp được ảnh vì việc ngồi im nhìn thẳng là “cực hình” với họ. Làm xong một trường hợp như vậy, cả đoàn ai cũng thấy nhẹ lòng hơn.

Nhiều lần anh chị em lội đường ruộng nhiều cây số, đến nơi thì quân phục nhem nhuốc nhưng thấy mọi người vui, các anh chị trong đoàn cũng vui lây, như niềm động viên cho mình, rất khó tả…” - Trung tá Tươi trải lòng.

Đây là lần đầu tiên em được cấp thẻ căn cước nên em hồi hộp lắm, ba mẹ em nói đây là giấy tờ rất quan trọng đối với mỗi người…, được làm thẻ miễn phí em mừng lắm. Em chọn bộ đồ đẹp nhất để các cô chú chụp ảnh.

Em LÂM CAO NGỌC NGUYỆT (15 tuổi)

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm

Đọc nhiều
Tiện ích
Tin mới