Theo Sở GTVT TP.HCM, đường Lạc Long Quân là một trong các trục đường chính của quận 11, mật độ phương tiện lưu thông tương đối cao. Do đó, việc tuyến đường vành đai Đầm Sen sớm thi công hoàn thành và đưa vào khai thác sẽ giảm tải lưu lượng tham gia giao thông trên đường Lạc Long Quân, kéo giảm ùn tắc cho khu vực.
Gần về đích nhưng chất lượng công trình chưa đảm bảo
Sở GTVT TP vừa có văn bản gửi Ban quản lý dự án đầu tư xây dựng khu vực quận 11 về kết quả kiểm tra thi công xây dựng đường vành đai Đầm Sen, quận 11.
Theo Sở GTVT TP, hạng mục vỉa hè của dự án có hiện tượng lún cục bộ, một số vị trí cỏ mọc, chưa đảm bảo mỹ quan; mặt đường bê tông nhựa cũng có tình trạng lún cục bộ một số vị trí mặt bê tông nhựa, một số vị trí tại nắp hố ga chưa đảm bảo êm thuận.
Bên cạnh đó, một số hộ dân dọc tuyến đã tự ý đổ bê tông trên mặt đường, sát bó vỉa, thay đổi kết cấu vỉa hè, làm ảnh hưởng đến khả năng thoát nước mặt đường, an toàn giao thông.
Trước thực trạng đó, Sở GTVT TP yêu cầu chủ đầu tư rà soát, có biện pháp khắc phục kịp thời các bất cập kể trên.
Bên cạnh đó, yêu cầu chủ đầu tư chủ động làm việc với đơn vị chủ quản của hệ thống hạ tầng kỹ thuật điện để di dời các trụ điện trên vỉa hè và sớm thực hiện công tác ngầm hóa, đảm bảo không chống lấn các khối lượng thực hiện.
Đồng thời, nghiên cứu phương án để người đi bộ lưu thông tại 2 vị trí trạm biến áp (trước trường mầm non Sơn Ca 3) và trạm biến áp tại vị trí 247/36 Lạc Long Quân phù hợp thực tế và quy định.
Phối hợp, làm việc với Ban Quản lý dự án hạ tầng đô thị (Chủ đầu tư dự án cải tạo rạch Đầm Sen) để xác định phạm vi khớp nối của 2 dự án, có biện pháp thi công đồng bộ, đảm bảo chất lượng và ổn định công trình.
Về công tác an toàn giao thông, đường vành đai Đầm Sen thi công trên khu dân cư hiện hữu, dân số đông, và có trường học hiện hữu trên tuyến.
Do đó, Sở GTVT đề nghị chủ đầu tư thực hiện đầy đủ phương án tổ chức giao thông, tăng cường lắp đặt các biển báo tạm đối với phạm vi hẻm, khu dân cư, thường xuyên kiểm tra các biện pháp an toàn giao thông và khắc phục ngay nếu có nguy cơ gây mất an toàn.
Đặc biệt, Sở yêu cầu khẩn trương thi công hệ thống báo hiệu đường bộ (bao gồm biển báo, vạch sơn...) của công trình, lưu ý các vị trí giao cắt với đường dân sinh, hẻm, ngã ba để điều chỉnh, khắc phục cho phù hợp quy định và điều kiện thực tế.
Đối với hệ thống chiếu sáng đã thi công hoàn thành, đề nghị sớm kết nối về Trung tâm Quản lý hạ tầng kỹ thuật TP để đưa vào sử dụng.
Dự án đạt 97% khối lượng
Theo ghi nhận của PLO ngày 27-9, dự án xây dựng đường vành đai Đầm Sen (đoạn từ đầu hẻm 247 Lạc Long Quân đến chùa Giác Viên) cơ bản đã hoàn thành việc nâng cấp, mở rộng lên 16m.
Khoảng 500m đường đã được thảm nhựa, sơn phân làn, các phương tiện lưu thông thuận lợi. Dọc theo tuyến đường, vỉa hè cũng đã được lát gạch sạch đẹp, trồng thêm cây xanh, xây dựng hệ thống chiếu sáng phù hợp với cảnh quan.
Ngoài ra, công tác xây dựng hệ thống cống thoát nước mưa, thoát nước sinh hoạt, cống ngang đường đảm bảo thoát nước khu vực và thoát nước mặt đường cũng cơ bản hoàn thiện.
Theo Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng khu vực quận 11, công trình triển khai thi công từ ngày 2-8-2023. Sau hơn 1 năm thi công, công trình đã được bàn giao toàn bộ mặt bằng và khối lượng công việc đạt khoảng 97%.
Hiện đang dự án đang được thảm nhựa mặt đường (lớp 2), vỉa hè và hệ thống hạ tầng kỹ thuật (thoát nước, cây xanh, chiếu sáng...) đã thi công hoàn thành, đạt tiến độ so với kế hoạch đã đề ra. Theo đó, dự án cũng đã có đủ 100% mặt bằng để tiếp tục triển khai thi công.
Dự án đường vành đai Đầm Sen có tổng chiều dài là 820m, kéo dài từ đầu hẻm 247 Lạc Long Quân đến hẻm 152 Lạc Long Quân.
Dự án được chia làm 2 phần: dự án xây dựng đường vành đai Đầm Sen (từ đầu hẻm 247 Lạc Long Quân đến Chùa Giác Viên) và dự án cải tạo rạch Đầm Sen (từ Chùa Giác Viên đến tuyến hẻm 152 Lạc Long Quân). Trong đó, dự án xây dựng đường vành Đai Đầm Sen có tổng mức đầu tư 161 tỉ đồng.