Cần có tòa riêng cho người chưa thành niên

aTòa án cho người chưa thành niên là một vấn đề không mới, nhiều lần được đặt ra trong quá trình hoàn thiện pháp luật tố tụng hình sự ở nước ta. Tuy nhiên, đến nay tất cả cũng vẫn chỉ dừng lại ở mức độ nghiên cứu, đề xuất…

Mới đây, ban chủ nhiệm một đề tài nghiên cứu khoa học cấp bộ đã tổ chức hội thảo lấy ý kiến về việc thành lập tòa án người chưa thành niên tại Việt Nam trong giai đoạn hiện nay.

Chính sách chưa đi vào cuộc sống

TS Lê Tiến Châu (Trưởng Cơ quan đại diện của Bộ Tư pháp tại TP.HCM, chủ nhiệm đề tài) cho biết Việt Nam là quốc gia đầu tiên ở châu Á ký công ước quốc tế về quyền trẻ em. Tuy nhiên, các cơ chế pháp lý để bảo vệ người chưa thành niên khi họ bị tội phạm xâm hại cũng như các trình tự, thủ tục tố tụng để xử lý người chưa thành niên phạm tội còn thiếu, chung chung và chưa có phương tiện để thực hiện. Thực tế này đã làm cho chính sách hình sự của Nhà nước ta trong việc bảo vệ người chưa thành niên chưa đi vào cuộc sống, việc bảo vệ người chưa thành niên chưa đạt kết quả mong đợi.

Theo TS Châu, người chưa thành niên có tâm, sinh lý chưa hoàn thiện, nhận thức hạn chế, chịu nhiều tác động từ môi trường, điều kiện, hoàn cảnh và hành vi của người lớn. Trong khi đó, thực tiễn xử lý đối với người chưa thành niên phạm tội hiện nay đang có nhiều hạn chế, khiếm khuyết. Các quy định về xử lý người chưa thành niên phạm tội vừa ít, vừa thiếu; quy định về trình tự thủ tục đối với người chưa thành niên tham gia tố tụng với vai trò nạn nhân, người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan, nhân chứng… hầu như chưa có. Do vậy, việc thành lập tòa án cho người chưa thành niên là việc cấp bách, cần làm ngay. Đây cũng chính là một công cụ để có thể phòng, chống tội phạm trong lứa tuổi này một cách hiệu quả.

Việc thành lập tòa án cho người chưa thành niên là việc cấp bách để có thể phòng, chống tội phạm trong lứa tuổi này một cách hiệu quả. Ảnh minh họa: HTD

Hầu hết các đại biểu, trong đó có TS Phạm Văn Beo (Trường ĐH Cần Thơ) đồng tình với quan điểm cần thành lập tòa án người chưa thành niên. Tuy nhiên, TS Beo lưu ý: Trên thế giới, tòa án cho người chưa thành niên đã được thành lập từ cả trăm năm nay nhưng vẫn không phổ biến vì tùy thuộc vào quan điểm, điều kiện của từng quốc gia. Muốn thành lập tòa án người chưa thành niên ở nước ta cần phải có sự đánh giá, khảo sát những yếu kém của tòa án người chưa thành niên ở các nước và phương pháp khắc phục cụ thể để vận dụng vào điều kiện nước ta.

Mô hình nào phù hợp?

TS Nguyễn Duy Hưng (Trưởng khoa Luật ĐH Thủ Dầu Một, Bình Dương) cho biết trên thế giới hiện có ba mô hình tòa án cho người chưa thành niên là mô hình an sinh phúc lợi, mô hình trừng phạt và mô hình tòa án gia đình.

Mô hình an sinh phúc lợi chủ yếu mang tính giáo dục, định hướng, không đặt nặng vấn đề trừng trị, dành cho ba nhóm người chưa thành niên: người chưa thành niên bị cáo buộc phạm tội, người chưa thành niên bị xâm hại hoặc bị bóc lột và người chưa thành niên bị mất cha mẹ, bị khuyết tật hoặc vì các lý do khác.

Ngược lại, mô hình trừng phạt mang nặng tính chất cứng rắn, nhấn mạnh yếu tố trách nhiệm và trừng phạt khi xử lý người chưa thành niên phạm tội. Còn mô hình tòa gia đình là sự dung hòa giữa hai mô hình trên. Mô hình này xem xét hành vi phạm tội đặt trong bối cảnh của gia đình người chưa thành niên để có thể cân nhắc hình phạt tương xứng. Theo TS Hưng, đây là mô hình thích hợp với điều kiện, hoàn cảnh nước ta nhất.

Quan trọng là yếu tố con người

Theo TS Lê Thành Dương (Viện trưởng Viện Phúc thẩm III VKSND Tối cao), việc thành lập tòa án người chưa thành niên sẽ không phát huy được hiệu quả nếu như chúng ta không xây dựng được đội ngũ những thẩm phán, kiểm sát viên, điều tra viên, luật sư… là những người có kiến thức, trình độ, nắm bắt được tâm sinh lý của người ở tuổi chưa thành niên.

Mặt khác, ông Dương cho rằng việc xây dựng các quy định về dẫn giải, tạm giữ, tạm giam, các hoạt động điều tra, truy tố… phù hợp với đặc điểm của người chưa thành niên cũng là một vấn đề rất quan trọng phải lưu tâm. Đặc biệt, trẻ phạm tội cũng cần phải được giam, giữ riêng.

Thẩm phán Lê Thanh Phong (Chánh án TAND quận 7, TP.HCM) bổ sung: Thực tiễn xét xử cho thấy dù được tòa khoan hồng với mong muốn tạo cơ hội để các em cải tạo tốt, sớm trở về tái hòa nhập cộng đồng nhưng nhiều em lại tái phạm. Áp dụng mức hình phạt nghiêm khắc, mang tính răn đe thì kết quả cũng không khả quan hơn. Như vậy, ngoài việc xây dựng các quy định pháp luật thì môi trường giáo dục, hoàn cảnh sống, điều kiện xã hội… cũng cần phải được những người có trách nhiệm quan tâm.

Vẫn còn những quan ngại

Tháng 10-2011, tại buổi tọa đàm do TAND Tối cao phối hợp cùng Quỹ Nhi đồng Liên Hiệp Quốc (UNICEF) tổ chức, PGS-TS Trần Văn Độ (Phó Chánh án TAND Tối cao) cho biết đang có ba quan điểm trong việc hình thành tòa án cho người chưa thành niên ở Việt Nam: Quan điểm thứ nhất cho rằng chưa nhất thiết phải thành lập tòa án này vì rất phức tạp, không đơn giản chỉ là đội ngũ cán bộ có trình độ, hiểu biết về tâm lý, khoa học giáo dục người chưa thành niên mà còn là vấn đề thay đổi cơ cấu tổ chức của tòa, thẩm quyền xét xử. Quan điểm thứ hai thì khẳng định cần thiết phải thành lập, xuất phát từ các đặc điểm của người chưa thành niên, chính sách nhân đạo… Quan điểm thứ ba không phủ nhận sự cần thiết của tòa án người chưa thành niên nhưng lại e ngại rằng thành lập trong điều kiện hiện nay là chưa khả thi.

Trước đó, tháng 8-2008, tại một hội thảo do Viện Khoa học xét xử (TAND Tối cao) phối hợp với đại diện UNICEF tại Việt Nam tổ chức, bà Julie Bergeron (Phòng bảo vệ trẻ em của UNICEF tại Việt Nam) cho biết việc thành lập tòa án cho người chưa thành niên là cần thiết nhưng phải có lộ trình. Bởi lẽ nhiều quốc gia từng thực hiện rất nhanh, sau đó lại không hoạt động nữa vì nhiều nguyên nhân, trong đó có nguyên nhân là thiếu nội lực để duy trì.

Lịch sử các mô hình

Mô hình an sinh phúc lợi xuất hiện sớm nhất, được một số quốc gia như Anh, xứ Wales, Canada… áp dụng. Tuy nhiên, từ đầu những năm 1970 của thế kỷ XX, do xu hướng ngày càng gia tăng của các loại tội phạm nguy hiểm do người chưa thành niên thực hiện, hệ thống tòa án cho người chưa thành niên tại Anh, xứ Wales, Canada… đã chuyển dần từ yêu cầu về trách nhiệm phục hồi sang việc nhấn mạnh yếu tố trừng phạt. Đó là việc xử lý nghiêm khắc người chưa thành niên phạm tội gần tương đương với người đã thành niên phạm tội.

Thực tiễn đã cho thấy đường lối cứng rắn này cũng không chứng tỏ được hiệu quả trong việc làm giảm bớt số lượng tội phạm do người chưa thành niên thực hiện hay hỗ trợ quá trình tái hòa nhập cộng đồng của họ.

Vì vậy, mô hình tòa án gia đình đã được đặt ra với mục đích là đưa tất cả vấn đề về gia đình, xã hội vào xử lý trong quá trình tố tụng. Cách tiếp cận này cho phép thẩm phán đánh giá, nhận thức đầy đủ hơn về những vấn đề đang diễn ra trong gia đình của trẻ phạm tội, từ đó có thông tin và áp dụng các biện pháp xử lý mang tính “trị liệu” hợp lý hướng vào cả gia đình lẫn bản thân người chưa thành niên phạm tội.

Mô hình tòa án gia đình này đang được nhiều chuyên gia đề xuất nên áp dụng tại Việt Nam.

HỒNG TÚ

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm

Đọc nhiều
Tiện ích
Tin mới